"Đòn trừng phạt chưa từng có" đối với Nga liệu có ảnh hưởng tới Việt Nam?
(Dân trí) - Các lệnh trừng phạt được cho là sẽ ảnh hưởng đến một số dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, song nhìn chung quy mô tác động không lớn đến nền kinh tế.
Sáng ngày 27/2, các quốc gia Mỹ, Anh, Canada và Ủy ban Châu Âu (EU) thông báo chặn kết nối của một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
SWIFT là tên viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu, được thành lập vào năm 1973 và có trụ sở tại Bỉ. Đây là hệ thống truyền tin nhắn giao dịch toàn cầu, kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong một báo cáo vừa công bố, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá, việc loại một số ngân hàng của Nga ra khỏi SWIFT sẽ gây ảnh hưởng lớn nền kinh tế Nga.
Trước đó, năm 2012, Iran cũng đã bị cắt kết nối khỏi SWIFT vì chương trình hạt nhân và nước này đã bị mất 50% doanh thu xuất khẩu dầu mỏ và 30% mậu dịch với nước ngoài.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng, việc loại Nga ra khỏi SWIFT sẽ ít ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt của Nga hơn trường hợp của Iran, do thực tế là châu Âu chịu sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga.
Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, cung cấp tới 35% nguồn cung cho khu vực này. Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn (do biện pháp trả đũa của Nga) có thể gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế của Châu Âu.
Theo các chuyên gia, với việc một số ngân hàng bị loại khỏi SWIFT, Nga có thể sử dụng các công cụ truyền thống trước đây như điện thoại, máy điện tín, email để thực hiện giao dịch liên ngân hàng và có thể thúc đẩy Nga tham gia các nền tảng công nghệ khác, như Hệ thống thanh toán quốc tế xuyên biên giới (CIPS) mà Trung Quốc xây dựng từ năm 2015.
Nhóm phân tích của VNDirect cho rằng, các lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc chặn kết nối SWIFT của hệ thống tài chính Nga sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, phần lớn là các dự án điện và dầu khí.
Theo tìm hiểu của VNDirect, dự án Nhiệt Điện Long Phú 1 (tổng công suất 1.200MW) do Power Machines (Nga) là tổng thầu đang chậm kế hoạch 2 năm do vướng lệnh cấm vận.
Dự án điện khí Quảng Trị (340MW) mà Gazprom (Nga) tham gia đầu tư cũng đang chậm tiến độ 2 năm so với cam kết ban đầu.
Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong (công suất 1.000MW) do liên doanh Zarubezhneft JSC (Nga) và DEME Concessions (Bỉ) đã ký biên bản ghi nhớ vào tháng 4/2021.
Ngoại trừ dự án điện khí Quảng Trị, 2 dự án Long Phú 1 và Vĩnh Phong đều đã đưa được đưa vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII. Trong khi Vĩnh Phong vẫn chưa được khởi công thì dự án Long Phú 1 đang rơi vào "bế tắc" vì vẫn chưa thể lắp đặt thiết bị.
Ngoài ra, các đối tác Gazprom và Zarubezhneft cũng đang tham gia vào các dự án thăm dò dầu khí như Lô 129-132 (bể Nam Côn Sơn), dự án tích hợp phát triển mỏ Báo Vàng tại các Lô 111/04, 112, 113.
Tuy nhiên theo đánh giá của VNDirect, những dự án này đều có quy mô nhỏ và đang dừng lại ở giai đoạn thăm dò tìm kiếm và chưa được triển khai tiếp. Do đó việc ngưng trệ khai thác không ảnh hưởng nhiều đến quy mô của ngành.
Về mặt thương mại, theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD (tăng 25,9% so với năm 2021), đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Nga.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 4,89 tỷ USD (tăng 20.9% so với cùng kỳ năm trước) chủ yếu là các mặt hàng như: điện thoại và linh kiện (chiếm khoảng 33%), máy vi tính/sản phẩm điện tử (13%), hàng dệt may (10%)…
Tại một báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, trong những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga chiếm hơn 1% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, Việt Nam đứng thứ 39 trong các đối tác thương mại của Nga. Do vậy, sự biến động giá các mặt hàng là nguyên vật liệu đầu vào quan trọng như: xăng, dầu, gas… sẽ là vấn đề cần theo sát trong thời gian tới.
Mặt khác, các doanh nghiệp trong những lĩnh vực này có thể sẽ được hưởng lợi khi mặt bằng giá một số loại hàng hóa chung tăng lên trong đó bao gồm các doanh nghiệp Việt Nam.
Về phía Ukraine, thương mại song phương giữa Việt Nam và Ukraine trong năm 2021 đạt 720 triệu USD (tăng 50% so với năm 2020) nhưng chỉ chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo đó, BSC đánh giá, xung đột ở Ukraine sẽ không có tác động kinh tế đáng kể tới Việt Nam.