Dự báo tăng trưởng 0,3% là không chính xác

(Dân trí) - “Dự báo chỉ số tăng trưởng Việt Nam trong năm 2009 là 0,3% của Economist Intelligence Unit (EIU) phản ánh không chính xác vì họ mới chỉ nhìn từ phía bên ngoài. Theo tôi, nó sẽ khoảng 4 - 5%” - TS Nguyễn Đình Cung nhận định.

Mặc dù đã có nhiều dự báo về khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 của các tổ chức trong và ngoài nước rằng sẽ thấp hơn năm ngoái, nhưng có lẽ con số 0,3% được chú ý nhiều nhất kể từ trước đến giờ.
 
Đã có một số chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng, đây là con số phi thực tế đối với nền kinh tế Việt Nam, trong đó có TS Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách, ĐHQG Hà Nội.
 
Bên lề toạ đàm “Doanh nhân trẻ Việt Nam góp phần chống suy giảm kinh tế” diễn ra ngày 20/3 tại Hà Nội, ông Cung đã dành cho báo Dân trí cuộc trao đổi.
 
Dự báo tăng trưởng 0,3% là không chính xác - 1
Rất nhiều ý kiến khác nhau về tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
 
Khi nghe thấy con số được công bố từ EIU - Cơ quan thông tin kinh tế của tập đoàn báo chí The Economist (Anh) về chỉ số tăng trưởng Việt Nam chỉ là 0,3%, ông có lo lắng không?
 
Hiện nay không chỉ có The Economist mà rất nhiều tổ chức kể cả trong nước và nước ngoài, cả ngân hàng quốc tế như ADB, World Bank, IMF, City groups… đều có dự báo về diễn biến của nền kinh tế nước ta năm 2009.
 
Kết quả các dự báo rất khác nhau, điều đó chứng tỏ tình hình rất khó lường, phức tạp. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức có thể nhìn một khía cạnh. Vì thế, chúng ta cứ bình tĩnh.
 
Nhưng để đưa ra con số dự báo đó, EIU đã có sự tính toán, tìm hiểu…?
 
Tôi nhận thấy, khi tổ chức này công bố thì họ dựa chủ yếu vào những diễn biến bên ngoài. Điều đó chứng tỏ họ rất khó khăn trong việc dự báo. Vì thế, tăng trưởng 0,3% là không phản ánh chính xác vì họ chỉ nhìn phía bên ngoài chứ không phải là bên trong, nội tại nền kinh tế.
 
Vậy ông có cơ sở nào để cho rằng, nền kinh tế của ta không bi quan như EIU nhận định?
 
Dự báo tăng trưởng 0,3% là không chính xác - 2

TS Nguyễn Đình Cung.

Cơ cấu nội tại của nền kinh tế Việt Nam nhìn ra là nông nghiệp, công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Nông nghiệp của ta cũng bị tác động nhưng tăng trưởng vẫn giữ như mọi năm, khoảng 3,5 - 4%. Khu vực dịch vụ thì vẫn còn ít mà phần lớn của ta là dịch vụ tiêu dùng nội địa.
 
Không những vậy, khu vực dịch vụ tài chính năm nay có vẻ khả quan, chỉ số lạc quan cho thấy ngành này tương đối tốt hơn so với những ngành khác.
 
Ngành xây dựng cũng có khả năng khởi sắc thông qua chính sách kích cầu của chính phủ và chính sách hỗ trợ lãi suất.
 
Chúng ta chỉ có bị ảnh hưởng nhiều và nặng ở khu vực công nghiệp xuất khẩu, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài bị tác động mạnh mẽ nhất.
 
Ông dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng thế nào?
 
Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, sẽ có khoảng 1/3 doanh nghiệp có nguy cơ phá sản hoặc đang đứng bên bờ vực thăm; 1/3 doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nhưng có thể vượt qua và 1/3 còn lại sẽ vẫn có tăng trưởng.
 
Như vậy, dự báo của tôi con số tăng trưởng sẽ khoảng 4 - 5% là hợp lý.
 
Theo ông Chính phủ cần có thêm biện pháp gì để giúp nền kinh tế giảm thiểu những tác động xấu?
 
Chính phủ đã ban hành tới 60 chính sách hành động cụ thể, trong đó vẫn có những chính sách còn nằm trên giấy.
 
Theo tôi, vấn đề bây giờ là thực hiện những chính sách đã ban hành, theo dõi, giám sát đánh giá và điều chỉnh khi thấy cần thiết.
 
Xin cám ơn ông!
 
Lan Hương