Đổi nghề, nhớ biển

Nhiều tàu cá ở Quảng Trị neo đậu im phăng phắc ở cảng, trong khi thuyền nhỏ nằm phơi mình trên cát nhiều tuần qua. Nhiều gia đình ngư dân tất tả xoay xở, vay tiền để chuyển đổi nghề.


Thuyền của ngư dân Cửa Việt phơi mình trên cát. Ảnh: Khánh Huyền.

Thuyền của ngư dân Cửa Việt phơi mình trên cát. Ảnh: Khánh Huyền.

Nháo nhào xoay xở

Khi chúng tôi đến, căn nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình chị Trần Thị Quỳnh (43 tuổi, thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang cách biển Cửa Tùng không quá xa) có mỗi chị Quỳnh; hai đứa trẻ chạy chơi hàng xóm. Chồng chị, ngư dân Hồ Ngọc Thanh, vắng nhà, tạm đi phụ vữa.

Chị Quỳnh kể, trước khi xảy ra chuyện cá chết hàng loạt, cả nhà đều trông vào biển với thu nhập 200-300 ngàn đồng/ngày từ nguồn cá do anh Thanh đi biển đem về. Sau sự cố môi trường, hai vợ chồng ở nhà chỉ biết nhìn nhau.

“Nhà tôi có thuyền 15 CV, bình thường chồng cứ đi biển 1-2 ngày lại về, vợ đi chợ bán cá. Đến khi cá chết, có vớt lên ê hề cũng không ai dám mua. Những ngày đó cảm giác hụt hẫng, lo lắng vô cùng. Làm nghề này “gạo chợ nước sông” cái gì cũng phải mua hết, nay không có cá là không có tiền, không biết lấy cái nớ chi tiêu...”, chị Quỳnh thở dài.

Rồi quãng ngày nằm nhà “vắt tay lên trán” cũng qua đi, anh Thanh chạy đôn đáo kiếm được chân phụ hồ, còn chị Quỳnh đánh liều lên gặp Hội Phụ nữ thôn và xã xin vay vốn để tính chuyện đổi nghề.

“Hôm mới rồi, thôn đã cấp cho vợ chồng tôi một ao nhỏ, nếu vay được vốn 50 triệu đồng (từ nguồn giải quyết việc làm qua Ngân hàng Chính sách), tôi sẽ nuôi cá nước ngọt thêm với nuôi gà, nuôi lợn. Nhưng đó mới là dự tính và đang chờ duyệt. Về lâu dài, chỉ mong biển sớm trở lại ngày xưa để chúng tôi ra khơi...”, chị Quỳnh nói, ánh mắt xa xăm.


Bé Phan Như Ngọc, con gái 6 tuổi của vợ chồng anh chị Định-Lam, đứng bên cạnh mẹ nũng nịu đòi ăn cá. Ảnh: Khánh Huyền.

Bé Phan Như Ngọc, con gái 6 tuổi của vợ chồng anh chị Định-Lam, đứng bên cạnh mẹ nũng nịu đòi ăn cá. Ảnh: Khánh Huyền.

Chuyển từ đi biển sang sản xuất nước lọc tinh khiết gần 3 tháng, nhưng ngư dân Phan Văn Định chỉ khát khao quay lại biển. Chị Lam, vợ anh Định, bảo nhiều hôm thấy chồng nhìn ra ngoài nhớ biển, chị cũng thẫn thờ theo. “Vợ chồng em đang tính, nếu cơ sở ổn định, sẽ vay tiền rồi cùng mấy anh em khác chung đóng tàu to hơn để có thể ra khơi xa”, chị chia sẻ.

Ngay ở tư gia kiêm xưởng sản xuất nước uống đóng bình tinh khiết tại thị trấn Cửa Tùng, ngư dân Phan Văn Định (35 tuổi) cùng người vợ bằng tuổi Lê Thị Lam đang xoay trần vần những bình nước 20 lít để chuẩn bị giao hàng.

Dừng tay tiếp khách, chị Lam gạt mồ hôi trên trán, kể: “Hơn 2 tháng nay, khi biết chắc không còn hy vọng sớm được quay lại biển, tình cờ có người quen muốn nhượng lại cơ sở này, thế là hai vợ chồng tôi tất tả chạy vạy khắp nơi để được món tiền hơn trăm triệu mua lại”. Ngoài món nhỏ vài chục triệu dành dụm được, hai vợ chồng phải làm đơn xin vay theo Chương trình hỗ trợ việc làm qua Ngân hàng Chính sách, mức vay tối đa 50 triệu đồng với thời gian 5 năm. Nhờ người quen dưới cảng lấy hàng đều mỗi ngày, nhà chị bán được từ 30-40 bình/ngày, với giá 8.000-10.000 đồng. “Trừ đi mọi chi phí, cả gia đình tạm xoay xở đủ sống”, chị Lam cười buồn.

Ngồi cạnh chị là một phụ nữ (có chồng là ngư dân) đang giúp việc cho hai vợ chồng chị Lam. Người phụ nữ thở dài: “Làng này giờ buồn so. Cánh đàn ông không đi biển được kéo nhau đi kiếm ăn nơi xa hết. Hiện đã có một tốp ngư dân đi biển trong Đà Nẵng nhưng nghe nói không ăn thua; còn một tốp kéo nhau ra Bãi Cháy đi phụ hồ cũng kêu chán”.


Đây là những mẻ cá đánh bắt xa bờ được ngư dân thu mua về hấp chín, sấy khô bán cho thương lái Trung Quốc. Ảnh: Khánh Huyền.

Đây là những mẻ cá đánh bắt xa bờ được ngư dân thu mua về hấp chín, sấy khô bán cho thương lái Trung Quốc. Ảnh: Khánh Huyền.

