Dồn dập DNNN "chào sàn": Thị trường có lo bội cung?

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp IPO và niêm yết thêm sẽ tạo áp lực cung lớn trong ngắn hạn. Nhưng về trung và dài hạn, thị trường có sự sàng lọc và nhà đầu tư sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn với các doanh nghiệp tốt.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần gắn cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) với niêm yết nhằm giúp thị trường chứng khoán có thêm nhiều hàng hóa chất lượng, từ đó thu hút nhà đầu tư. Nhưng nay, trước khả năng hàng trăm DNNN sau khi cổ phần hóa sẽ phải lên sàn, một số lo ngại thị trường rất có thể rơi vào tình trạng bị bội cung, khiến thanh khoản và giá cổ phiếu giảm.


T
Trước khả năng hàng trăm DNNN sau khi cổ phần hóa sẽ phải lên sàn, một số lo ngại thị trường rất có thể rơi vào tình trạng bị bội cung?

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Anh Đào - Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) cho rằng, chủ trương của Chính phủ và các bộ ban ngành về việc gắn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) các DNNN với niêm yết với mục tiêu nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp, từ đó bảo vệ nhà đầu tư và tăng nguồn cung hàng hóa đa dạng và có chất lượng cho thị trường.

 

"Mỗi nhà đầu tư sẽ có khẩu vị đầu tư khác nhau, với việc tăng nguồn cung giúp các nhà đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn. Tăng cung, tăng cầu sẽ giúp quy mô thị trường tăng lên, từ đó thu hút thêm nhiều nguồn vốn mới cho doanh nghiệp, cho thị trường", bà Đào nói.


Theo bà Đào, trên thực tế, những năm 2006-2007, khi các DNNN thực hiện cổ phần hóa hàng loạt thì thị trường chứng khoán đã có sự biến đổi mạnh mẽ về chất, về lượng. Cụ thể, năm 2007, bán được 534 triệu cổ phần, tổng số tiền thu được từ đấu giá hơn 36.000 tỷ đồng. Trong khi năm 2014, số tiền thu về từ đấu giá trên HOSE mới chỉ hơn 7.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, khả năng hấp thụ của thị trường vẫn còn rất lớn.Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản thị trường trong giai đoạn trên cũng tăng rất mạnh. 

 

Đồng quan điểm, bà Hoàng Hải Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK Dầu khí (PSI) cũng cho rằng, chủ trương gắn cổ phần hóa với niêm yết là hoàn toàn đúng đắn và theo thông lệ quốc tế, giúp các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động minh bạch hơn, tính thanh khoản của cổ phiếu cao hơn.

 

"Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, yêu cầu các doanh nghiệp sau IPO sẽ phải lên sàn, nên nguồn cung trên thị trường chứng khoán dự kiến sẽ tăng cao trong thời gian tới. Đây chính là cơ hội để thị trường có thể phát triển. Các DNNN là các hàng hóa tiềm năng sau khi cổ phần hóa sẽ cải thiện được các vấn đề liên quan đến quản trị. Tôi tin rằng, đây là một nguồn hàng hóa tốt", bà Hải Anh nhìn nhận.

 

Đại diện một công ty chứng khoán khác, ông Nguyễn Hồng Khanh - Trưởng Phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS) cũng cho rằng, thị trường chứng khoán  Việt Nam hiện tại vốn hóa vẫn khá nhỏ so với khu vực và chưa có tính đại diện cho nền kinh tế.

 

"Có thể trong thời gian ngắn việc các doanh nghiệp IPO và niêm yết thêm sẽ tạo áp lực cung lớn trong ngắn hạn. Nhưng về trung và dài hạn thì thị trường sẽ có sự sàng lọc và nhà đầu tư sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn với các doanh nghiệp tốt", ông Khanh nói.

 

Ngoài ra, theo ông Khanh, khi có nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết cũng là yếu tố hấp dẫn thu hút thêm dòng vốn ngoại đổ vào thị trường hơn. Hiện tại khối ngoại chỉ nắm giữ khoảng 22% vốn hóa thị trường và các doanh nghiệp lớn hầu như đã cạn room. Giao dịch hàng ngày khối ngoại chỉ chiếm khoảng 10% thị trường vì vậy cần nhiều giải pháp đồng bộ như nới room, thêm nhiều sản phẩm hơn trên sàn để nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn hơn. 

 

Theo kế hoạch năm 2015 sẽ phải thực hiện cổ phần hóa 289 doanh nghiệp, nhưng trong 3 tháng đầu năm mới chỉ cổ phần hóa được 27 doanh nghiệp. Như vậy, trong 9 tháng còn lại của năm sẽ phải thực hiện cổ phần hóa 262 doanh nghiệp nữa, có nghĩa mỗi ngày sẽ phải cổ phần hóa được 1 doanh nghiệp. 


Về tính khả thi của kế hoạch này, ông Đỗ Văn Tuấn - Giám đốc Phòng Thẩm định Niêm yết Sở GDCK Hà Nội cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp cổ phần hoá, đấu giá qua Sở và triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống DNNN theo quy định của Chính phủ, ngay trong năm 2014, HNX đã nâng cấp hệ thống đấu giá và tổ chức nhiều chương trình đào tạo cho các đại lý đấu giá, chú trọng vào khâu tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ động ký kết thoả thuận hợp tác...

 

"Chúng tôi hoàn toàn tự tin là HNX có thể hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp để góp phần triển khai Đề án tái cơ cấu DNNN theo quy định của Chính phủ", ông Tuấn khẳng định.

 

Phương Dung

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”