"Đòn bẩy" cho bức tranh tài chính số ở Việt Nam
(Dân trí) - Sau một thập kỷ "thai nghén", hệ sinh thái thương mại tài chính số Viettel Money đã chính thức ra mắt tại Việt Nam.
Với hàng trăm tiện ích đi kèm, Viettel Money sẽ trở thành chất xúc tác thúc đẩy quá trình thanh toán phi tiền mặt mọi người dân, từ thành thị tới nông thôn, vùng núi, hải đảo...
Cú hích về thanh toán không tiền mặt
Trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia đã áp dụng thành công mô hình kinh tế phi tiền mặt, điều này đã đem lại rất nhiều lợi ích về mặt vĩ mô và cho cả chính người dân.
Về lợi ích quốc gia, việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiết giảm được rất nhiều cho ngành tài chính, tiết kiệm được khối lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường. Từ đó, giảm bớt chi phí in ấn tiền mặt, kiểm đếm, chi phí vận chuyển.
Bên cạnh đó, việc thanh toán không tiền mặt giúp chống thất thu thuế cho Nhà nước, giảm rủi ro rửa tiền.
Trong khi đó, người dân cũng được hưởng lợi từ các thanh toán phi tiền mặt, như tiết kiệm thời gian, công sức thanh toán hóa đơn, rút tiền hay các giao dịch phát sinh có phí. Đồng thời, xét về độ an toàn, việc thanh toán phi tiền mặt trên nền tảng số an toàn hơn rất nhiều.
Nghiên cứu cho thấy thị trường Việt Nam đang hút đầu tư đầu tư tài chính mạnh mẽ. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, năm 2018 nguồn vốn đầu tư cho Việt Nam chỉ dừng ở mức khiêm tốn 0,4%, chỉ sau một năm, con số này đã tăng lên thành 36% với các thương vụ lớn.
Nhằm tạo đà cho sự phát triển của thị trường, trong thời gian qua Chính phủ cũng đã ban hành nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ đẩy mạnh phát triển vào hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt.
Các ngân hàng thương mại hiện cũng đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống, sang các ngân hàng số, từ đó tích hợp các kênh thanh toán điện tử không cần sử dụng tiền mặt.
Tuy nhiên, phát sinh từ thực tế cho thấy, vẫn sẽ có một số nhóm đối tượng khó tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng, ví dụ như người ở các vùng nông thôn, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, những nơi chưa có điều kiện tiếp xúc các dịch vụ tài chính số.
Bài toán được đặt ra là, có cách nào để người dân tiếp cận với việc thanh toán không tiền mặt một cách dễ dàng hơn, ngay cả trong điều kiện thiếu vắng những hạ tầng hiện đại như điện thoại thông minh hay Internet không?
Câu trả lời nằm ở tiền di động (Mobile Money).
Nhà nước vừa cấp phép kinh doanh tiền di động (Mobile Money) cho các tập đoàn viễn thông lớn được kỳ vọng thúc đẩy tài chính số nhanh chóng trên quy mô rộng khắp. Tuy nhiên, để tiền di động thực đi vào từng ngõ ngách, làng xóm, các nhà cung cấp dịch vụ cần đảm bảo tính sẵn sàng của hạ tầng, công nghệ, vùng sóng cần được nhìn nhận thực tế.
Viettel, đơn vị tiên phong trong cuộc cách mạng bình dân hóa điện thoại di động hơn 15 năm trước, đang tiếp tục sứ mệnh đưa tài chính số đến gần hơn với mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Không chỉ dừng lại ở tài khoản Mobile Money , Viettel chính thức ra mắt thương hiệu mới - Viettel Money với định vị trở thành "Tiền thông minh kiến tạo cuộc sống mới".
Tham vọng thập kỷ và trách nhiệm của người tiên phong
Được biết, Viettel đã dành trọn vẹn một thập kỷ với toàn bộ nguồn lực, từ hạ tầng, con người, công nghệ, mạng lưới để tạo ra một hệ sinh thái tài chính số cho phép người dân ở bất cứ đâu đều có thể dễ dàng đăng ký và trải nghiệm giao thương không tiền mặt.
Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám Đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel cho biết: Với sứ mệnh Chủ lực tiên phong kiến tạo xã hội số, Viettel sẽ là doanh nghiệp đi đầu trong công cuộc phổ cập tài chính số đến người dân Việt Nam.
"Hệ sinh thái thương mại tài chính số đã được Viettel xây dựng và tích lũy hơn 10 năm. Với Viettel Money, chúng tôi tự tin cung cấp dịch vụ từ hôm nay đến hàng chục triệu dân Việt Nam", ông Phạm Trung Kiên khẳng định.
Theo đó, hệ sinh thái thương mại tài chính số Viettel Money hội tụ nhiều tính năng và lợi thế cạnh tranh ưu việt so với các phương thức thanh toán khác trên thị trường.
Nhờ vào hạ tầng viễn thông mạnh, phủ sóng toàn quốc, lần đầu tiên chỉ bằng số điện thoại Viettel, người dân ở bất cứ đâu đều có thể dễ dàng đăng ký và trải nghiệm giao thương không tiền mặt, với đa dạng nguồn tiền, sử dụng mọi nơi, mọi lúc.
Từ đây, bà con nông dân hay đồng bào miền núi có thể dễ dàng trao đổi mua bán, cung cấp các mặt hàng nông sản tới các cư dân ở thành phố lớn mà không phải e ngại việc thanh toán không thuận tiện; người dùng điện thoại "trắng đen" cũng có thể chuyển tiền dễ dàng không cần có kết nối Internet.
Quyết tâm đưa 90 triệu người dân Việt Nam vào cuộc sống mới, Viettel Money phát triển hơn 300 tính năng, tiện ích được cá nhân hóa theo nhu cầu của mỗi khách hàng, cùng hệ thống điểm giao dịch/điểm kinh doanh phủ rộng quy mô tới 11.000 xã.
Đây sẽ là cánh cổng kết nối công nghệ, kết nối giao thương giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, giữa người với người, là chìa khóa để mọi người dân tiếp cận với nhiều dịch vụ số tiện lợi, hiện đại trong hệ sinh thái tài chính số của Viettel.