Dragon Capital: Các ngân hàng là mục tiêu ưa thích

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Dominic Scriven - Ông chủ của hãng đầu tư chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam - Dragon Capital đã tuyên bố: “Rời Việt Nam không nằm trong dự định của tôi” bởi Việt Nam là thị trường lý tưởng cho đầu tư ngắn hạn và cho biết bí quyết thành công tại đây gói gọn trong 2 chữ “kiên nhẫn”.

Năm 1990, Dominic Scriven lần đầu đặt chân tới Việt Nam. Khi đó đất nước xinh đẹp này vẫn chưa có thị trường chứng khoán.

 

Giờ đây, Công ty Dragon Capital của doanh nhân 43 tuổi này đang quản lý khối tài sản có giá trị lên tới 860 triệu USD bao gồm cả lượng cổ phiếu của hơn 1/2 số công ty niêm yết trên sàn giao dịch mới 6 năm tuổi.

 

Giờ đây, thị trường hồi hộp dõi theo từng bước đi của Dominic Scriven - ông chủ của hãng đầu tư chứng khoán số 1 - sau Chính phủ, tại quốc gia đông dân thứ 2 Đông Nam Á.

 

Sự kiên nhẫn của ông chủ Dragon Capital đã được đền đáp xứng đáng: Vietnam Enterprise Investments Ltd (VEIL) - quỹ đầu tư đầu tàu của Dragon Capital có tỷ suất lợi nhuận tính từ đầu năm đến nay đã lên đến 88% sau khi thất bại trong sáu năm đầu tiên tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi đó quỹ của Scriven mất tới 1/3 tổng tài sản.

 

Tổng giá trị tài sản của quỹ VEIL khi mới thành lập năm 1996 chỉ vỏn vẹn 16 triệu USD thì nay đã lên tới 500 triệu USD. Trong nhóm cổ phiếu VEIL đang sở hữu có những tên tuổi hàng đầu của giới kinh doanh Việt Nam như Sacombank và Tổng Công ty Điện tử Điện lạnh Việt Nam.

 

Cổ phiếu của Sacombank tăng giá ít nhất 5 lần tính từ thời điểm VEIL mua cổ phần của ngân hàng này vào năm 2000. Tổng giá trị cổ phiếu ngân hàng ACB do VEIL sở hữu tăng gấp 10 lần, từ 8 triệu USD lên tới 80 triệu USD trong vòng 10 năm 1996 đến nay.

 

Quy mô thị trường còn hạn chế

 

Thị trường chứng khoán vẫn còn là một khái niệm rất mới đối với Việt Nam. Theo số liệu nghiên cứu của Tập đoàn HSBC Holdings Plc, tổng giá trị thị trường của công ty niêm yết trên sàn chỉ đạt chừng 3,2 tỷ USD, tổng giá trị các công ty giao dịch trên thị trường OTC cũng không vượt quá 6 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị các công ty niêm yết của nước láng giềng Thái Lan lên tới 138 tỷ USD.

 

Theo nhận định của ông Horst Geicke - Chủ tịch Tập đoàn VinaCapital Ltd., quy mô thị trường niêm yết của Việt Nam vẫn rất hạn chế. Tập đoàn này đã huy động được 575 triệu USD để đầu tư vào Việt Nam từ 2 quỹ đầu tư niêm yết trên sàn London.

 

Trong vòng 3 tháng trở lại đây, tổng giá trị cổ phiếu Việt Nam giao dịch trong ngày chỉ đạt mức bình quân 7,8 triệu USD, quá nhỏ bé nếu so với 18 tỷ USD trong phiên giao dịch đầu tiên của sàn Tokyo.

 

Hạn chế đó khiến các nhà đầu tư khó bán được cổ phiếu nếu không hạ giá. “Quan tâm lớn nhất của chúng tôi là làm sao tìm ra được các hạng mục đầu tư có thời hạn hợp lý để có thể rút lại vốn khi cần và muốn” - Giám đốc chi nhánh Việt Nam của quỹ đầu tư thuộc Tập đoàn Prudential cho biết.

 

Người đứng đầu Dragon Capital cho biết hãng này chọn giải pháp đầu tư dài hạn vào các ngành xương sống của nền kinh tế như tài chính, năng lượng, kho cảng, vận tải. Các nghành nói trên có quy mô lớn, có thể dự đoán biến động nên ít rủi ro hơn.

 

Các ngân hàng Việt Nam - vẫn là mục tiêu đầu tư ưa thích

 

Khi Scriven đặt chân đến Việt Nam, quốc gia này đang phải vật lộn với lạm phát lên tới 65% và kim ngạch ngoại thương chỉ đạt 5 tỷ USD/năm.

 

Hiện tại, mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt Nam cho đến năm 2010 lên tới 8%. Thứ hạng mức độ tin cậy của Việt Nam cao hơn thứ hạng của Indonesia và Philipinnes mặc dù thị trường tài chính của Việt Nam non trẻ hơn.

 

Giá trị đầu tư ngân hàng của VEIL chiếm tới 1/3 số vốn huy động của quỹ này. Ngoài các hãng cho vay tài chính. Đối tượng đầu tư ưa thích của VEIL là các công ty bảo hiểm, đường bộ, chăm sóc sức khoẻ, tài nguyên thiên nhiên và sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng. Giá trị 24% cổ phần trong Tổng Công ty Điện tử Điện lạnh Việt Nam do VEIL sở hữu tăng gấp 5 - 6 lần trong khoảng thời gian từ 1997-2006.

 

Ngoài các hạng mục nói trên, Dragon Capital còn điều hành quỹ Vietnam Growth Fund Ltd. (260 triệu USD) và Vietnam Dragon Fund (100 triệu USD).

 

Theo nhận định của chính Dragon Capital, 12% giá trị thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang thuộc về hãng.

 

Sẽ không rời Việt Nam!

 

Tốt nghiệp chuyên ngành luật và xã hội học tại Đại học Exter năm 1985, làm việc tại châu Á trong 18 năm, đảm trách cương vị quản lý quỹ đầu tư tại 2 hãng Sun Hung Kai & Co. tại Hong Kong và Citicorp Investment Bank tại London và Hong Kong.

 

Năm 1990: tới Việt Nam, 1992 - 1994 học tiếng Việt tại Hà Nội. Vào TPHCM và thành lập Dragon Capital cùng John Shrimpton cũng trong năm 1994.

 

Nói tiếng Việt thuần thục và gắn bó cùng Việt Nam qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, đẳng cấp của ông chủ Dragon Capital trong giới tài chính ở đây được ghi nhận.

 

Dominic Scriven tuyên bố: “Chúng ta quan tâm đến sự phát triển ngày mai của Việt Nam và tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở mức độ nào đó. Rời Việt Nam không nằm trong dự định của tôi”.

 

Theo Nhật Vy

VietNamnet