Dự án BT đổi đất lấy hạ tầng: Dễ bị bóp méo, thất thoát "đất vàng"

(Dân trí) - Người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước cho biết, dù ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn nhưng các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất thoát đất vàng do lợi ích nhóm.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại hội thảo Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện diễn ra sáng nay (19/10), Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90, Việt Nam đã thu hút nguồn lực từ nước ngoài thông qua hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (gọi tắt là BT hay đổi đất lấy hạ tầng), một hình thức của đầu tư đối tác công tư (PPP).

Theo ông Phớc, so với dự án BOT, dự án BT hiện ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn do người dân không phải bỏ tiền túi một cách trực tiếp để thanh toán và cũng ít thông tin hơn về những dự án này. Tuy nhiên, hình thức này có thể mang lại những khoản sinh lời vô cùng lớn từ việc sở hữu những mảnh đất đắc địa nên dễ bị bóp méo, biến tướng.

"Khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT đã thực hiện là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có công bố nhưng chậm và công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu. Do đó, không phát huy tốt nhất được nguồn lực xã hội, nhiều nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế, thiếu kinh nghiệm quản lý", ông Phớc nói.

Ông Phớc cũng chỉ ra rằng, nhiều bất cập của các dự án BT còn có nguyên nhân từ việc nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng, làm phát sinh tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu.

Tại buổi hội thảo, bà Trương Hải Yến, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước) cũng chỉ ra một số bất cập của các dự án BT.

Cụ thể, theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, hiện tỷ suất lợi nhuận của chủ đầu tư chủ yếu xác định thông qua thương thảo hợp đồng nên có tình trạng chênh lệch lớn giữa các hợp đồng, có hợp đồng cao nhất là 12% trong khi thấp nhất khoảng 9% so với vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư dự án được lập và phê duyệt chưa đảm bảo theo quy định làm tăng vốn cho dự án.

"Một số chi phí trong tổng mức đầu tư lập cao so với thực tế và quy định, thiếu căn cứ, chưa chú trọng cắt giảm chi phí những hạng mục không cần thiết làm tăng tổng mức đầu tư không hợp lý nhằm chiếm dụng tiền của ngân sách nhà nước", bà Yến nói. Trong khi đó, theo bà Yến vì ngân sách nhà nước khó khăn nên mới cần huy động vốn theo hình thức này.

Ngoài ra, việc ký kết hợp đồng BT tại một số dự án cũng được đánh giá là còn chưa phù hợp, không chặt chẽ, thiếu ràng buộc chế tài khi nhà đầu tư vi phạm về tiến độ, thời gian thực hiện dự án, chất lượng công trình… Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ dẫn đến để xảy ra sai sót, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án, chất lượng dự án kém.

Phương Dung