Đổi tiền lẻ, chưa bao giờ khổ như năm nay
Thừa lệnh của Ngân hàng Nhà nước, nhân viên các nhà băng năm nay khó đổi tiền lẻ mới giúp họ hàng, bạn bè hay đối tác, kể cả khi kho quỹ còn đầy. Không chỉ tiền lẻ mà tiền mới mệnh giá lớn cũng khó đổi.
Khó đến từng loại tiền
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
"Hàng năm, ngân hàng tôi làm đều có thông báo đổi tiền lẻ, tiền mới cho nhân viên, rồi chia chỉ tiêu cho từng phòng ban. Tuy nhiên, năm nay có thông báo sẽ không được đổi tiền lẻ, tiền mới theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Tôi có hỏi bạn bè ở các ngân hàng khác thì họ cũng nói tương tự", chị Mai Dung, nhân viên một ngân hàng, chia sẻ.
Vì thế, mấy ngày nay, "thị trường liên ngân hàng" tiền lẻ rất sôi động. Nhân viên các ngân hàng tới tấp gọi hỏi nhau về chuyện đổi tiền mới, tuy nhiên hầu hết các "giao dịch" đều không thành vì bộ phận kho quỹ không thể đáp ứng được.
Thực tế cho thấy, nhu cầu ở từng loại tiền là khác nhau, trong đó, loại tiền mệnh giá 1.000, 10.000, 20.000, 50.000 đồng là nhiều nhất.
Chị Thu Nga, Kiểm soát viên tại một Phòng giao dịch ngân hàng, nói rằng: "Đi lễ, mọi người thường chọn chỉ 1.000 đồng để rải các ban; còn mừng tuổi thường cũng chỉ 10.000 hoặc 20.000 đồng; thân thiết, các cụ cao tuổi thì mới dùng đến 50.000 đồng".
Theo anh Sơn, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Kho quỹ của Sở Giao dịch một Ngân hàng TMCP, "hàng năm, khi cận Tết âm lịch, Ngân hàng Nhà nước thường phát hành ra một lượng tiền mới nhất định và chúng tôi sẽ đổi cho khách hàng, nhân viên. Tuy nhiên, năm nay, việc này gần như không có. Bản thân nhân viên ngân hàng chúng tôi cũng có nhu cầu rất cao, nhưng bộ phận kho quỹ buộc phải từ chối các nhu cầu đổi mới. Tiền mới chúng tôi chỉ dành ưu tiên để đổi cho các khách hàng VIP, khách hàng thân thiết đã được các bộ phận quan hệ khách hàng tập hợp danh sách và lên kế hoạch".
Đổi tiền mới mệnh giá lớn cũng không dễ
Tưởng là chỉ khó khăn với chuyện đổi tiền lẻ, song, nhiều người bất ngờ khi đổi tiền mới mệnh giá lớn cũng không hề dễ dàng. "Mình biết là đổi tiền lẻ năm nay khó, nhưng chỉ nghĩ với loại 1.000, 2.000 đồng. Bất ngờ là đổi các loại mệnh giá lớn như 50.000, 100.000 đồng cũng thế, nhất là loại 50.000. Mình nhờ mấy chỗ nhưng đều không thể đổi được dù chỉ một thếp" - chị Mai Hoa than vãn.
Bản thân nhân viên các ngân hàng cũng "kêu" về việc quá khó khăn trong đổi tiền. "Thường thì cuối tháng 12 dương dịch tôi đã tính đến chuyện đổi tiền, nhưng tôi chỉ chú ý đến các loại mệnh giá nhỏ, còn loại như 50.000, 100.000 đồng khá thoải mái nên không mấy khi chú ý. Nhưng năm nay, không chỉ mệnh giá 50.000 mà 100.000 bộ phận kho quỹ cũng báo đang hết dần trong kho".
Lợi thế của việc đổi tiền mới qua ngân hàng thường là miễn phí, còn đổi với các loại dịch vụ thường bị "chém" các loại phí khá "chát" như "10 ăn 8, 10 ăn 9", tức là đổi 10.000 đồng tiền cũ để lấy 8.000 đồng tiền mới. Tuy nhiên, năm nay, khan hiếm tiền mới còn khiến thị trường bị đẩy lên đến mức cao khủng khiếp, nhất là các loại tiền lẻ.
Theo quan sát của chúng tôi, các quầy đổi tiền mới vẫn mọc lên nhan nhản, nhất là các đoạn gần các đình chùa, nơi thờ tự. Mệnh giá ở các quầy này thường là loại tiền mới 1.000 đến 20.000 đồng. Hỏi giá tại các nơi này vẫn, tỷ giá có thể lên tới 10 ăn 7, 10 ăn 6. Các hành vi này bị Ngân hàng Nhà nước - cơ quan có chức năng quản lý tiền tệ - cấm, nhưng có vẻ như chưa phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
Lãng phí cần phải bỏ dần
Lâu nay, chúng ta thường thấy cảnh tượng "rải tiền" tại các nơi thờ tự, đền chùa. Lượng tiền đi lễ này thường là loại tiền mới cứng mà cuối năm trước đó mọi người cật lực đi đổi.
Theo chị Ngọc Kiều, một cán bộ ngân hàng: "Tết năm nào chúng tôi cũng bị áp lực đổi tiền mới. Hết gia đình, họ hàng, bạn bè đến đối tác có nhu cầu gọi điện suốt. Cuối năm thì cật lực đi đổi, nhưng năm sau, ngay đầu năm thôi đã phải lôi các loại tiền đó ra tiêu chứ, có phải làm cảnh được đâu nên nhiều khi cũng thấy lãng phí công sức".
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, 300 tỷ đồng được chi ra để phục vụ việc in ấn các loại tiền mệnh giá nhỏ dưới 2.000 đồng, chưa kể các chi phí vận chuyển bảo vệ, lưu kho khác. Đây là con số lãng phí lớn cần phải điều chỉnh dần dần. Chính vì vậy, cơ quan này mới đây yêu cầu không đưa các loại tiền dưới 2.000 đồng trong kho ra lưu thông.
"Chấp hành chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cũng đã không xuất kho các loại tiền mới 1.000, 2.000 đồng dù trong kho tồn khá nhiều" - anh Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ kho quỹ Sở Giao dịch một ngân hàng TMCP, cương quyết.
Theo Nguyễn Thanh Ngọc