Đưa doanh nghiệp hoạt động bình thường trong trạng thái mới, bằng cách nào?

(Dân trí) - Đưa doanh nghiệp hoạt động bình thường trong trạng thái mới, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh đến cơ hội về "trật tự" mới của chuỗi cung ứng thông qua biến động thị trường do tác động của Covid-19.

Đưa doanh nghiệp hoạt động bình thường trong trạng thái mới, bằng cách nào? - 1
Bộ trưởng Công Thương họp bàn giải pháp đưa doanh nghiệp hoạt động bình thường trong "trạng thái mới".

Tạo lập vị trí trong “trật tự mới" của chuỗi cung ứng toàn cầu

Hôm qua (24/4), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp bàn về các giải pháp triển khai kế hoạch hành động sau giai đoạn giãn cách xã hội.

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, có 2 yếu tố lớn tác động đến khả năng hồi phục kinh tế của Việt Nam, đó là khả năng khống chế, kiểm soát dịch bệnh và khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phòng chống dịch bệnh song diễn biến vẫn còn phức tạp, do vậy ông Tuấn Anh cho biết, việc khôi phục kinh tế phải tuân thủ nghiêm ngặt đảm bảo sức khoẻ cho người dân.

Trước bối cảnh “vô tiền khoáng hậu” này, người đứng đầu ngành công thương nói “nền kinh tế chuyển sang giai đoạn bình thường mới”.

Trong đó, khó khăn là rất nhiều song cần tận dụng những "điểm sáng" để vực dậy nền kinh tế

Bàn về nhóm giải pháp nhằm đưa doanh nghiệp hoạt động bình thường trong trạng thái mới, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh đến cơ hội tái cơ cấu chuỗi cung ứng thông qua biến động thị trường do tác động của Covid-19.

Hay "nôm na" giống như một số chuyên gia kinh tế từng nói, đó là chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc này được ví như giải pháp không chỉ giúp doanh nghiệp “sống còn" mà còn có cơ hội xác lập vị thế mới trong trật tự mới sau đại dịch.

“Không phải tất cả đều khó khăn. Việc đứt gãy nguồn cung do tác động của Covid-19, đây chính là dịp chúng ta cần tính lại với sự tham gia của Việt Nam vào một số ngành như ô tô, chế biến chế tạo, lương thực thực phẩm… “, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ Công Thương họp bàn giải pháp "cứu" kinh tế hậu dịch Covid-19

Không riêng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá ngay trong thị trường nội địa cũng được đẩy mạnh. Báo cáo Bộ trưởng, đại diện Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết, thời gian qua, Bộ đã tập trung kết nối với hệ thống phân phối trong nước để giải phóng một lượng lớn hàng hóa, đặc biệt là nông sản vào vụ thu hoạch, giảm áp lực cho xuất khẩu trong giai đoạn gặp khó khăn.

Theo đó, hầu hết các hệ thống phân phối lớn tại Việt Nam đều tham gia hoạt động kết nối, tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân.

Ông Trần Duy Đông nhấn mạnh, một trong các giải pháp rất hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa là thông qua môi trường thương mại điện tử - gian hàng Việt.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho biết, thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh đã có một "cú hích" đáng kể. Rất nhiều người, nhiều doanh nghiệp chưa tham gia thương mại điện tử, giờ đã tham gia. Những mặt hàng chưa từng có mặt trên sàn thương mại điện tử giờ cũng đã xuất hiện.

Rà soát “sức khoẻ" doanh nghiệp, sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, để đưa nền kinh tế hoạt động ở trạng thái bình thường nhưng an toàn, cần sớm ban hành các bộ tiêu chí, hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trên cơ sở thống nhất với Bộ Y tế.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng cũng cần tiếp thu các kiến nghị từ doanh nghiệp để thấy được sự khó khăn, qua đó đưa ra giải pháp phù hợp.

Vừa qua, Chính phủ đã có các gói hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Bộ trưởng Công Thương cho biết, các cục vụ, đơn vị cần sớm đánh giá được hiện trạng doanh nghiệp.

“Không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ đâu, cả các doanh nghiệp lớn cũng lao đao vì đại dịch. Trên cơ sở các gói hỗ trợ này, chúng ta phải rà soát, đánh giá thực chất hiệu quả của chúng tới đâu. Làm việc với hiệp hội ngành hàng, xem doanh nghiệp có kiến nghị, yêu cầu cấp thiết gì để từ đó xem xét báo cáo Chính phủ, gỡ khó cho doanh nghiệp", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

“Hiện trạng dòng tiền, tài chính doanh nghiệp rất khó khăn, do vậy việc xem xét việc miễn giảm các khoản thuế phí… là rất cần thiết. Cần sớm xem xét đánh giá để báo cáo Chính phủ", ông Tuấn Anh nói.

Người đứng đầu Bộ Công Thương giao các đơn vị có liên quan tổ chức một cuộc làm việc ngay đầu tháng 5 với các hiệp hội, đặc biệt là nhóm ngành hàng ưu tiên với lực lượng lao động đông, chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu như dệt may da giày, đồ gỗ…

Để đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường, người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh đến yếu tố đầu vào và đầu ra. Cụ thể, cần hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn cung, đặc biệt là nhập khẩu.

Về thị trường đầu ra, ông Tuấn Anh yêu cầu lưu ý những nhóm ngành hàng quan trọng, nhạy cảm trong chuỗi cung ứng toàn cầu như lương thực, thực phẩm. Qua đó đẩy mạnh việc tham gia, tạo vị trí tốt hơn trong chuỗi cung ứng này dưới tác động của Covid-19.

Về kế hoạch cụ thể, cần sớm chủ động xây dựng phương án phát triển thị trường trên các kịch bản về kiểm soát dịch bệnh. Đối với các thị trường châu u, Mỹ… dựa trên các kịch bản hết dịch vào quý 2, hết quý 3, quý 4…

Khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt hơn dù chưa biết khi nào mới chấm dứt hoàn toàn, tái khởi động nền kinh tế là điều cần thiết.

Theo chỉ đạo mới nhất từ Chính phủ từ sáng ngày 23/4, các hoạt động kinh tế-xã hội đã từng bước phục hồi trên cả nước, trên cơ sở bảo đảm những yêu cầu về phòng chống dịch.

Chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch bệnh chưa phải kết thúc và những hệ lụy của đại dịch Covid-19 là rất lớn, làm giảm cả tổng cung và tổng cầu cả ở cấp vĩ mô và vi mô, quốc gia và quốc tế…

Vì vậy, các nhiệm vụ và giải pháp kinh tế cần có cho cả nước và mỗi địa phương, lĩnh vực trong thời gian tới cần được thực hiện đồng bộ và đáp ứng cả 2 mục tiêu: Tiếp tục kiểm soát an toàn dịch bệnh; đồng thời, điều tiết để “lò xo kinh tế” bị nén trong thời gian qua bung ra đúng lúc, đúng hướng và hiệu quả cao.

Nguyễn Mạnh