1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Dự thảo nghị định an toàn thực phẩm: “Tréo ngoe” trong quản lý

Luật An toàn thực phẩm (ATTP) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Tuy nhiên, dự thảo hướng dẫn luật vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý.

Hơn thế, tại Hội nghị lấy ý kiến DN do VCCI phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, một số người còn cho rằng văn bản quy phạm pháp luật về ATTP hơn 10 năm qua đang hướng tới việc thống nhất cơ quan quản lý lĩnh vực này, thì dự thảo nghị định hướng dẫn Luật ATTP lại khiến công việc quản lý thêm rối ren.
 
Dự thảo nghị định an toàn thực phẩm: “Tréo ngoe” trong quản lý - 1
Bộ NN-PTNT cần quản lý quá trình sản xuất, giết mổ, sơ chế... Bộ Công Thương quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến... Còn khi, thực phẩm chuyển sang tiêu dùng thì do Bộ Y tế quản lý

“Cha chung không ai khóc”

Trên thực tế, việc phân định trách nhiệm quản lý đối với cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm rất khó khăn và chồng chéo. Một sản phẩm có thể thuộc nhiều bộ quản lý. Ví dụ nhiều sản phẩm bánh có thành phần thuộc cả Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Y tế cùng quản lý. Do đó, khó có thể biết bộ nào chịu trách nhiệm quản lý ở đây.

Ngoài ra, có rất nhiều cơ quan nhà nước có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm: UBND các cấp, thanh tra của các bộ chuyên ngành, quản lý thị trường các cấp. Để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, các ý kiến đều cho rằng cần phân định rõ trách nhiệm quản lý của từng cơ quan.

Theo GS TS Phan Thị Kim - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATTP VN, thực phẩm đang là giai đoạn sản xuất, chế biến và lưu thông thì Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm quản lý.

Cùng quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ NN-PTNT cần  quản lý quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh với chín loại thực phẩm ngũ cốc, thịt và các sản phẩm thịt... Bộ Công Thương quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản vận chuyển... các loại rượu bia, nước giải khát... Nói tóm lại, hai bộ này phải chịu trách nhiệm quản lý phần sản xuất. Còn khi, thực phẩm chuyển sang tiêu dùng thì do Bộ Y tế quản lý.

Hơn nữa, theo LS Nguyễn Văn Thi – GĐ Cty Luật TNHH Brandco, cần đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, Nhà nước cần quy định rõ ràng phạm vi trách nhiệm quyền hạn của UBND từng cấp trong quản lý nhà nước về ATTP trong phạm vi địa phương. Đây là cơ sở cho việc triển khai hiệu quả Luật ATTP thời gian tới.

Vẫn khó cho DN

Theo ông Nguyễn Tử Cương - GĐ Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản VN, nội dung quản lý chất lượng và công bố hợp quy phức tạp nhưng không hiệu quả. Ông Cương cho rằng, khi DN đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn về điều kiện ATTP thì không còn cần đến công bố hợp quy nào khác và đương nhiên là DN sẽ ra sức quảng bá về kết quả này. Do vậy, Nghị định không cần yêu cầu DN phải nộp hồ sơ công bố hợp quy cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có điều kiện quan trọng là phải nộp tiền để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đã công bố hợp quy. Việc làm này không hề có tác dụng nâng cao chất lượng ATTP mà chỉ dẫn tới phiền hà cho DN.

Đại diện USAID (Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ) nhận định, để lấy được giấy chứng nhận đăng ký chất lượng thực phẩm, DN cần liệt kê các thành phần quan trọng bao gồm thử nghiệm vật lý (mùi vị, màu sắc...), thử nghiệm hóa học (kim loại nặng, chất phụ gia, nồng độ hợp chất lưu huỳnh...). Việc này gây chi phí tốn kém cho nhà sản xuất thực phẩm và nhà nhập khẩu thực phẩm. Hầu hết các nhà sản xuất thực phẩm Hoa Kỳ không thiện chí cung cấp những thông tin này vì họ thấy yêu cầu này vi phạm bí mật về công thức sản phẩm thực phẩm của họ.

