Dự án Đạm Ninh Bình: Làm rõ trách nhiệm cá nhân thực hiện hợp đồng với Trung Quốc
(Dân trí) - Tại chỉ đạo mới nhất liên quan đến dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ yêu cầu, cần làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng, trách nhiệm của các cá nhân trong quá trình thực hiện hợp đồng EPC với tổng thầu là Tổng công ty Tư vấn và thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc).
Văn phòng Chính phủ (VPCP) vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về những tồn tại của hợp đồng tổng thầu (EPC) dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.
Văn bản của VPCP nêu rõ, việc xử lý tồn tại của hợp đồng EPC dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu, không thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) nghiên cứu, chỉ đạo Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình và chịu trách nhiệm xử lý dứt điểm các tồn tại về hợp đồng.
Trong khi đó, Bộ Công Thương được giao chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát tính pháp lý của hợp đồng EPC của dự án, bảo đảm tuân thủ các quy định về hợp đồng xây dựng. Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ yêu cầu, cần làm rõ trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng, trách nhiệm của các cá nhân trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Về phần Vinachem, tập đoàn này căn cứ vào kết quả giải quyết các nội dung tồn tại của hợp đồng để thực hiện quyết toán hợp đồng EPC. Đối với các nội dung công việc, gói thầu, hạng mục công trình độc lập hoàn thành đưa vào sử dụng, việc quyết toán thực hiện theo quy định Thông tư số 09 năm 2016 của Bộ Tài chính về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.
Ngoài ra, liên quan đến việc hoàn thiện hồ sơ hoàn công, chủ đầu tư được yêu cầu phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm thực hiện dự án. Việc khai bổ sung hải quan đối với giá trị vật tư, thiết bị, hàng hóa nhập khẩu được thực hiện theo Thông tư 38 năm 2015 của Bộ Tài chính về thủ tục thuế, hải quan. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vinachem có trách nhiệm thu xếp vốn để thanh toán theo hợp đồng đã ký kết. Trường hợp vay vốn, Phó Thủ tướng lưu ý chủ đầu tư cần có phương án vay, trả nợ hợp lý gửi các ngân hàng thương mại thẩm định, quyết định việc cho vay phù hợp với Luật tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật.
Nhà máy Đạm Ninh Bình vốn là một công trình trọng điểm của ngành hóa chất Việt Nam. Dự án do Vinachem đầu tư, có tổng vốn lên đến 667 triệu USD (tương đương 12.000 tỷ đồng), quy mô công suất 560.000 tấn ure/năm, đặt tại Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình). Tổng thầu EPC thực hiện dự án là Tổng công ty Tư vấn và thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc).
Trước đó, Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương về công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã cho thấy nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án này với nhà thầu Trung Quốc.
Cụ thể, chủ đầu tư cấp than cho nhà thầu phục vụ chạy thử vượt so với hợp đồng EPC. Qua nhiều lần đàm phán chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa thống nhất được giá trị và trách nhiệm của mỗi bên đối với lượng than chạy thử cấp vượt. Hợp đồng EPC còn có điểm bất lợi cho chủ đầu tư về trách nhiệm của nhà thầu khi vượt lượng than chạy thử. Đây được cho là một trong số các nguyên nhân của việc chưa quyết toán được hợp đồng EPC.
Qua thanh tra, Bộ Công Thương cũng cho biết, nhà thầu EPC thi công chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký là 420 ngày. Điều này làm phát sinh chi phí, riêng số tiền lãi vay đã trả trong thời gian Hợp đồng EPC bị kéo dài là 527 tỷ đồng. Đến nay chủ đầu tư và nhà thầu đã tiến hành đàm phán qua nhiều phiên nhưng việc xác định giá trị phạt chậm tiến độ theo quy định của hợp đồng EPC chưa được hai bên thống nhất.
Đáng chú ý là chủ đầu tư nhận bàn giao tạm thời nguyên trạng nhà máy từ nhà thầu khi các thông số kỹ thuật chưa đạt theo báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và hợp đồng EPC đã ký. Dây chuyền thiết bị hoạt động chưa ổn định, số ngày chạy máy và công suất không đạt theo báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.
Đến thời điểm hiện tại, sau hơn 4 năm vận hành thương mại nhưng chủ đầu tư và nhà thầu chưa tiến hành ký nghiệm thu bàn giao dự án chính thức và vẫn đang trong quá trình tiếp tục đàm phán để xử lý các tồn tại của dự án. Chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa thống nhất được trách nhiệm của mỗi bên đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng nên dự án chưa được quyết toán.
Được khởi công xây dựng từ năm 2008; đến năm 2012 thì nhà máy đi vào hoạt động, tuy nhiên, cho đến nay, Đạm Ninh Bình liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ.
Tính toán của báo cáo khả thi cho thấy, số lỗ được lên kế hoạch là 47 triệu USD trong 3 năm hoạt động đầu tiên, tương đương 1.055 tỷ đồng. Song, theo báo cáo của công ty, đến đầu tháng 9/2016, tổng cộng lỗ từ khi đi vào hoạt động đã là 2.692 tỷ đồng (năm 2013 lỗ 906 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 592 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2016 lỗ 456,9 tỷ đồng).
Ngoài ra, công ty còn có khoản vay dài hạn hơn 8.375 tỷ đồng và khoản vay ngắn hạn hơn 1.746 tỷ đồng. Trong đó, nợ quá hạn lên tới hơn 610 tỷ đồng. Mặc dù Vinachem đã hỗ trợ công ty trả nợ thay khoản nợ gốc và lãi vay đầu tư đến hết năm 2016 nhưng công ty vẫn không thể cân đối dòng tiền để trả cho các khoản vay ngắn hạn.
Công ty này tính toán, nếu dừng chạy máy toàn bộ, Nhà máy đạm Ninh Bình sẽ lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng trong năm 2017 do vẫn phải trả các chi phí liên quan. Tuy nhiên nếu sản xuất 290.000 tấn ure, số lỗ có thể giảm đi 250 tỷ đồng.
Bích Diệp