Dự án đường sắt cấp đặc biệt 3 lần tăng vốn vẫn “phá sản” kế hoạch về đích

(Dân trí) - Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 TP.HCM Bến Thành - Suối Tiên là công trình cấp đặc biệt phê duyệt năm 2007, dự kiến hoàn thành năm 2017 nhưng kế hoạch bị “phá sản”, phải lùi tới năm 2021. Tổng mức đầu tư tăng từ hơn 17.300 tỷ đồng lên hơn 47.300 tỷ đồng.

Báo cáo Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội mới đây nêu rõ Dự án do UBND TP.HCM là người quyết định đầu tư, Ban Quản lý Đường sắt đô thị - TP.HCM làm đại diện diện chủ đầu tư Dự án, sử dụng vốn ODA của Nhật Bản.

Theo tiến độ ban đầu, dự án hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018 nhưng kế hoạch này bị “phá sản”. Sau khi rà soát và cập nhật lại tiến độ dự án, dự kiến thời điểm hoàn thành công trình đưa vào khai thác là quý 4/2021. Thời điểm kết thúc công tác hỗ trợ vận hành bảo dưỡng vào năm 2026.

Dự án đường sắt cấp đặc biệt 3 lần tăng vốn vẫn “phá sản” kế hoạch về đích - 1
Dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên "phá sản" kế hoạch về đích (ảnh: Quốc Anh)

Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án được duyệt là hơn 126.582 triệu Yên (tương đương hơn 17.300 tỷ đồng, khoảng 1.091 triệu USD). Năm 2011, UBND TP HCM phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 236.600 triệu Yên (tương đương hơn 47.325 tỷ đồng, khoảng 2,490 tỷ USD).

Sau khi cập nhật ý kiến của Kiểm toán Nhà nước và ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, đến nay tổng mức đầu tư điều chỉnh đang được dự kiến là hơn 229.79 triệu Yên (tương đương hơn 47.325 tỷ đồng), bao gồm hơn 203.165 triệu Yên (tương đương hơn 41.833 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản và hơn 5.49 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách thành phố.

Trên thực tế, Dự án đã ký được 3 Hiệp định với tổng số vốn vay là 155,364 tỷ Yên Nhật, nguồn vốn đối ứng lũy kế từ khởi đầu dự án đến giữa tháng 10/2019 là hơn 1.773 tỷ đồng, đạt 32% tỷ lệ tổng vốn.

Trong khi đó, nguồn vốn ODA lũy kế từ khởi đầu dự án là 60.491 triệu Yên (tương đương 11.924 tỷ đồng) đạt 32% tổng vốn của 3 Hiệp định vay đã ký, và phần vốn giải ngân từ vốn tạm ứng ngân sách thành phố là 3.886,5 tỷ đồng. Tổng lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến nay là 15.808 tỷ đồng (tương đương 77.882 triệu Yên), đạt 38% tổng vốn ODA.

Chính phủ cho biết, trong bối cảnh nợ công quốc gia đang tăng cao, Thủ tướng đã giao UBND TP.HCM vay lại toàn bộ phần vốn vay ODA tăng thêm so với mức được phê duyệt năm 2007. Trong quá trình thực hiện UBND TP.HCM có báo cáo đánh giá tác động của việc vay lại nêu trên đến khả năng vay trả nợ của thành phố.

Hiện tại, gói thầu Tư vấn (Liên danh tư vấn NJPT) mới dừng ở bước xem xét các hồ sơ thiết kế kỹ thuật các gói thầu và thực hiện giám sát thi công. Các gói thầu khác dự kiến hoàn thành vào 8/2021.

Báo cáo của Chính phủ tới Quốc hội nêu việc chậm trễ xảy ra trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), phân chia gói thầu, xử lý tình huống đấu thầu, thay đổi quy trình thẩm tra, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán, xây dựng cơ chế riêng về thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán đối với các dự án đường sắt đô thị… đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các gói thầu.

Dự án đi qua các quận 1, Bình Thạnh, 2, 9, Thủ Đức và một phần qua thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tổng diện tích đền bù GPMB là 676.835 m2. Trong đó, diện tích bị ảnh hưởng bởi Dự án là 384.485 m2; diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội là 292.350 m2. Tổng kinh phí bồi thường GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật là 6.097 tỷ đồng do ngân sách thành phố này thực hiện. Công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành từ tháng 3/2015.

Châu Như Quỳnh