1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đối tác công tư: Động lực phát triển chuỗi nông sản bền vững

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Phát triển vùng trồng khoai tây theo mô hình PPP tạo nên động lực thúc đẩy chuỗi giá trị khoai tây phát triển bền vững, mang lại sinh kế lâu dài cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường.

Ngày 14/3, tại tỉnh Bắc Ninh, Nhóm Đối tác Công tư (PPP) về Rau quả và Ban thư ký Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), Bộ Nông nghiệp và Môi trường đồng tổ chức hội nghị Hiện thực hóa Kế hoạch Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm tại Việt Nam (FIH-V) năm 2025.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Giám đốc PSAV cho biết sau 15 năm thành lập, Đối tác Phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) đã khẳng định vai trò quan trọng trong huy động nguồn lực đầu tư, kết nối khu vực công và tư nhân, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam theo hình thức PPP.

Đối tác công tư: Động lực phát triển chuỗi nông sản bền vững - 1

Ngày hội thu hoạch khoai tây 2025 với sự tham gia của hơn 400 bà con nông dân ở 13 tỉnh thành miền Bắc.

Hiện PSAV có 8 Nhóm công tác PPP. Trong đó, nhóm PPP về Rau quả do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Khối công) chủ trì, cùng đồng hành có PepsiCo Foods Việt Nam, Syngenta Việt Nam (Khối tư) đã triển khai mô hình đổi mới sáng tạo cho cây khoai tây, hướng đến mục tiêu tăng năng suất, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và cải thiện thu nhập cho nông dân.

Theo thống kê, Việt Nam mới chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu khoai tây trong nước, phần còn lại phải nhập từ Úc, Mỹ, Đức, Hà Lan, Trung Quốc. Phát triển vùng trồng khoai tây theo mô hình PPP được kỳ vọng là hướng đi giải quyết bài toán khi thiếu cung, lúc "được mùa mất giá".

Từ năm 2019, PepsiCo liên kết với các đối tác, trong đó có Syngenta - đồng trưởng Nhóm công tác PPP về rau quả, cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Yara, Mimosatek, Netafim Khang Thịnh, USAIDS Resonance - dự án GDA và Care - Dự án She Feeds The World (SFtW) thực hiện mô hình sản xuất khoai tây bền vững ứng dụng công nghệ cao tại Tây Nguyên và cho những kết quả vượt trội. Vụ đông xuân 2024-2025, PepsiCo cùng với Syngenta và các đối tác trong chuỗi giá trị khoai tây triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây bền vững tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, với tổng diện tích 350 ha.

Đối tác công tư: Động lực phát triển chuỗi nông sản bền vững - 2
Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây bền vững tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, với tổng diện tích 350 ha.

Tham gia mô hình liên kết, nông dân trồng khoai tây được hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật như giống mới, biện pháp canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật bón phân an toàn và tiết kiệm, công nghệ tưới tiết kiệm nước, áp dụng cơ giới hóa, máy thu hoạch trong sản xuất khoai tây bền vững… Đồng thời, các doanh nghiệp liên kết sẽ cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch.

Tại Ngày hội thu hoạch khoai tây 2025 diễn ra tại phường Bằng An, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh với sự tham gia của hơn 400 bà con nông dân của 13 tỉnh thành, trên mô hình mẫu 10ha, kết quả thu được là năng suất thu hoạch trung bình đạt 23-26 tấn/ha, cao hơn 8 tấn/ha so với các vụ trước. Chi phí sản xuất cũng giảm nhờ áp dụng hệ thống tưới nước chính xác tiết kiệm được 3.170 m2 nước/ha, bộ giải pháp quản lý sâu bệnh giúp giảm 2 lần phun thuốc/vụ và sử dụng drone giảm hơn 10 lần lượng nước pha thuốc bảo vệ thực vật.

Đối tác công tư: Động lực phát triển chuỗi nông sản bền vững - 3
Năng suất khoai thu hoạch trung bình đạt 23-26 tấn/ha, cao hơn 8 tấn/ha so với các vụ trước.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Đối ngoại và Phát triển bền vững Syngenta Việt Nam, Syngenta là 1 trong những đối tác trong chuỗi giá trị sản xuất khoai tây bền vững, được PepsiCo tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý sâu bệnh hại trên cây khoai tây. Đội ngũ của Syngenta cũng kết hợp với đội ngũ nông học của PepsiCo thiết kế những quy trình về thuốc bảo vệ thực vật để trị sâu bệnh hại trên cây khoai tây, phù hợp với từng điều kiện thời tiết.

"Nhờ việc tập huấn cho bà con cách sử dụng đúng nên chất lượng củ đảm bảo, không để lại dư lượng trong sản phẩm, theo đúng tiêu chuẩn toàn cầu của Pepsico. Việc áp dụng các giải pháp này cũng giúp bà con giảm được 2 triệu đồng/ha tiền thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất 10-15%, đóng góp vào kết quả 6.000 tấn khoai tây xuất khẩu năm 2024 của PepsiCo. Chúng tôi tin rằng việc mở rộng hợp tác cùng PepsiCo và các đối tác sẽ tạo ra một sinh kế, một lựa chọn cây trồng có lợi nhuận, năng suất tốt hơn cho người nông dân", ông Tuấn chia sẻ.

Đối tác công tư: Động lực phát triển chuỗi nông sản bền vững - 4
Mô hình này cho phép người nông dân tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm PepsiCo Việt Nam, cho biết việc thực hiện mô hình sản xuất liên kết bền vững trước mắt sẽ giúp công ty chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước cho nhà máy thực phẩm thứ 2 của PepsiCo sẽ đi vào hoạt động tại Hà Nam vào quý III năm nay, sau đó sẽ hướng tới xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đánh giá cao hiệu quả của mô hình chuỗi giá trị khoai tây bền vững khi thay đổi căn bản tư duy của người sản xuất, cho phép người nông dân tiếp cận với phương thức canh tác giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Theo vị này, nếu tổ chức các giải pháp công nghệ, kêu gọi được những đối tác khác nhau thành một "gói kỹ thuật", đồng thời chuẩn hóa nó sẽ tạo nên mô hình đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, giúp tất cả các bên đều có cơ hội tiếp cận với những chuỗi giá trị tiềm năng trong tương lai.