Đóng cửa gấp 4 mỏ khai thác vàng của Trung Quốc để “né” thảm họa

(Dân trí) - Bốn mỏ vàng do Trung Quốc điều hành nên bị đóng cửa tại Cộng hòa Trung Phi vì gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng, một ủy ban quốc hội cho biết trong một báo cáo được công bố mới đây.

Đóng cửa gấp 4 mỏ khai thác vàng của Trung Quốc để “né” thảm họa - 1

Những người lao động đang làm việc tại mỏ vàng Djoubissi ở phía bắc Bambari, một thị trấn thuộc Cộng hòa Trung Phi. (Nguồn: Reuters)

“Thảm họa sinh thái”, “dòng sông bị ô nhiễm”, “sức khỏe cộng đồng bị đe dọa” là những cụm từ được khẳng định trong bản báo cáo này.

Cụ thể, các mỏ khai thác vàng của các công ty Trung Quốc tại Bozoum, thủ đô của Ouham-Pendé, một trong 14 quận của Cộng hòa Trung Phi không mang lại lợi nhuận cho nước này. Hơn nữa, những mỏ vàng này còn gây hại cho dân số và môi trường, Ủy ban đã chỉ ra điều này sau khi điều tra.

“Mức độ của thảm họa sinh thái được chỉ rõ khi các hoạt động khai thác vàng này được dừng ngay lập tức và vô điều kiện”, báo cáo nêu rõ.

Một nhà truyền giáo địa phương, Cha Aurelio Gazzera, đã công bố một đoạn video cho thấy tình trạng của dòng sông ô nhiễm và đổ tội cho 4 công ty khai thác vàng liên quan là Tian Xian, Tian Run, Meng và Mao.

Ngay lập tức, các thành viên của ủy ban đã dành 4 ngày ở Bozoum để phản hồi nhiều khiếu nại của người dân.

Đáng nói, ở đó, họ thấy con sông Ouham bị ô nhiễm nặng, và một số loài thủy sinh trong con sông đã không còn sau khi lòng sông bị khai quật.

Thêm nữa, họ phát hiện ra rằng tỷ lệ người tử vong của các làng chài gia tăng cũng như nguồn nước sạch bị thu hẹp hơn nhiều.

Ủy ban cũng đưa ra những nghi ngờ về sự bất thường về kế toán của 4 công ty này trong quá trình điều tra.

“Sản lượng trung bình của mỗi công ty chỉ là từ 400 gram (1lb) đến 1 kg/tháng. Con số này dường như không thể chấp nhận được khi so sánh với chi phí sản xuất hàng ngày”, báo cáo cho biết.

Các nhà điều tra cũng lên tiếng lo ngại rằng tài nguyên ở thành phố của Cộng hòa Trung Phi đang bị phung phí với sự mờ ám của một số quan chức của Bộ Tài nguyên.

Đất nước này rất giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng lại sống trong tình trạng xung đột khiến khoảng một phần tư trong số 4,5 triệu dân phải rời bỏ nhà cửa.

Theo đó, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của đất nước rất khó để có thể theo dõi một cách hiệu quả khi nhà nước chỉ kiểm soát một phần lãnh thổ của chính mình.

Hồng Vân (Tổng hợp)