Về thời hạn của giấy xác nhận công bố hợp quy và giấy xác nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP, nhiều DN than phiền các mức quy định trong dự thảo (2 năm, 3 năm, 5 năm) là quá ngắn. Hơn nữa, trước khi hết hạn 3 tháng, các đối tượng lại phải nộp một bộ hồ sơ mới với khá nhiều thủ tục. Đại điện TCty rau quả, nông sản VN cho rằng, DN phải chạy đi chạy lại mất nhiều thời gian mà chỉ được một giấy xác nhận với hiệu lực là không tương xứng, trong khi Luật ATTP đã đưa ra các chế tài và biện pháp thanh kiểm tra định kỳ các thực phẩm.

Theo bà Trần Thị Quang Hồng – Phó trưởng ban NCPL Dân sự - Kinh tế - Viện Khoa học pháp lý, Điều 15 dự thảo cần xem lại cách quy định. Về đối tượng, lưu ý là nghị định này không thể quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xuất khẩu thực phẩm vào VN (thường  là tổ chức, cá nhân hoạt động tại nước xuất khẩu và là người bán) mà chỉ có thể quy định trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực phẩm vào VN (có thể là chính tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc tổ chức, cá nhân mua thực phẩm từ người xuất khẩu để đưa vào VN). Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu mới là người phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của VN.

Lỗ hổng thức ăn đường phố

Theo dự thảo, việc “kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình, bán hàng rong, kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo qui định” thì không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. LS Võ Thành Vị - Đoàn luật sư TP HCM cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các DN thì phù hợp với quy định hiện hành. Nhưng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình, kinh doanh thức ăn đường phố, bán hàng rong thì nhà nước không có đủ lực lượng để kiểm tra và không thể cấp Giấy chứng nhận ATTP theo quy định được. Quản lý Nhà nước về ATTP đối với các đối tượng này chưa quy định, có thể được hiểu là bỏ ngỏ.  LS Vị kiến nghị, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ và hộ gia đình nên giao UBND phường, xã, thị trấn kiểm tra, quản lý. UBND phường, xã, thị trấn buộc các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ làm giấy cam kết về ATTP, dán tại nơi buôn bán. 

Đồng tình với quan điểm này, LS Phan Thông Anh – GĐ Cty Luật hợp danh VN cho biết, đối với kinh doanh thức ăn đường phố qua chế biến cần phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Luật ATTP có thể đi vào đời sống xã hội hay không lệ thuộc không nhỏ đối với việc ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật. Đạo luật này chỉ có thể phát huy hiệu quả khi các văn bản hướng dẫn áp dụng dự liệu được các tình huống phát sinh trong thực tiễn để quy định điều chỉnh cho phù hợp.

PGS TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế nhấn mạnh: chừng nào còn chưa làm rõ được trách nhiệm quản lý thì chừng đó chưa có vệ sinh ATTP.

- Theo ông, các DN sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào từ việc phân công trách nhiệm quản lý ATTP trong dự thảo nghị định chưa hợp lý ?

Mặc dù Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về VSATTP nhưng ngành quản lý về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật lại là Bộ Công Thương. Chính sự “tréo ngoe” này dẫn tới việc ban hành tiêu chuẩn về thực phẩm lại không phải do bộ chuyên ngành ban hành, Bộ Y tế muốn ban hành quy chuẩn kỹ thuật phải trình Bộ Công Thương thẩm định, thời gian chờ đợi lên tới 60 ngày.