Thiếu vốn đóng tàu vươn khơi

Trưa thứ Bảy đầu tháng 7, “nữ hoàng bãi tắm” Cửa Tùng xanh ngăn ngắt, trong veo và vắng lặng. Chạy xe một mạch gần 20 km sang bãi tắm Cửa Việt, con đường hoe bóng người, thảng mới gặp một chiếc xe đi ngược chiều. Sát bãi tắm và cổng chào “Cửa Việt” hè 2016, dãy hàng quán tinh tươm, gọn ghẽ đứng im phăng phắc… Theo thống kê của tỉnh Quảng Trị, số lượng cá chết dạt bờ dọc các vùng ven biển ước tính gần 35 tấn. Khoảng 2.300 tàu thuyền của ngư dân bị ảnh hưởng, 7.000 lao động không có việc làm do bị hạn chế đánh bắt, tiêu thụ.

Ngày 2/7, chúng tôi có mặt tại cảng cá Cửa Tùng - nơi buôn bán cá khá sầm uất ở huyện Vĩnh Linh. Cuối giờ sáng, hình ảnh duy nhất bắt gặp chỉ là những chiếc thuyền công suất nhỏ, thuyền thúng nằm úp mình phơi la liệt, chợ cá đóng cửa, tịnh không thấy bóng ngư dân và thương lái.

Anh Thiều Quang An, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Linh, nói rằng, từ khi cá chết hàng loạt đến nay, bà con ngư dân trong vùng nháo nhào tìm cách xoay xở chuyển đổi nghề.

“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là thiếu nguồn vốn để cho bà con vay. Mong Chính phủ quan tâm và ngân hàng có gói hỗ trợ lãi suất cho bà con ngư dân đang gặp khó, chứ hiện tại, họ phải vay theo chương trình giải quyết việc làm hộ cận nghèo lãi suất vẫn còn cao”, anh An nói.

Gio Việt (huyện Gio Linh) là 1 trong 4 xã vùng biển khó khăn. Nhiều hộ dân đang mong chờ làm thủ tục vay vốn ngân hàng tại điểm giải ngân trực tiếp ở xã để chuyển đổi nghề. Bí thư Đảng ủy xã, ông Lê Anh Hùng, cho biết, nhiều hộ hiện rất khó khăn; để thay đổi công việc hoặc tiếp tục làm nghề biển, đa số bà con cần một số vốn lớn mới có thể đóng tàu đủ công suất đánh bắt xa bờ.

“Hiện có một số hộ đã chuyển nghề từ đi biển sang thu mua hấp cá. Nhưng để mua cá, cần ít nhất 50 triệu đồng trả tiền tươi mỗi ngày, chưa kể đầu tư lò hấp, rồi trả công lao động. Do đó, bà con nơi đây rất mong ngóng chờ sự hỗ trợ vốn để chuyển đổi nghề giải quyết việc làm”, ông Hùng nói.


Thuyền đánh cá biển Cửa Tùng tại cảng cá sầm uất nhất Vĩnh Linh nằm im phăng phắc (trưa 1/7). Ảnh: Khánh Huyền.

Thuyền đánh cá biển Cửa Tùng tại cảng cá sầm uất nhất Vĩnh Linh nằm im phăng phắc (trưa 1/7). Ảnh: Khánh Huyền.

Cần gói hỗ trợ tổng hợp

Một ngày sau buổi họp báo Chính phủ hôm 30/6 thông báo nguyên nhân cá chết bắt nguồn từ nước thải Formosa Hà Tĩnh, tại thành phố Đông Hà, phải thuyết phục mãi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính, mới đồng ý tiếp ít phút. Mở đầu, ông Chính thông báo, đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ theo Quyết định số 772 số tiền là 8 tỷ đồng, trong đó tỉnh quyết định trích ngay 3,7 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách để thêm vốn cho ngư dân khẩn cấp chuyển đổi ngành nghề, ngoài ra, hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân 9 tỷ đồng và 800 tấn gạo. “Nhưng đó chỉ là hỗ trợ trước mắt, còn lâu dài, chúng tôi mong tạo sinh kế bền vững cho người dân. Ngoài học nghề mới, cần hỗ trợ vốn để ngư dân có thể chuyển từ thuyền bé sang đóng thuyền 90 CV mới đi xa được ngoài 20 hải lý - vùng biển an toàn cá không bị ảnh hưởng”, ông Chính nói.

Về thiệt hại của Quảng Trị, ông Chính nhận định: “Đối với những vùng biển đó, việc cá chết hàng loạt như một trận siêu bão quét qua. Trước đây, Quảng Trị dự kiến tăng trưởng kinh tế tỉnh đạt khoảng 7%, giờ ước phải giảm ít nhất 1%”.

Theo ông Chính, Chính phủ và tỉnh đang rất cố gắng hỗ trợ ngư dân, nhưng “siêu bão” đã gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế và ngành du lịch tỉnh. “Mấy năm trước, công suất phòng khách sạn tỉnh mùa du lịch cao điểm luôn đạt khoảng 80%. Năm nay sụt giảm khéo không còn được 40%. Tỉnh cũng vừa tổ chức xúc tiến thu hút đầu tư, mất bao công phu chuẩn bị mời gọi, giờ rất lo”, ông Chính nói.

Theo ông, tỉnh cần một gói hỗ trợ tổng hợp cho những người sản xuất, kinh doanh, đi biển, đặc biệt cần chuyển đổi sinh kế khai thác ven biển; cần có chương trình đánh giá tác động vùng biển, gói kích cầu du lịch...

Theo Khánh Huyền
Tiền Phong