Dự định lên sàn của "Quỷ đỏ" Manchester United có thể chết yểu?
(Dân trí) - Mặc dù là một trong những đội bóng được nhiều người yêu mến nhất thế giới nhưng kế hoạch IPO của MU được nhận định sẽ rất khó khăn. Thậm chí không ít chuyên gia cho rằng “Quỷ đỏ” đang đối diện những rủi ro tài chính lớn.
Để chuẩn bị cho kế hoạch IPO trên sàn New York, mới đây Manchester United đã tiến hành công bố bản cáo bạch sơ bộ để giới thiệu thông tin tới các nhà đầu tư. Mặc dù chỉ dự định huy động 100 triệu USD từ sàn chứng khoán, thay vì 1 tỷ USD như trước đó, nhưng không ít chuyên gia cho rằng “Quỷ đỏ” sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với Reuters những nhà quản lý quỹ đã có dịp tiếp cận bản báo bạch này đều tỏ ra bi quan hoặc ít nhất là thờ ơ khi được hỏi về triển vọng mua cổ phiếu của đội bóng nước Anh. Họ cho biết, MU đang phải đối mặt với rủi ro lớn về mặt tài chính khi có số nợ lên tới 423 triệu USD (tương đương 658 triệu USD).
Ngoài ra đặc điểm hoạt động kinh doanh của đội bóng này khiến các khách hàng, CĐV thường xung đột với các nhà đầu tư. Một số chuyên gia khác lo ngại rằng thị trường chứng khoán Mỹ hiện không có nhiều CLB thể thao niêm yết còn các đội bóng châu Âu lại càng hiếm. Vậy nên sẽ khó có cơ sở để so sánh cổ phiếu của MU.
“Đối với các CLB thể thao, luôn có một cuộc chiến cam go giữa chi phí tiền lương của cầu thủ và các hoạt động khác”, Wallace Weitz, chủ tịch kiêm giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Weitz Funds tại Omaha, Nebraska cho biết. Hiện quỹ này đang nắm cổ phiếu tại Liberty Media Corp, Walt Disney Corp và Comcast Corp.
Ở bất kỳ đội bóng nào, thành công trên sân cỏ có ảnh hưởng lớn tới khả năng tái đầu tư vào cầu thủ. Trong khi đó những năm gần đây việc chuyển nhượng của các đội bóng hàng đầu nước Anh đang căng thẳng. Những đội bóng hàng đầu như MU ngày càng phải chi nhiều tiền để có thể vượt lên các đối thủ còn lại. Và những chi phí này sẽ nhanh chóng “ăn” hết lợi nhuận, khiến tình hình tài chính càng khó lường.
Trái lại, nếu một đội như MU cắt giảm chi phí và giảm chuyển nhượng, giá trị thương hiệu của họ lại gặp nhiều rủi ro. Điều đó có thể không xảy ra trong ngày một ngày hai hoặc chỉ sau 1 mùa giải, nhưng sau vài năm, doanh thu từ bản quyền truyền hình tới hoạt động thương mại, bán đồ lưu niệm đều bị ảnh hưởng. Mùa giải vừa qua, thầy trò Ferguson đã không thể có được bất kỳ danh hiệu nào và còn bị loại sớm ở Champions League.
“Thương vụ này có vẻ hấp dẫn nếu xét tới việc được là một phần của một đội bóng đầy vinh quang, nhưng liệu sức hút của đó có được chuyển thành lợi nhuận cho các cổ đông hay không thì tôi không dám tin”, Jeff Sica, chủ tịch kiêm trưởng bộ phận đầu tư của Sica Wealth Management, đơn vị quản lý 1 tỷ USD tại New Jersey nhận định. “Cơ hội để các cổ đông thu được lợi nhuận từ đó là rất nhỏ”.
Một mối lo ngại nữa của các nhà đầu tư đó là tình hình tài chính của đội bóng nước Anh hiện mất cân bằng. Tính đến tháng 3/2012, số dư tiền mặt của MU chỉ là 26 triệu bảng, giảm nhanh so với mức 151 triệu bảng tháng 6 năm ngoái. Ngoài ra đội bóng cũng không có kế hoạch chia cổ tức cụ thể.
Doanh thu của MU 9 tháng qua tăng 6%, đạt 245,8 triệu bảng còn lợi nhuận sau thuế tăng gần gấp 3 lần, từ 13,3 triệu bảng lên 38,2 triệu bảng. Thế nhưng những vẫn có những chỉ tiêu tài chính khiến nhà đầu tư lo lắng.
Đầu tiên là chi phí tài chính, chủ yếu là tiền lãi vay, lên tới 35 triệu bảng, “nuốt chửng” hơn 2/3 số lợi nhuận hoạt động 50,7 triệu bảng. Bên cạnh đó phần lớn số lợi nhuận ròng có được là nhờ 22,5 triệu bảng tiền nợ thuế. Đây rõ ràng không thể là nguồn thu bền vững.
Nguồn thu từ bản quyền truyền hình, vốn chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu của MU năm 2011, chủ yếu dựa vào các hợp đồng với Premier League và Champions League và đều không cố định do lệ thuộc vào thành tích trên sân cỏ. Doanh thu các trận đấu cũng biến động tùy thuộc vào việc đội bóng tiến xa đến đâu ở các đấu trường.
Kể cả nguồn thu ổn định nhất là từ hoạt động thương mại, bao gồm tiền tài trợ, bán đồ lưu niệm và quần áo đấu, cũng có thể lao dốc nếu đội bóng thi đấu bết bát. “5 năm tới Manchester United có thể rơi vào thời kỳ khó khăn và khi ấy lượng khán giả sẽ giảm và giá cổ phiếu cũng giảm theo”, John Kim giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Sentry Investments tại Toronto, Canada phân tích. “Về cơ bản đó chính là lí do vì sao hầu hết các doanh nghiệp thể thao đều không phải công ty cổ phần”.
Thanh Tùng
Lược dịch theo Reuters