"Dòng vốn vào vàng là dòng vốn chết"

(Dân trí) - Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa đề xuất Thống đốc NHNH tìm giải pháp đột phá để chấm dứt tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, trong đó VAFI "phê" Dự thảo Nghị định về quản lý thị trường vàng đã "đi không đúng hướng".

Thị trường vàng đang bị thả nổi

 

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính và NHNN cuối tuần trước, VAFI đã nêu thực trạng "hầu như bị buông lỏng quản lý", hay thiếu giải pháp để quản lý thị trường nhạy cảm này.
 
"Dòng vốn vào vàng là dòng vốn chết" - 1
VAFI đề xuất tái áp dụng các biện pháp cấm kinh doanh vàng miếng để giảm lượng vàng dự trữ, giảm đầu cơ

 

Theo VAFI, kinh doanh vàng là một hình thức kinh doanh tiền tệ, nên việc mua bán ngoại tệ "chợ đen" bị cấm triệt để còn thị trường vàng tự do lại được "mở cửa" quá thoáng khiến thị trường ngoại hối không được bình ổn một cách bền vững.

 

"Đầu tư vào vàng là không có lợi cho nền kinh tế và lại còn bất lợi hơn so với đầu tư vào ngoại tệ vì dòng vốn đầu tư vào vàng là dòng vốn chết, không đưa được vào sản xuất kinh doanh", VAFI khẳng định.

 

Tuy nhiên, theo Dự thảo Nghị định mới về quản lý thị trường vàng, việc kinh doanh vàng miếng và đầu tư vàng miếng hiện nay không cần giấy phép của ngành và không thu thuế với cá nhân kinh doanh vàng. Theo VAFI, điều đó là khá "vênh" khi cá nhân đầu tư vào chứng khoán phải chịu hai loại thuế là thuế chuyển nhượng chứng khoán và thuế cổ tức.

 

Chỉ cho đến mới đây, khi thị trường chứng khoán liên tục "phá đáy", Quốc hội mới thông qua việc giảm 50% đối với thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán cá nhân đến cuối năm, một giải pháp được đánh giá là mang nặng tính "động viên" ngắn hạn hơn là lâu dài.

Theo VAFI, NHNN cần có chính sách tăng cường thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân đổ vào hệ thống ngân hàng và TTCK, đồng thời có cơ chế ngăn cản dòng tiền này chảy vào những kênh không có lợi cho nền kinh tế như đầu tư vàng, ngoại tệ, bất động sản (BĐS)…

 

Con số mà Hiệp hội này đưa ra cho thấy, dòng tiền nhàn rỗi đổ vào NH và TTCK mới ở mức 35%, số còn lại chảy vào BĐS, vàng, ngoại tệ. Trong khi đó, lãi suất huy động, cho vay của các NH Việt Nam lại đang ở mức cao ngất ngưởng so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều này, theo VAFI là do các nước có chính sách để hướng khoảng 90% dòng tiền nhàn rỗi vào kênh NH, CK.

 

Biện pháp nào "dẹp loạn" thị trường vàng?

 

Nhắc lại cụm từ "cơn điên loạn của giá vàng" để mô tả những gì diễn ra trên thị trường vàng thời gian qua, Hiệp hội được Bộ Nội vụ cho phép thành lập năm 2003 này cho rằng cơn sốt vàng đầu tháng 8 đã làm đồng tiền VND yếu đi, gây căng thẳng giả tạo về quan hệ cung cầu ngoại tệ, ảnh hưởng tới niềm tin của người dân và những nỗ lực bình ổn thị trường ngoại tệ mà NHNN đang thực thi.

 

Trong kiến nghị phát đi ngày hôm qua (17/8), VAFI không ngần ngại "phê bình" Dự thảo mới Nghị định về quản lý thị trường vàng (trong đó cho phép kinh doanh vàng miếng) đã "đi không đúng hướng" và "không khả thi" bởi "Dự thảo mới không thể hiện các giải pháp chống đầu cơ hữu hiệu, không chỉ ra được con đường để kết thúc tình trạng vàng hóa nền kinh tế" và ngay sau khi NHNN công bố Dự thảo này thì giao dịch vàng miếng đã tăng lên.

 

Gọi những "danh hiệu" như VN là "quốc gia có nhiều người dân kinh doanh và sở hữu vàng nhất trên thế giới" hay “một trong 10 quốc gia tiêu thụ nhiều vàng nhất trên thế giới” là điều... không giống ai, VAFI cho rằng việc người dân dự trữ vàng khiến hàng chục tỷ USD bị "đóng băng" trong khi VN là một nước nghèo, cần vốn và ngoại tệ để phát triển kinh tế.

 

Theo VAFI, để chính sách quản lý hữu hiệu, cần xác định mục tiêu mà chính sách mong muốn, đó là giảm lượng vàng dự trữ trong dân, giải quyết tận gốc việc đầu cơ vàng, không để việc tăng giảm giá vàng tác động đến tâm lý và tỷ giá.

 

Đồng thời, Hiệp hội phi lợi nhuận này cũng phản biện nhiều giải pháp được đề xuất trong thời gian qua để quản lý thị trường vàng như lập sàn giao dịch vàng tập trung, cho phép các NH vay vàng của dân và bán số vàng huy động được, cho phép tự do xuất nhập vàng hay cho phép kinh doanh vàng tài khoản.

 

Theo đó, VAFI cho rằng việc giao dịch vàng tập trung bản chất không khác với các sàn vàng tự do trước đây, vốn gây nhiều thiệt hại cho dân, gây bất ổn kinh tế mà theo cách nói ví von là "tham gia sàn vàng còn nguy hiểm hơn chơi cờ bạc". Với đề xuất cho phép các NH vay vàng, VAFI coi quan hệ vay mượn này như việc duy trì thị trường vàng, đi ngược lại lộ trình chống vàng hóa nền kinh tế.

 

Việc tự do xuất nhập vàng như các loại hàng hóa khác đề xuất cho phép kinh doanh vàng tài khoản cũng nhận được sự phản biện của Hiệp hội này, với lo ngại có thể tạo ra sốt vàng và lạm dụng chức năng để kiếm lợi nhuận siêu ngạch.

 

Gọi Dự thảo Nghị định cũ về việc cấm mua bán vàng miếng là một "phát minh lớn" trong ngành NH VN, VAFI đề xuất tái áp dụng quy định này như một giải pháp duy nhất để đạt các mục tiêu bình ổn thị trường và chống vàng hóa nền kinh tế. Theo Hiệp hội này, dù Dự thảo cũ chưa thành chính sách, nhưng thông báo đó của NHNN đã khiến giao dịch vàng miếng trên thị trường tự do giảm 70%, tính thanh khoản của thị trường vàng sụt mạnh khiến đầu cơ hết "đất" sống.

 

Hồng Kỹ