“Du lịch muốn bứt phá không thể đầu tư cầm chừng”

"Một nước nghèo như Cuba cũng có văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Còn ở ta, việc quảng bá chưa đi đến đâu. Nếu có sản phẩm đẹp mà không biết quảng bá thì khách cũng không biết mà đến", Tổng cục trưởng Du lịch Võ Thị Thắng cho biết như vậy.

Trên cương vị người đứng đầu ngành du lịch, bà nghĩ gì trong ngày đầu tiên của năm 2006?

 

Qua một đêm tôi thường ôn lại hôm qua mình đã làm gì, những gì làm chưa được. Qua một năm, có lẽ càng phải ôn lại nhiều hơn. Những bức xúc mình muốn mà chưa làm được hoặc những việc lẽ ra mình có thể làm tốt hơn. Đôi khi, nghĩ mà không giải quyết được cũng thành ra đau đầu, cả nghĩ có lẽ cũng là đặc tính của phụ nữ.

 

Năm 2006, ngành du lịch dự kiến sẽ có bước phát triển mang tính đột phá. Tuy nhiên, du lịch là sản phẩm tổng hợp, chỉ ngành làm không nổi. Nếu nhà nước xác định du lịch là ngành mũi nhọn thì đầu tư ban đầu phải tương xứng. Từ đó mới có thế và lực để bứt phá lên. Tôi biết đất nước mình có nhiều lợi thế lắm, du lịch cũng là một lợi thế, không thể tiếp tục đầu tư cầm chừng như thời gian qua. Chúng ta phải có hạ tầng tốt thì nước ngoài mới đầu tư các khu vui chơi, giải trí.

 

“Du lịch muốn bứt phá không thể đầu tư cầm chừng” - 1
 

Tổng cục trưởng Võ Thị Thắng.

Mặc dù lượng khách quốc tế tăng đều đặn hằng năm, nhưng thời gian khách lưu trú không dài, lợi nhuận từ du lich chưa lớn. Bà nghĩ gì khi khách than phiền là họ không có nhiều chỗ vui chơi?

 

Ý kiến đó cũng đúng một phần, nhưng không hẳn là khách quốc tế không biết đi chơi đâu. Vấn đề ở đây là cách tổ chức tour như thế nào? Đất nước mình trải dài, nhiều danh thắng đẹp, nếu tổ chức tour tốt thì khách không đủ thời gian để tham quan, vui chơi. Khách có thể tới miệt vườn Nam bộ, ra đảo, tham quan di sản văn hoá ở Huế, Quảng Nam... Đất nước mình đẹp, hấp dẫn, cái đó tôi rất tự tin. Còn cách làm của mình dở thì phải rút kinh nghiệm, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

 

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính khiến du lịch Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực là do khâu quảng bá quá kém. Quan điểm của bà thế nào?

 

So với các năm trước, năm 2005 mình làm quảng bá chuyên nghiệp, bài bản, và quy mô hơn. Nhưng dẫu sao so với các nước trong khu vực thì chưa ăn thua gì. Trong nguồn lực đầu tư cho phát triển, họ dành kinh phí rất lớn cho quảng bá. Kể cả một nước nghèo như Cuba cũng có văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài để tìm kiếm thị trường, cơ hội hợp tác, đầu tư. Còn ở ta, việc quảng bá chưa đến đâu. Nếu có sản phẩm đẹp chúng ta không biết quảng bá thì khách đâu biết mà đến.

 

Vừa qua, chúng ta vướng cơ chế, nhưng hiện nay đã quyết tâm tháo gỡ, cho phép thuê chuyên gia nước ngoài quảng bá du lịch. Tổng cục Du lịch cũng đã có kế hoạch lớn quảng bá biểu tượng du lịch "A Hidden Charm". Hiện nay, Cục Xúc tiến du lịch nhờ các công ty chuyên nghiệp, để tuyên truyền quảng bá logo, slogan mới trên các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới, trong các cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế.

 

Việc tổ chức các năm du lịch là cơ hội tốt quảng bá du lịch, nhưng thời gian qua, công việc này nặng tính phô trương, hiệu quả chưa cao. Bà lý giải thế nào?

 

Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng nhiều lần nhắc nhở, sau sự kiện du lịch hiệu quả mang lại là khách phải đến đông, mà mong muốn của mình là khách quốc tế. Thời gian qua, tôi có cảm giác là các tỉnh cũng hơi bị động, diện khách mời nhiều. Một vấn đề nữa là khâu tổ chức của chúng ta còn chưa tốt, thời gian tới phải sớm khắc phục. Lễ hội hoa Đà Lạt vừa qua, chúng ta đã dành một số chỗ cho khách quốc tế nhưng khách nội địa đông quá, ào vào chiếm luôn cả vị trí của khách quốc tế.

