Dự án B5 Cầu Diễn: Hơn 600 tỷ đồng vốn góp vào túi ai?

Câu hỏi được nhiều khách hàng của HAIC và Housing Group đặt ra là: Số tiền gần 630 tỷ mà liên danh đã huy động tại dự án này, chủ đầu tư đã mang đi đâu (?)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên 
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Như tin đã đưa ở phần trước, số tiền mà HAIC và Housing Group đã huy động vốn tại Dự án B5 Cầu Diễn là hơn 629 tỷ 030 triệu 638 nghìn 527 đồng.

 

Điều khiến nhiều người phải giật mình ở chỗ, theo quy hoạch được phê duyệt, tổng số căn hộ tại dự án B5 Cầu Diễn chỉ có 720 căn hộ, trong đó, Liên danh chủ đầu tư phải dành 328 căn hộ bàn giao cho Thành phố bố trí nhà ở tái định cư. Số căn hộ “ma” mà HAIC và Housing Group huy động “khống” lên tới 671 căn hộ.

 

Trong khi đó, khu đất Dự án B5 Cầu Diễn thuộc ranh giới nghiên cứu quy hoạch phân khu H2 – 1 (tỷ lệ 1/2.000) mới được UBND TP. Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tại Quyết định số 5235/QĐ – UBND ngày 14/11/2012 vẫn đang trong quá trình chờ Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức nghiên cứu lập phương án; quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc của Dự án chưa được phê duyệt.

 

Điều này cũng có nghĩa là, một trong những khoản tiền lớn ban đầu mà chủ đầu tư phải bỏ ra khi làm dự án là nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách Nhà nước, Liên danh HAIC và Housing Group chưa thực hiện.

 

Theo thông tin mà Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn có được, trong số tiền 229,1 tỷ đồng mà HAIC huy động từ khách hàng, số tiền mà doanh nghiệp này chuyển vào liên danh vỏn vẹn chỉ 3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền còn lại có nguy cơ mất vốn.

 

Về phía Housing Group, đơn vị này đã huy động được số tiền là 399,9 tỷ từ 791 hợp đồng góp vốn nhưng đến nay toàn bộ số tiền này Housing Group đã mất khả năng chi trả. Tại thời điểm bà Châu Thị Thu Nga – Chủ tịch HĐQT Housing Group bị bắt, ngân quỹ của doanh nghiệp này hầu như trống rỗng.

 

Câu hỏi được nhiều khách hàng của HAIC và Housing Group đặt ra là: Số tiền gần 630 tỷ mà liên danh đã huy động tại dự án này, chủ đầu tư đã mang đi đâu (?); Những chi phí nghiên cứu dự án, chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh, chuyển đổi chủ đầu tư dự án... có lẽ nào tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ như vậy (?) Tất cả những câu hỏi này vẫn đang trong quá trình được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ sau khi tiến hành bắt khẩn cấp 2 lãnh đạo cao nhất của HAIC là ông Nguyễn Văn Tuẫn và Housing Group là bà Châu Thị Thu Nga.

 

Riêng với Housing Group, khả năng tiêu tiền của doanh nghiệp này còn “đặc biệt hiệu quả” ở chỗ, ngoài dự án B5 Cầu Diễn (Housing Group đã thu được xấp xỉ 399,9 tỷ đồng từ khách hàng), đơn vị này còn có nguồn tiền “khủng” từ nhiều dự án bất động sản khác trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

 

Cụ thể, tại Dự án Khu tái định cư Phú Thượng, quận Tây Hồ, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn với Housing Group từ năm 2009 để mua một căn hộ chung cư. Sau khi ký hợp đồng đó, khách hàng đã đóng khoảng 60% giá trị căn hộ, có nhiều khách hàng còn nộp nhiều hơn.

 

Dự án gồm 1 tòa nhà chung cư 12 tầng, tổng diện tích sàn là 9.232,8m2 và khu nhà thấp tầng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Số tiền mà Housing Group huy động từ dự án này ước tính lên đến nhiều chục tỷ đồng. Trong khi thời hạn chủ đầu tư phải hoàn thành dự án là quý II/2013 nhưng đến nay, công trình vẫn chưa hoàn thành phần móng.

 

Việc Housing Group và các đối tác liên quan đã làm gì để có thể tiêu tán hết hàng trăm tỷ đồng vốn góp của khách hàng vào các dự án bất động sản thực sự là một sự thách thức với trí tưởng tượng của không ít người.

 

Theo Hà Quang

Đầu tư
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”