Dự án khai thác sắt Thạch Khê bị loại khỏi Đề án phát triển CN-TTCN tới sau năm 2025?

(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh vừa yêu cầu đơn vị soạn “Dự thảo Đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo” không đưa danh mục dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê vào đề án này.

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong những năm qua, Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tỉnh này có bước phát triển khá, giá trị sản xuất tăng bình quân giai đoạn 2010-2016 đạt 19,56%/năm, tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh tăng từ 5,65% năm 2010 lên 15,97% vào năm 2016. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành lập và phát huy hiệu quả nhất định.

Mặc dù vậy, so với tiềm năng và yêu cầu đặt ra, bước phát triển trên của CN-TTCN Hà Tĩnh còn nhiều hạn chế, cần có giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả. Đó cũng là lí do Hà Tĩnh đang khẩn trương thực hiện điều chỉnh lĩnh vực kinh tế này thông qua thông qua “Đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo”.

Sáng ngày 17/10, bản dự thảo về đề án nói trên đã được Đảng ủy Văn phòng phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh- đơn vị tổng hợp, soạn thảo trình bày trước lãnh đạo UBND tỉnh, cùng đại diện các sở ngành, địa phương.

Dù bản dự thảo đã chỉ ra 8 nhóm giải pháp cụ thể để phát triển CN-TTCN thời gian tới, tuy nhiên Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa hài lòng, phải yêu cầu chỉnh sửa trước khi trình Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thông qua.

Một trong những nội dung mà Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu ban soạn thảo phải đặc biệt lưu tâm là phải nêu rõ quan điểm đề xuất dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê trong đề án này.

Sắt Thạch Khê chưa thể có đóng góp cho kinh tế Hà Tĩnh tới tận tận sau năm 2025
Sắt Thạch Khê chưa thể có đóng góp cho kinh tế Hà Tĩnh tới tận tận sau năm 2025

Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng lớn, nhưng với năng lực và công nghệ hiện tại của nhà đầu tư là chưa thể đáp ứng, quá trình triển khai gây nhiều bất cập, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Việc không đưa dự án khai thác sắt Thạch Khê vào đề án này cũng là chủ trương của tỉnh, bởi trước đó Ban thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thống nhất đề nghị Chính phủ cho tạm dừng, chưa tái khởi động lại dự án này.

Theo nhiều tài liệu đã công bố trước đây, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, chiếm gần 50% tổng trữ lượng quặng sắt Việt Nam và là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ Thạch Khê được Chính phủ quyết định cho khai vào năm 2007 trên cơ sở thành lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) vào ngày 17/5/2007 với 9 cổ đông, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là cổ đông chủ lực, vốn điều lệ là 2.400 tỷ đồng.

Sau quá trình hoàn tất các thủ tục, từ đầu năm 2009, TIC bắt đầu bóc đất tầng phủ bằng thiết bị cơ giới. Tháng 7/2011, sau hai năm liên tục triển khai, đã bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu m3, đạt độ sâu âm trên 40m, do nhiều khó khăn TIC đã buộc phải tạm ngừng triển khai dự án.

Số phận dự án mỏ sắt Thạch Khê hiện đang là dấu hỏi lớn khi mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho dừng triển khai dự án khủng này.

Văn Dũng