 

Xét về tầm quản lý nhà nước, nhiều ý kiến tỏ ý chưa hài lòng với cách điều hành của Tổng cục Du lịch thời gian qua. Cảm giác của bà khi nghe những nhận xét như vậy?

 

Đúng là vấn đề nhân lực đang là điểm yếu của ngành du lịch. Cái yếu này nằm cả ở khâu quản lý nhà nước, quản lý kinh doanh và phục vụ khách. Khi du lịch phát triển quá nhanh mà con người không theo kịp thì nó sẽ phá vỡ thành quả mình đạt được. Một vấn đề nữa cũng rất bức xúc là phải nhanh chóng quy hoạch du lịch một cách bài bản, quy hoạch cụ thể trước khi đi vào đầu tư. Tới đây, cái nào mình quy hoạch được thì cố gắng, còn lại thuê tư vấn nước ngoài quy hoạch, để tạo cái nhìn tổng quan về khu du lịch.

 

Xung quanh vấn đề nhân lực, Việt Nam đang thiếu trầm trọng hướng dẫn viên tiếng Hàn Quốc và Nhật Bản. Bài toán này sẽ được giải quyết ra sao?

 

Đây đang là nỗi lo lớn của ngành, lượng khách cứ ào ạt tới mà hướng dẫn viên không đào tạo kịp. Hướng dẫn viên tiếng Nhật thì còn đỡ nhưng tiếng Hàn thì rất hiếm. Hiện nay, Tổng cục Du lịch phối hợp với phía bạn để đào tạo các khoá cấp tốc 3 tháng, rồi nâng lên 6 tháng. Nếu bây giờ đòi hỏi ngay hướng dẫn viên hoàn hảo tiếng Hàn, Nhật thì khó lắm. Nếu gửi hướng dẫn viên ra nước ngoài học rất khó khả thi vì kinh phí hạn hẹp. Những thứ tiếng này cũng khó học, không phổ thông như tiếng Anh. Chúng ta phải có giải pháp vừa chữa cháy, cấp thời.

 

Năm 2006 có nhiều sự kiện du lịch lớn như festival Huế, Năm du lịch Quảng Nam, festival biển Vũng Tàu. Tuy nhiên, các tỉnh này tổ chức độc lập, thiếu liên kết làm giảm hiệu quả quảng bá. Đến bao giờ chúng ta mới khắc phục được căn bệnh cục bộ này?

 

Quan điểm của Tổng cục Du lịch là Huế, Đà Nẵng và một phần Quảng Nam sẽ hình thành một khu du lịch tổng hợp quốc gia. Do vậy, phải có sản phẩm chung, tổ chức sự kiện du lịch chung thì sẽ phát huy tác dụng hơn. Nhiều lần Tổng cục trao đổi với các tỉnh về vấn đề đó. Tuy nhiên, các tỉnh cho rằng, trong cái chung đó, từng địa phương có đặc thù nên họ tổ chức riêng để thu hút khách. Ở đây, cũng không loại trừ có yếu tố cạnh tranh, họ muốn khách đến tỉnh mình nhiều hơn

 

Nhìn lại một năm đã qua, điều gì khiến bà nuối tiếc nhất?

 

Điều đáng tiếc nhất là cách chúng ta tuyên truyền về dịch cúm gia cầm. Chúng ta vẫn thông báo là hơn 40 người chết về dịch cúm gia cầm, nhiều nhất thế giới, nhưng đó là của mấy năm cộng lại. Mình phải xem lại cách tuyên truyền để vừa tích cực chống dịch nhưng cũng tạo an tâm cho khách. Nói thật, đâu chỉ Việt Nam bị dịch cúm gia cầm, nhưng các nước họ tuyên truyền tốt nên khách vẫn đến đông.

 

Ngay bạn bè quốc tế cũng góp ý với tôi rằng, nên tuyên truyền số người chết khi xảy ra đợt dịch năm 2005 là bao nhiêu. Nếu cứ gộp số người chết vài năm thành con số thật to để tuyên truyền thì du khách hoảng quá. Chúng tôi dự kiến đến hết tháng 12, Việt Nam sẽ có 3,5-3,6 triệu khách nhưng bây giờ chỉ đạt trên 3,4 triệu. Đó là do lượng khách tháng 12 đã giảm, một số đoàn lớn chuẩn bị sang Việt Nam đã huỷ tour.

 

Theo Việt Anh

Vnexpress