Quảng Trị: Ngư dân tìm kế sinh nhai sau thời kỳ cá chết
(Dân trí) - Hiện tượng cá chết thời gian qua đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng vạn hộ dân làm nghề biển và các nghề dịch vụ hậu cần biển ở các tỉnh Bắc Trung bộ, trong đó có tỉnh Quảng Trị. Hầu hết ngư dân hành nghề đánh bắt gần bờ phải tạm ngưng hoạt động, chuyển đổi sang làm nghề khác.
Luồng “gió mới” nơi làng biển
Trở lại vùng biển vào thời điểm hiện nay, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi trong đời sống của mỗi ngư dân. Sau hơn 2 tháng kể từ ngày xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh Bắc Trung bộ và Quảng Trị, ngư dân dường như đã chuẩn bị tâm thế, chấp nhận để chuyển hướng tìm kế sinh nhai khi biển đã “không còn lành” như trước. Tuy nhiên, trong tâm thức của mỗi người dân, họ đều có điểm chung là vẫn luôn đau đáu về biển cả, nơi họ đã gắn bó cả cuộc đời để mưu sinh. