Dự báo thặng dư thương mại kỷ lục, “cứu” tăng trưởng trong năm 2020
(Dân trí) - Trong khi điều chỉnh triển vọng tăng trưởng xuống khoảng 2% thì các chuyên gia VDSC vẫn tin rằng, thặng dư thương mại năm nay sẽ cao kỷ lục, vượt qua kết quả ấn tượng của năm 2019 (gần 11 tỷ USD).
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với các đợt tái bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu, con đường đến điểm bình thường mới đang rất bấp bênh.
Những vấn đề sau sự trở lại của Covid-19
Tại Việt Nam, sau 4 tháng kiểm soát dịch thành công, làn sóng dịch thứ hai đang bùng phát khi các ca nhiễm mới gia tăng kể từ cuối tháng 7. Chính phủ đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cục bộ nhằm giảm tốc độ lây lan giữa các tỉnh và thành phố.
Theo đó, chỉ số Stringency của Việt Nam bắt đầu tăng đáng kể lên 64 điểm, tăng 10 điểm so với tuần trước. Chỉ số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong vài tuần tới.
Chỉ số Stringency là một chỉ số tổng hợp được thực hiện bằng cách kết hợp 9 chỉ số phụ đo lường việc đóng cửa trường học, đóng cửa nơi làm việc, hủy bỏ các sự kiện công cộng, hạn chế tụ tập, ngừng giao thông công cộng, yêu cầu ở nhà, hạn chế di chuyển nội địa, hạn chế đi lại quốc tế và chiến dịch thông tin công cộng, cho phép so sánh mức độ can thiệp của Chính phủ các nước. Đây là chỉ số được xây dựng bởi Đại học Oxford.
Làn sóng Covid-19 thứ hai đang trì hoãn sự phục hồi kinh tế khi nhiều doanh nghiệp ở các thành phố được yêu cầu tạm thời đóng cửa kể từ đầu tháng 8. Tiêu dùng trong nước, đặc biệt là du lịch, một lần nữa đối mặt khó khăn. Người dân được khuyến khích ở nhà, tự bảo vệ bản thân và kỳ nghỉ hè sẽ kết thúc.
Tần suất di chuyển như lái xe và đi bộ được đo bằng các ứng dụng của Apple, bắt đầu giảm xuống chỉ còn hơn 100 điểm, giảm 20 điểm so với tuần trước. Số lượt tìm kiếm từ khóa “du lịch” trên Google cũng đã giảm mạnh trong tuần cuối tháng 7 sau khi ca nhiễm xuất hiện ở Đà Nẵng, một thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Thị trường chứng khoán biến động mạnh.
Theo VDSC, mặc dù tiêu dùng trong nước đã phục hồi nhờ nhu cầu dồn nén và khoản hỗ trợ tiền mặt trực tiếp của Chính phủ trong 3 tháng, nhưng dường như đạt đỉnh. Làn sóng dịch thứ hai đang ảnh hưởng mạnh và trực tiếp đến sức mua cũng như tính lưu động của người tiêu dùng.
Theo đó, doanh số hàng hóa và dịch vụ được dự báo sẽ chậm lại trong quý 3. Theo Tổng cục Thống kê, tổng doanh số hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 3,3% so với tháng trước và 4,3% so với cùng kỳ trong tháng 7.
Doanh số bán lẻ tăng 7% so cùng kỳ so với tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 10% trong năm ngoái. Người dân ưu tiên hàng hóa thiết yếu và các thiết bị gia dụng có doanh số tăng 7,5%. Chi tiêu cho giao thông vận tải giảm 6,4%.
Ngoại trừ các thành phố lớn, sức tiêu dùng tại nhiều thành phố cấp 1 và cấp 2 chứng kiến tốc độ phục hồi yếu.
Liên quan đến gói kích thích của Chính phủ, chỉ 1/3 gói hỗ trợ đã được giải ngân. Quá trình giải ngân vẫn diễn ra chậm chạp và không có công ty nào được tiếp cận các khoản vay ưu tiên cho mục đích thanh toán tiền lương - trích báo cáo của VDSC.
Triển vọng tăng trưởng GDP điều chỉnh xuống 2%
Đáng chú ý, tăng trưởng việc làm trong các khu công nghiệp lần đầu tiên trong những năm gần đây ghi nhận mức tăng trưởng âm. Số lượng công nhân trong ngành sản xuất giảm 1,8% so với cùng kỳ.
Tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu đã buộc ngày càng nhiều các nhà máy phải đóng cửa, hệ quả là tỷ lệ thất nghiệp tăng. Giảm giờ làm diễn ra ở khắp nơi.
Khảo sát của IHS Markit cho thấy sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã chậm lại trong tháng 7. Chỉ số sản xuất PMI đã giảm xuống dưới 50, mức không đổi trong tháng 7, ghi nhận ở mức 47,6 từ 51,5 vào tháng 6.
Sản lượng sản xuất giảm nhẹ trong khi đơn đặt hàng mới quay đầu giảm sau đợt tăng vào tháng 6. Đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh do quy định hạn chế đi lại và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm tại các thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất thu hẹp hoạt động mua hàng và giảm nhân sự.
Theo nhận xét của VDSC, từ năm 2014, các nhà sản xuất định hướng xuất khẩu tác động rất lớn đến nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam nhạy cảm hơn với những cú sốc về cung cầu từ bên ngoài khi thặng dư thương mại chiếm hơn 3% GDP trong năm 2019. Suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây thiệt hại cho tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam cũng như đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Chuyên gia VDSC dự báo, trong tình hình tiêu thụ và sản xuất yếu, tăng trưởng GDP được điều chỉnh xuống khoảng 2% trong năm nay. Trong khi gói kích thích đầu tiên nhắm đến chi tiêu hộ gia đình khi nhu cầu chi tiêu bị ứ đọng bởi giãn cách xã hội, gói kích thích sắp tới được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và duy trì việc làm.
Xuất khẩu: Điểm sáng cuối năm
Trong những tháng còn lại của năm 2020, sẽ có một số điểm sáng chính hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Đầu tiên, nhóm phân tích tin thặng dư thương mại sẽ cao kỷ lục, vượt qua kết quả ấn tượng của năm 2019 (gần 11 tỷ USD).
Tính đến cuối tháng 7/2020, ước tính sơ bộ thặng dư thương mại đạt 6,5 tỷ USD. Hầu hết đến từ hoạt động sản xuất thiết bị điện tử, máy tính và máy móc. Thặng dư thương mại khổng lồ sẽ phần nào bảo vệ nền kinh tế với những biến động trên thế giới.
Thứ hai, xuất khẩu sang EU dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ sau 18 tháng giảm. Lập luận chính của nhóm phân tích là sự tăng giá của đồng EUR sau khi quỹ phục hồi của Châu Âu được thông qua, chi tiết ở phần kinh tế toàn cầu.
Tính đến nay, tỷ giá EUR/VND đạt hơn 27.000 đồng, tăng 6% so với đầu năm. Đến cuối năm 2020, khả năng sẽ tăng lên hơn 8%. Sự mất giá tương đối của VND so với EUR là một điểm nhấn quan trọng, đặc biệt khi EVFTA đã có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020. Châu Âu cũng đang ghi nhận những thành công ban đầu trong việc kiểm soát dịch bùng phát.
Cuối cùng, sự hỗ trợ của Chính phủ tiếp tục giúp các hoạt động cơ sở hạ tầng, tương tự như diễn biến vào năm 2019 khi đầu tư công tăng 50% so cùng kỳ. Đầu tư công 7 tháng/2020 được ghi nhận ở mức 203.000 tỷ đồng, tăng 27,2% và tương đương 42,7% kế hoạch 2020. Đây cũng là yếu tố được cho là sẽ động lực cho tăng trưởng cuối năm.