Thực tế đòi hỏi có tới vài nghìn tiêu chuẩn về thực phẩm, song đến nay mới ban hành được 717 tiêu chuẩn VN. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong việc thanh tra, kiểm soát thực phẩm trên thị trường. Đồng thời, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh của DN. Bởi lẽ, nếu DN sản xuất hàng thành phẩm để được lưu hành DN phải chạy theo hai cấp: cấp chứng nhận hợp quy và cấp công bố hợp quy. Luật đã lộn xộn, nghị định lại thêm sai sót thì sẽ dẫn đến rất nhiều nguy cơ cho DN, tạo ra cho DN nhiều phiền phức, rắc rối và chưa chắc đã đảm bảo được chất lượng vệ sinh ATTP.

Vì vậy, ba bộ: Bộ NN - PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Y tế cần phải ngồi lại và thống nhất trách nhiệm rõ ràng với nhau.

- Nhưng theo ông Bộ NN - PTNT và Bộ Công Thương phải có trách nhiệm thế nào?

Theo tôi, tại điều 63 Luật ATTP, Bộ NN - PTNT quản lý toàn bộ 9 mặt hàng thực phẩm tiêu dùng là không đúng mà chỉ quản lý quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất, nhập khẩu, kinh doanh. Còn trách nhiệm của Bộ Công Thương quản lý ATTP trong suốt quá trình: sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các mặt hàng: rượu bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột.

Như vậy, hai Bộ NN - PTNT và Bộ Công Thương sẽ không phải chịu trách nhiệm quản lý quá trình tiêu dùng thực phẩm. Mà trách nhiệm này thuộc về Bộ Y tế.

- Trên cơ sở đó, trách nhiệm cụ thể của Bộ Y tế là gì trong việc đảm bảo VSATTP, thưa ông ?

Tất cả các sản phẩm khi được ăn, uống vào cơ thể đều phải được Bộ Y tế chứng nhận. Đơn cử, một chai nước do Bộ NN - PTNT và Bộ Công Thương làm ra nhưng Bộ Y tế không cho phép sử dụng thì không được sử dụng.

Ngoài ra, Bộ Y tế còn phải xây dựng, trình ban hành, tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia về ATTP; ban hành quy chuẩn quốc gia về ATTP; quy định về điều kiện chung vê ATTP; kiểm tra thanh tra đột xuất thuộc các bộ khác quản lý; thực hiện tổng hợp báo cáo, thống kê ATTP; quản lý toàn bộ các phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; nước uống đóng chai, nươc khoáng thiên nhiên; thực phẩm chức năng

Bên cạnh đó, cần thể hiện trong nghị định nhiệm vụ của Bộ Y tế về: việc kiểm soát NĐTP và FBSDs đồng thời, chủ trì chương trình phân tích nguy cơ ATTP trong đó, có đánh giá tác động của thực phẩm tới sức khoẻ, phát triển nòi giống; quản lý toàn bộ công tác kiểm nghiệm ATTP. Việc chứng nhận đủ điều kiện VSATTP chỉ là điều kiện để sản xuất ra thực phẩm an toàn chứ chưa đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng- an toàn nên phải tuân theo quy định chung là: cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chứng nhận đủ điều kiện VSATTP; sản phẩm phải chứng nhận hợp quy.

- Vậy còn trách nhiệm của các DN thì sao, thưa ông ?

Theo tôi, DN phải có tiếng nói đề nghị nghị định phải hướng dẫn cho chuẩn, cho phù hợp, nhất là phải bám sát vào luật. Các DN cũng cần phải tận dụng những điểm mạnh của luật để sản xuất kinh doanh cho hiệu quả.

Các DN phải luôn ý thức việc phân chia rõ ràng trong vấn đề trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng: chưa thành phẩm là trách nhiệm của các bộ sản xuất, thành phẩm là trách nhiệm của Bộ Y tế và các cơ quan kiểm định an toàn thực phẩm. Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm trước 86 triệu dân, khẳng định sản phẩm an toàn, thì lúc đó mới được sử dụng. Với cách quản lý như vậy thì mới mang lại hiệu quả cao trong việc triển khai thực hiện nghị định.

- Xin cảm ơn ông !

 
Theo Mai Thanh - Bá Tú
Diễn Đàn Doanh Nghiệp