1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đủ cơ sở pháp lý để tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo

(Dân trí) - Không nằm trong danh mục hàng hoá bị cấm hay tạm ngừng nhập khẩu nhưng máy đào tiền ảo đang được dùng làm phương tiện để thanh toán là hành vi bị cấm. Trong trường hợp này, cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở để tạm ngừng nhập khẩu mặt hàng này.

Đủ cơ sở pháp lý để tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo - 1

Một nguồn tin của Bộ Công Thương chia sẻ và chiếu theo một số quy định của Luật Quản lý Ngoại thương cho biết, hiện mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin chưa có mã HS riêng và đang được xếp chung vào nhóm máy xử lý dữ liệu tự động mã HS8471.90.

Theo Nghị định 69 của Chính phủ, các mặt hàng thuộc mã này không nằm trong danh sách hàng hoá bị cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; Danh mục hàng hoá nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện. Do vậy, thời gian qua, doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu các mặt hàng này chỉ phải làm thủ tục hải quan nhập khẩu tại cơ quan hải quan.

Trong khi đó, việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và bitcoin, litecoin nói riêng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Do đó, việc nhập khẩu số lượng lớn các loại máy tính này đã dẫn đến quan ngại trong khâu quản lý đối với các hành vi bị cấm kể trên.

Liên quan đến đề xuất của Bộ Tài chính về việc tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo, phía Bộ Công Thương cho rằng hoàn toàn có cơ sở để thực hiện “lệnh” tạm dừng này. Bởi theo quy định của Luật Quản lý Ngoại thương, hàng hoá thuộc các trường hợp quy định lại Điều 9 của Luật, trường hợp có thể xem xét áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu nhưng chưa có trong danh mục hàng hoá cấm nhập thì có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu.

Việc nhập các loại máy tính nhằm thực hiện việc đào tiền ảo có thể gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội nên thuộc trường hợp điều chỉnh của Điều 9 kể trên. Do đó, trên cơ sở đề xuất hoặc lấy ý kiến các đơn vị chức năng liên quan, Bộ Công Thương hoàn toàn có quyền ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu.

Trên thực tế, dù có cơ sở yêu cầu ngừng nhập nhưng Bộ Công Thương vẫn lo ngại rằng, máy đào tiền ảo không có mã HS riêng nên nếu tạm ngừng rất có thể sẽ ảnh hưởng đến các mặc hàng khác nằm cùng nhóm chung HS 84718090. Do vậy, cần được cân nhắc trên cơ sở thực tế cũng như việc tạm ngừng nhập đúng mặt hàng nằm trong diện cần quản lý và cụ thể ở đây là máy đào tiền ảo.

Trước mắt theo yêu cầu cấp bách, Bộ Tài chính cần cung cấp số liệu hàng hoá nhập khẩu nằm trong nhóm kể trên của năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018; Bộ Thông tin và Truyền thông cần đánh giá thực tế nhu cầu của doanh nghiệp trong việc nhập khẩu hàng hoá các sản phẩm cùng nhóm. Trên cơ sở các số liệu thống kê, các bộ sẽ cùng tìm ra phương pháp quản lý, đồng thời xác định đúng và gắn mã HS đối với máy đào tiền ảo để việc tạm ngừng nhập khẩu được thực hiện chính xác sản phẩm cần quản lý.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính từ năm 2017 đến nửa đầu tháng 4/2018, cả nước đã nhập khẩu khoảng 15.600 máy đào tiền ảo, gồm máy xử lý dữ liệu bitcoin, dữ liệu bitmain, máy xử lý thuật toán, thiết bị xử lý dữ liệu thuật toán, máy xử lý dữ liệu tự động và máy xử lý dữ liệu tự động dùng cho hệ thống quản lý điều khiển từ xa, nội bộ.

Số lượng máy đào tiền ảo nhập khẩu về chủ yếu tập trung tại 3 thành phố lớn gồm TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Cụ thể, năm 2017, lượng máy nhập về là hơn 9.300 bộ. Trong đó, hơn 2.300 bộ nhập về Hà Nội, khoảng 7.000 bộ nhập về TP HCM, còn lại là Đà Nẵng.

Năm 2018, chỉ tính riêng hơn 4 tháng đầu năm, lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam đã đạt con số hơn 6.300 bộ, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn gồm Hà Nội và Sài Gòn. Trong đó, Sài Gòn nhập 2.009 bộ, Hà Nội nhập hơn 4.300 bộ.

Việc quản lý máy đào tiền ảo trở thành cấp bách khi hồi đầu tháng 4, vụ lừa 15 nghìn tỷ đồng xảy ra tại TP HCM đã cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý khi có tới hơn 32.000 người đã bị lừa thông qua mô hình đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin. Đây cũng là lý do, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo kể trên.

Cũng liên quan đến vấn đề quản lý tiền ảo, ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn số 3318 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan tới vụ lừa đảo tiền ảo iFan hơn 15.000 tỷ đồng. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các Bộ Công Thương, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an và Ngân hàng Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương xem xét, xử lý vụ lừa tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng này.

H. Anh

Đủ cơ sở pháp lý để tạm ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo - 2