1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dự Luật Quy hoạch: "Quy hoạch quốc gia phải 50 năm mới hợp lý"

(Dân trí) - Sáng nay (25/10), thảo luận về dự án Luật Quy hoạch, các đại biểu Quốc hội cho rằng, thời kỳ quy hoạch chỉ 10 năm là quy định cứng nhắc. Do đó, cần phải tính thời kỳ quy hoạch dài hơn, trong đó 10 năm chỉ nên là thời kỳ ngắn nhất chứ không nên quy định cứng.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 25/10. (Ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 25/10. (Ảnh: Việt Hưng).

Tại phiên thảo luận về Luật Quy hoạch diễn ra sáng nay (25/10), trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, tại Kỳ họp trước, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Quy hoạch. Nhìn chung, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch và nhiều nội dung trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) còn băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật, vì để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần phải sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch. Do đó, tại kỳ họp trước, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án Luật này để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án Luật.

Trong lần trình dự án Luật Quy hoạch tại Kỳ họp thứ 4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc lập quy hoạch đô thị, nông thôn đã được quy định ở luật riêng (Luật quy hoạch đô thị, Luật xây dựng). Tuy nhiên, để bảo đảm tính hệ thống, dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng và chỉ có hiệu lực khi được tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Việc công bố, công khai quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng số quy hoạch các cấp của Việt Nam là gần 19.300. Tuy nhiên, khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, dự kiến con số này sẽ giảm xuống khoảng một nửa.

Mất 5 năm mới có thể hoàn thành quy hoạch?

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật quy định, quy trình lập quy hoạch bao gồm từ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất. Sau đó mới lập quy hoạch ngành quốc gia, vùng quốc gia và quy hoạch tỉnh.

"Như vậy là chúng ta bảo đảm trình tự quy hoạch cao hơn lập trước, quy hoạch thấp lập sau. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành toàn bộ quy hoạch từ cấp cao đến cấp thấp nhất và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành sẽ rất mất thời gian, và không thể dưới 5 năm", ông nói.

Theo ông Cường, đây là thực tế đã và đang diễn ra, đồng thời dẫn ví dụ như ngay ở Hà Nội, quy hoạch chung đã được phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến nay có huyện vẫn chưa lập xong quy hoạch.

"Vậy nếu lập quy hoạch cấp dưới chậm như vậy, sau 5 năm quy hoạch cấp trên sẽ đến kỳ điều chỉnh, quy hoạch cấp dưới sẽ dựa vào đâu? E ngại nữa là, quy định quy hoạch cấp dưới khi lập và gặp phải vấn đề mâu thuẫn vẫn phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch cấp trên. Trong khi, quy hoạch cấp dưới là cụ thể hóa quy hoạch cấp cao. Khi cụ thể hóa không phù hợp, vẫn không được điều chỉnh, phải chăng điều này khiến quy hoạch mang tính miễn cưỡng?", ông đặt câu hỏi.

Theo đó, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, cần tích hợp ngay trong quá trình lập quy hoạch các cấp theo quy trình "2 xuống, 1 lên". Nghĩa là dự thảo quy hoạch quốc gia, sau đó dự thảo quy hoạch ngành, dự thảo quy hoạch vùng, tỉnh. Sau đó đề xuất điều chỉnh quy hoạch vùng, ngành và đề xuất điều chỉnh quy hoạch ngành sau đó đề xuất điều chỉnh quy hoạch quốc gia. Từ đó phê duyệt quy hoạch quốc gia, ngành, vùng, tỉnh.

"Nếu tiến hành đồng thời như vậy, trong khoảng 2 – 3 năm chúng ta sẽ hoàn thành toàn bộ hệ thống quy hoạch", ông Cường nói.

Thời kỳ quy hoạch 10 năm là quá ít

Theo đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), thời kỳ quy hoạch nêu trong dự thảo là 10 năm là quy định cứng nhắc. Theo đó, ông Thân cho rằng, cần phải tính thời kỳ quy hoạch dài hơn, trong đó 10 năm chỉ nên là thời kỳ ngắn nhất chứ không nên quy định cứng.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng, quy hoạch 10 năm quá ít, quy hoạch vùng phải 20-30 năm, quy hoạch quốc gia phải 50 năm mới hợp lý.

Đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) thì nhắc tới tình trạng quy hoạch treo và cho biết: "Người dân rất sợ quy hoạch treo. Do đó, trong tổ chức thực hiện, mỗi nhóm quy hoạch quốc gia/vùng, kể cả quy hoạch tỉnh nên thiết kế một hệ thống các điều kiện quản lý, kiểm tra, giám sát, nguồn lực để đảm bảo tính khả thi".

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thì cho rằng, việc lập quy hoạch phải trải qua nhiều thủ tục nhưng lại không làm rõ vai trò của Hội đồng thẩm định là cơ quan nào.

"Đây là cơ quan tư vấn, cơ quan quản lý hay là cấp trên của chính quyền địa phương. Dự thảo luật giao quyền lực cho cơ quan này lại rất lớn, nên quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, một việc chỉ giao một cơ quan thực hiện và thực hiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương", ông nói.

Theo ông Sinh, Hội đồng thẩm định quy hoạch chỉ nên là cơ quan tư vấn giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ. Và chỉ những thành phố lớn mới cần có Hội đồng thẩm định cấp tỉnh. Còn những tỉnh quy mô nhỏ có thể giao trực tiếp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tư vấn, cho ý kiến.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây là dự án Luật khó. Theo Bộ trưởng, về quy trình lập quy hoạch, không thể một cơ quan hay tổ chức nào mà phải nhiều bộ ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng lập quy hoạch. Khi có mâu thuẫn giữa quy hoạch cùng cấp thì: Nếu quy hoạch ngành quốc gia mâu thuẫn với nhau thì phải thực hiện theo quy hoạch tổng thể quốc gia; nếu quy hoạch vùng, tỉnh mâu thuẫn với nhau thì thực hiện theo quy hoạch cấp trên.

Phương Dung

Dự Luật Quy hoạch: "Quy hoạch quốc gia phải 50 năm mới hợp lý" - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm