Dòng tín dụng ít đổ vào thị trường OTC

(Dân trí) - Thời gian qua đã có 1 lượng tín dụng đáng kể được đổ vào thị trường chứng khoán, với đỉnh cao dư nợ khoảng 10.000 tỷ - 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên tín dụng này chủ yếu tập trung cho thị trường niêm yết, ít có dòng tín dụng đổ vào OTC.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có một bản phân tích, đánh giá về tình hình cho vay chứng khoán trong thời gian qua. Theo tổ chức này, cho vay đầu tư chứng khoán đã phát triển dưới nhiều hình thức nghiệp vụ khác nhau như: Cầm cố chứng khoán, nghiệp vụ repo cổ phiếu, mua khống T + 2, các nghiệp vụ bảo chứng, uỷ thác đầu tư...
 
Trong thời kỳ “hoàng kim” của cho vay đầu tư chứng khoán (những năm 2006, 2007), hầu như tất cả các công ty chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân trong nước đều đi vay tiền ngân hàng để phục vụ cho việc kinh doanh chứng khoán. Lúc đó, hoạt động tín dụng đầu tư chứng khoán phát triển ở thị trường OTC, thị trường giao dịch tập trung và thị trường đấu giá cổ phần các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá.
 
Kết quả là dư nợ tín dụng chứng khoán không ngừng tăng lên, có thời điểm lên tới 60.000 tỷ. “Sử dụng đòn bẩy tài chính đã làm cho nhiều nhà đầu tư và 1 số công ty chứng khoán liên tục gặt hái được lợi nhuận không ngừng, nhất là trong các năm từ 2005, 2006, 2007. Bởi vì khởi đầu cho giai đoạn này Vn-Index ở mức rất thấp, cộng với nhiều sự thay đổi có tính buớc ngoặt về chính sách cho môi trường đầu tư chứng khoán”, VAFI nói.
 
Vào tháng 7/2008, khi tiến trình xử lý nợ vay kết thúc, lạm phát đã được kiểm soát và TTCK phục hồi từ 360 điểm đến 570 điểm, cho vay đầu tư chứng khoán được “nới” trở lại. Tuy nhiên, hoạt động này nhanh chóng bị ngừng trệ từ tháng 9/2008 do Việt Nam bắt đầu chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau quí 1/2009, kinh tế Việt Nam chạm đáy, khi TTCK xuống ở mức thấp và bắt đầu phục hồi đi lên thì hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán khởi động trở lại.
 
TTCK tăng nóng đi cùng với “dòng tiền nóng” tăng lên, ngày 19/6, Ủy ban Chứng khoán (SSC) đã có văn bản nhắc nhở các công ty chứng khoán phải thực hiện đúng pháp luật hiện hành, cũng như ngừng ký các hợp đồng repo mới.
 
Thời điểm SSC ra văn bản cũng là lúc VN-Index đạt ngưỡng 500 điểm, ngưỡng có nhiều rủi ro cho hoạt động đầu tư chứng khoán bằng tiền đi vay. Theo đánh giá của VAFI, việc SSC có văn bản hạn chế các công ty chứng khoán cho vay đầu tư chứng khoán đã có tác dụng tích cực đến thị trường.
 
“Tín dụng đầu tư chứng khoán giảm, làm giảm giá trị giao dịch hàng ngày; tuy nhiên những dòng tiền cực kỳ ngắn hạn theo kiểu T + cũng giảm đáng kể, nhà đầu tư bớt nhiều lo lắng với các dòng tiền nợ, điều đó làm tăng tín ổn định cho thị trường. Khi dư nợ chứng khoán giảm đáng kể (ở thời điểm hiện tại, ước chừng chỉ còn khoảng 5.000 tỷ đồng) sẽ không có nhiều nguồn cung cổ phiếu cầm cố tiềm tàng, điều này có tác động không làm cho TTCK giảm sâu…”, VAFI nhấn mạnh.
 
Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cũng cho biết thêm: “Ở thời điểm của ngày hôm nay, thị trường đang ở trạng thái điều chỉnh và sẽ phân hoá theo kết quả kinh doanh quí 2/2009. Tuy nhiên, thị trường sẽ ở trạng thái ổn định hơn nhiều so với thời gian trước đó do “dòng tín dụng nóng" gần như đã được xử lý đáng kể”.
 
An Hạ