Đủ kiểu “biện minh” để chây ỳ giảm giá cước vận tải!
Tương tự TPHCM, tại Đà Nẵng, Hà Nội, các nhà xe cũng biện minh đủ kiểu để chây ì giảm cước, giảm cước “nhỏ giọt” và đăng ký niêm yết giá một đằng, bán vé một nẻo…
Anh Hưng - sinh viên Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng - phàn nàn: “Em mua vé xe giường nằm về TP.Vinh (Nghệ An) nhưng em thấy giá không giảm, năm ngoái cũng 350 ngàn đồng/vé”.
Tương tự, sinh viên Đinh Thị Quế Duyên - Trường Đại học Kỹ thuật y dược - cho hay: “Giá vé Tết từ Đà Nẵng về Gia Lai là 290 ngàn đồng, chỉ giảm 10 ngàn đồng so với năm ngoái”.
Quản lý một xe giường nằm chất lượng cao BKS 43X-1360 (hãng xe Ngọc Ánh, tuyến cố định Đà Nẵng - Hà Nội) - phân trần: “Đồng ý là giá xăng dầu giảm nhưng “bắt” chúng tôi giảm giá vé xuống nhiều là không hợp lý. Vì xăng dầu chỉ là một phần trong chi phí vận tải. Vì sao không “bắt” thực phẩm, thức ăn, phụ tùng xe… giảm mà cứ “bắt” giảm giá vé xe. Chỉ khi mọi thứ đồng bộ giảm theo giá xăng dầu thì giá vé xe khách mới hy vọng giảm sâu được”.
Hiện trên tuyến Đà Nẵng - Hà Nội, nhà xe Ngọc Ánh đã giảm từ 380 ngàn đồng/vé ngày thường xuống còn 365 ngàn đồng/vé, nhưng tăng mức phụ thu vé xe Tết. “Nhà xe không tự ý tăng cước, giá vé xe Tết là giá niêm yết do bến xe đưa ra, nhà xe chỉ thực hiện theo” - quản lý xe này cho bay.
Ông Lê Viết Hoàng - GĐ Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng - cho biết, sau đợt giá xăng dầu giảm sâu vừa qua, các đơn vị vận tải hành khách tại bến đã thực hiện giảm giá cước từ 6-12%. Trong trước và sau tết, bến xe Đà Nẵng phối hợp với cơ quan chức năng yêu cầu các đơn vị vận tải lập hồ sơ đăng ký, kê khai giá để niêm yết công khai cho hành khách biết.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị có xe chạy lệch chiều trong dịp Tết thì “xin” tăng giá vé để đảm bảo được nguồn thu, cân đối chi phí, bù đắp hao mòn phương tiện. Nhiều đơn vị chạy theo chiều rỗng như Công ty CP Vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang, Công ty Vận tải và dịch vụ thương mại Phi Hiệp… cũng tăng mức phụ thu giá vé xe Tết lên từ 25 - 40% (tùy theo tuyến).
“Đăng ký một đằng, bán vé một nẻo”!
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh, tính đến hết tháng 1.2015, trên địa bàn TP có 87/99 DN taxi giảm giá cước với mức giảm từ 8-23%, trong đó có DN giảm 3 lần; 52 DN vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định đăng ký giảm giá cũng với mức giảm từ 8-23% (chiếm 67% số lượng các DN vận tải khách liên tỉnh).
TP.Hà Nội cũng đã yêu cầu các DN phải niêm yết giá cước theo quy định và thực hiện theo đúng giá đã đăng ký. Các đơn vị khai thác bến xe phải kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá tại bến xe của mình. Thực tế cho thấy, một số DN vận tải đăng ký một đằng nhưng bán vé thực tế lại một nẻo. Vì vậy, thời gian tới, Sở GTVT sẽ kiểm tra, xử lý, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.
Trong khi vẫn còn hàng chục DN vận tải chưa chịu giảm giá cước thì đại diện Sở GTVT cho hay, đơn vị này đã nhận được một số đề nghị của DN phụ thu dịp Tết, mức phụ thu lên tới 40-60%. Tuy nhiên, năm nay, Sở GTVT không chấp thuận yêu cầu của các DN vận tải khách liên tỉnh xin được phụ thu phục vụ Tết.
Chủ tịch Hiệp hội ôtô Việt Nam - Nguyễn Văn Thanh cho rằng, hiện tại bản thân người dân cũng đã thấy DN nào giảm, hoặc không giảm để tẩy chay vì trước tiên hành khách phải là người tiêu dùng thông minh. Hiện nhiều DN đã đầu tư xe chất lượng cao với những dịch vụ rất tốt và không giảm giá nhưng hành khách vẫn lựa chọn. Trong khi đó, nhiều xe giảm giá nhưng chất lượng kém thì cũng không thể hút khách được.