Dự thảo thông tư hàng “Made in Vietnam”: Bộ Tư pháp vạch bất cập lớn

(Dân trí) - Trước ý kiến cho rằng dự thảo Thông tư “Made in Vietnam” có nhiều điểm “sao chép”, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh phản biện: Dự thảo Thông tư có sự độc lập với các thông tư, quy định khác. Chúng tôi không chép lạị mà viết ra những thứ tương tự...

Dự thảo thông tư hàng “Made in Vietnam”: Bộ Tư pháp vạch bất cập lớn - 1

Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định dự thảo Thông tư hàng "Made in Vietnam" không “sao chép”, chỉ viết lên những thứ tương tự...

Không thể ban hành dưới hình thức Thông tư của Bộ trưởng

Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo thông tư này sáng nay (25/9), đại diện Vụ pháp luật dân sự - kinh tế - Bộ Tư pháp đã góp ý về một loạt các bất cập xung quanh dự thảo này.

Khẳng định tính cần thiết của việc ban hành thông tư “Made in Vietnam”, tuy nhiên đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, do chứa đựng những quy định về yêu cầu, tiêu chí để sản phẩm, hàng hóa được xác định là hàng hóa của Việt Nam, tức là chứa đựng những quy định về điều kiện mà theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì không thể ban hành dưới hình thức Thông tư của Bộ trưởng.

“Với nội dung như vậy cần ban hành dưới hình thức Nghị định của Chính phủ”, đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Đáng chú ý, góp ý về nội dung dự thảo thông tư “Made in Vietnam”, đại diện đến từ Bộ Tư pháp cho rằng Bộ Công Thương “sao chép” nhiều quy định tại Nghị định số 31.

Theo đó, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo không quy định lại các nội dung đã được thể hiện tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP mà cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn để bảo đảm yêu cầu của khoản 2 Điều 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Đại diện Bộ Tư pháp dẫn chứng, các khoản 1, 2, 3, 4,7, 9 Điều 3 dự thảo Thông tư giải thích lại các từ ngữ đã được quy định tại các khoản 11, 12, 13, 14, 9, 15 Điều 3 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.

“Điều 8 dự thảo Thông tư về cơ bản giữ nội dung quy định lại Điều 7 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, chỉ sửa đổi kỹ thuật theo hướng thay thế cụm từ "nước", "nhóm nước", "vùng lãnh thổ" thành cụm từ "Việt Nam". Thay vì thế, cơ quan chủ trì soạn thảo nên làm rõ hơn về các trường hợp được liệt kê tại điều này”, đại diện Bộ Tư pháp nói.

Ngoài ra theo Bộ Tư pháp, các điều 10, 11, 12, 13 dự thảo Thông tư quy định lại các điều 9, 10, 11, 12 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, trong khi cơ quan chủ trì soạn thảo chưa hướng dẫn được như thế nào là "lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm" tại khoản 6 Điều 10 dự thảo Thông tư và mối quan hệ của khoản 6 này với Điều 9 dự thảo Thông tư.

Bên cạnh đó, Điều 10 dự thảo Thông tư khi quy định về các công đoạn gia công, chế biến đơn giản lại không có nội dung nêu tại khoản 7 Điều 9 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP về việc "Kết hợp của hai hay nhiều công việc đã liệt kê từ khoản 1 đến khoản 6 điều này".

Khoản 8 Điều 3 dự thảo Thông tư định nghĩa "Hàm lượng giá trị gia tăng là... sau khi trừ đi trị giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu hoặc trị giá nguyên liệu đầu vào không xác định được xuất xứ dùng để sản xuất ra hàng hóa".

Trong khi đó, Khoản 3 Điều 9 của Dự thảo Thông tư lại sử dụng thuật ngữ "Trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam". Theo đó, Bộ Tư pháp đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát dự thảo Thông tư để đảm bảo sự thống nhất trong cách sử dụng thuật ngữ.

Ngoài ra theo Bộ Tư pháp, quy định tại Khoản 1 Điều 14 Dự thảo Thông tư chưa rõ ràng, nếu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam có quyền không thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam thì có nghĩa là tổ chức, cá nhân này được thể hiện là hàng hóa của nước khác?

Trong khi đó, theo quy định tại Điểm C Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thì xuất xứ hàng hóa là một nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa và việc ghi nhãn hàng hóa là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, theo đại diện Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung nghĩa vụ tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, không chỉ có "Thông tư này" tại khoản 2 Điều 14 dự thảo Thông tư.

Bộ Công Thương không “sao chép”, chỉ viết lên những thứ tương tự

Đáp lại góp ý của đại diện đến từ Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Công Thương – ông Trần Quốc Khánh cho biết, trong quá trình trao đổi sơ bộ về dự thảo thông tư này, cũng có ý kiến cho rằng đây không phải là việc của Bộ Công Thương mà là việc của nhiều bộ, ngành.

Thứ trưởng thí dụ, nên giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định như thế nào là nông sản Việt Nam. Tương tự, nên giao các Bộ Thông tin Truyền thông và Khoa học Công nghệ quy định thế nào là sản phẩm công nghệ Việt Nam; hay Bộ Xây dựng quy định thế nào là vật liệu xây dựng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, sau một thời gian trao đổi, trên cơ sở ý kiến thống nhất của một số bộ, ngành có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về việc như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là sản phẩm của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam.

Thứ trưởng Khánh nói về Dự thảo thông tư hàng “made in Vietnam”

“Thậm chí nhiều ý kiến nói về trách nhiệm Bộ Công Thương khi đến bây giờ mới ban hành dự thảo thông tư này. Nhưng đây không phải việc của Bộ Công Thương”, ông Khánh nhấn mạnh.

Ông Khánh cũng cho biết, nhóm soạn thảo đã đề xuất là để dưới hình thức nghị định nhưng không được. Bởi nghị định phải hướng dẫn từ luật nhưng hiện nay không có luật nào quy định về hàng hoá sản xuất tại Việt Nam.

Do vậy, nếu để hình thức nghị định thì theo ông Khánh, đây sẽ là “nghị định không đầu”. Theo đó, ông Khánh khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ tuýt còi ngay lập tức.

“Điều này khiến anh em chúng tôi (nhóm soạn thảo thông tư – PV) quyết định để hình thức thông tư. Nhưng khi để thông tư lại xuất hiện một số vấn đề vượt qua thẩm quyền của một thông tư. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến, báo cáo lại Thủ tướng về hình thức văn bản”, ông Khánh cho biết.

Cũng theo vị này, nếu không ban hành ở cấp nghị định thì cũng sẽ không đưa được vào những cụm từ như “lắp ráp ở đâu đó”. Trong khi nhóm soạn thảo rất mong muốn đưa quy định này vào giúp doanh nghiệp xác định rõ hơn.

Trước ý kiến cho rằng dự thảo Thông tư có nhiều điểm “sao chép”, ông Khánh phản biện: Dự thảo Thông tư có sự độc lập với các thông tư, quy định khác khác.

“Chúng tôi không chép lại Nghị định 31 hay nghị định khác. Chúng tôi đang viết lên một thứ tương tự như vậy và chúng tôi có quyền thay đổi một số điểm để phù hợp. Vì không chép lại nên không thể nói chúng tôi chép thừa hay chép thiếu”, Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.

Toàn văn dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam xem tại đây.

Nguyễn Mạnh