Giàu có mới có thể nghĩ tới điện gió, điện mặt trời...

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, nhiệt điện than đảm bảo phụ tải cho biểu đồ phụ tải tiêu thụ điện quốc gia, cung cấp điện cho các hộ tiêu thụ điện công nghiệp. Trong khi đó, thời gian và chi phí đầu tư hợp lý, phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Khi nào giàu có mới có thể nghĩ tới năng lượng tái tạo

Phát biểu tại Hội thảo "Công nghệ nhiệt điện than và môi trường" được Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 5/11, TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Nguyên Viện trưởng Viện năng lượng cho rằng, nguồn năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời...) là năng lượng sạch nhưng có một số nhược điểm như hệ số công suất thấp (chỉ từ 20 -30%), chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như địa điểm, thời điểm nên không thể điều chỉnh được theo yêu cầu.

Trong khi đó, nhiệt điện than đảm bảo phụ tải cho biểu đồ phụ tải tiêu thụ điện quốc gia, cung cấp điện cho các hộ tiêu thụ điện công nghiệp. Còn thời gian và chi phí đầu tư hợp lý, phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển.

"Không phát triển được điện hạt nhân thì phải làm nhiệt điện than. Thêm vào đó, để giảm tỷ lệ nhiệt điện than không hề đơn giản vì rất khó tìm nguồn thay thế trong khi các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ diễn ra sau năm 2025.

Nếu nhiệt điện than làm 24/24 thì năng lượng mặt trời chỉ có nắng mới có điện. Hay ví dụ, để sản xuất ra một lượng điện năng thì cần 4 nhà máy điện mặt trời trong khi chỉ cần 1 nhà máy nhiệt điện than. Dù rằng suất đầu tư cho đơn vị công suất gió và mặt trời rẻ hơn than nhưng 3-4 nhà máy như vậy lượng tiền đầu tư lớn", ông nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho hay: Tại Việt Nam, nhiệt điện than bắt đầu tăng trưởng từ sau năm 2000, khi Phả Lại 2 đi vào sản xuất. Ưu điểm của nhiệt điện than cho giá thành sản xuất thấp (khoảng 7cent Mỹ/kWh), vốn đầu tư không quá cao, thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân (khoảng 1.500 USD/kWh). Trong khi đó, khả năng huy động công suất lớn nên sản lượng điện phát ra lớn và không lệ thuộc vào địa điểm như thủy điện, thời gian xây dựng cũng không quá lâu, chỉ mất khoảng 3 năm.

“Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như năng lượng tái tạo và bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than”, TS. Nghĩa cho hay.

Phát biểu tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói: "Sự phát triển các nhà máy nhiệt điện than là giải pháp quan trọng đáp ứng nhu cầu năng lượng trong thời gian tới bởi chi phí sản xuất thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào, các nguồn năng lượng khác như năng lượng tái tạo, nhiệt điện, khí, chưa có khả năng thay thế nhà máy nhiệt điện than. Không chỉ Việt Nam mà các nước khác trên thế giới cũng đang áp dụng công nghệ này".

Phải kiểm soát chặt từ khâu công nghệ

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia thừa nhận, nhược điểm của nhiệt điện than là dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện (chiếm 60% giá thành sản xuất điện). Bên cạnh đó, các chất thải ra môi trường của nhiệt điện đốt than cũng rất lớn trong khi chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho hay, khiếm khuyết của công nghệ này là nó tạo ra các loại chất thải. Tuy nhiên với trình độ và sự quan tâm của các cơ quan liên quan, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, đây là vấn đề hoàn toàn có thế giải quyết được, bởi chi phí khắc phục tình trạng này không lớn so với các công nghệ khác. Mặc khác, nếu xử lý được chất thải rắn thì đây có thể trở thành nguồn tài nguyên để phát triển các nguồn nguyên liệu khác.

"Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ban xây dựng các khuôn khổ pháp lý về công nghệ và môi trường cho các nhà máy nhiệt điện than. Xây dựng cơ chế chính sách, xử lý, sử dụng hiệu quả chất thải tro, xỉ làm nguyên liệu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ, san lấp mặt bằng, khuyến khích các doanh nghiệp thay thế gạch nung tiến tới không sản xuất gạch nung thì lượng tro, xỉ hoàn toàn có thể xử lý được", Thứ trưởng nói.

Về giải pháp xử lý tro xỉ cho các nhà máy điện than của EVN, ông Đỗ Mộng Hùng, Trưởng ban An toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, phương pháp thải xỉ khô được đánh giá là một trong những biện pháp tiết kiệm tài nguyên nước và năng lượng là một giải pháp thúc đẩy quá trình tái sử dụng tro, xỉ trên thế giới hiện nay. Phương pháp này sẽ tiết kiệm nước ngọt cho quá trình vận hành hệ thống thải, lưu giữ tại bãi xỉ, có hiệu quả cao hơn trong việc sử dụng đất cho lưu giữ tro, xỉ. Cùng với đó, tro, xỉ lưu giữ khô sẽ thuận tiện và tiết kiệm chi phí cho việc tái sử dụng.

Còn theo TS Nguyễn Minh Hiến, kinh nghiệm các nước trên thế giới áp dụng để kiểm soát chất thải từ các nhà máy nhiệt điện than là sử dụng công nghệ siêu giới hạn hoặc cao hơn nữa. Công nghệ này sẽ giúp giảm suất tiêu hao cho các nhà máy nhiệt điện đồng thời giảm lượng khí phát thải ra bên ngoài.

"Nếu các nhà máy nhiệt điện than trong nước kiểm soát chặt chẽ được công nghệ ngay từ khi thi công thì việc phát triển các nhà máy nhiệt điện vừa đáp ứng được nhu cầu dùng điện cũng như bảo vệ môi trường," ông Hiến nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng An toàn sức khỏe và Môi trường thuộc nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, về tro xỉ, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã đưa ra những quyết định và chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy xi măng và sản xuất bê tông đầm lăn. Do vậy, các bộ, ngành cần sớm xem xét và tháo gỡ cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng để giải phóng lượng chất thải đang bị tồn.

Phương Dung