Dự án điện gió khủng của Warren Buffett sẽ ra sao dưới thời Tổng thống Trump?
(Dân trí) - Việc Tổng thống Donald Trump có khả năng cao sẽ bãi bỏ các ưu đãi thuế cho năng lượng sạch sẽ dẫn đến những bất lợi lớn cho các dự án điện gió của tỷ phú Warren Buffett.
Từ năm 2004, Công ty Berkshire Hathaway của ông Buffett đã đầu tư trên 17 tỉ USD vào năng lượng sạch. Trong 3 năm nay 2012-15, năng lượng liên tục là bộ phận kinh doanh được đầu tư nhiều nhất ở Berkshire.
Chỉ riêng năm nay Berkshire đã tiêu 1 tỉ USD để phát triển nhà máy điện gió tại bang Iowa – được ví như Saudi Arabia của gió. Theo kế hoạch, Berkshire sẽ khởi công xây dựng nhà máy lớn nhất với giá thành 3 tỉ USD vào năm tới. Khi hoàn thành, Berkshire sẽ thành nhà sản xuất điện gió lớn nhất nước Mỹ.
Đầu tư vào các dự án năng lượng sạch vốn không phải là một lựa chọn hấp dẫn vì đòi hỏi vốn ban đầu cao và nhiều rủi ro. Do đó để khuyến khích các nhà đầu tư, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu có chính sách thuế ưu đãi từ thập niên 1990. Theo đó, nhà sản xuất sẽ được giảm thuế 2.3 cent cho mỗi kW điện sinh ra từ năng lượng sạch.
Nhìn thấy lợi nhuận khủng từ chính sách này, Buffett đã nhanh chóng chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. Tỷ phú này cũng đã từng tuyên bố nếu không vì chính sách ưu đãi như thế, ông cũng chẳng hứng thú với ngành công nghiệp non trẻ này.
Để thấy chính sách này có lợi cho Berkshire ra sao hãy làm thử một phép tính. Chỉ riêng lượng điện từ nhà máy gió công suất lớn nhất (khi hoàn thành vào năm 2020) đã có thể giúp Berkshire được miễn 29 triệu USD tiền thuế mỗi năm. Mỗi dự án như vậy thường được hưởng ưu đãi trong 10 năm. Cho đến nay, không công ty nào hưởng lợi từ chính sách thuế bằng Berkshire vì quy mô quá lớn của những dự án trên.
Theo gió bay đi?
Tuy nhiên, tương lai có thể không toàn màu hồng như những toan tính của Buffett. Bản thân các chính sách về năng lượng sạch vốn đã bấp bênh. Những năm tới càng bất định hơn khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống.
Ngân sách dành cho các ưu đãi thuế chỉ được Quốc hội phê chuẩn hàng năm, chứ không dài hạn. Thêm vào đó, Chính phủ cũng có kế hoạch bắt đầu cắt giảm ưu đãi này từ năm sau. Khi ông Donald Trump chính thức làm Tổng thống, quá trình này còn có khi được đẩy nhanh hơn.
Tương lai có thể không toàn màu hồng như những toan tính của Buffett
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ New York Times tháng 11, ông Trump đã từng than phiền “Chúng ta đang trợ giá cho bao nhiêu là các nhà máy điện gió trên toàn quốc, nhưng chúng cũng chả có hiệu quả mấy… Tôi không muốn trợ giá như thế nữa". Các cố vấn năng lượng thân cận của Trump, Carl Icahn và Harold Hamm, đều kêu gọi chấm dứt các chính sách ưu đãi này.
Khi được hỏi đánh giá của công việc những chính sách của Trump là tốt hay xấu cho thị trường, tỷ phú Buffett phát biểu ông sẽ không tìm hiểu những chính sách trên và cũng không biết thị trường sẽ phản ứng thế nào.
Người giàu thứ hai thế giới cũng cho biết ông chưa bao giờ gọi cho vị Tổng thống nào và cũng sẽ không bao giờ làm thế. Bản thân ông là người lạc quan, ông cho biết dù ai làm Tổng thống thì không ai có thể cản bước được nước Mỹ.
Quỳnh Anh (Theo Fortune)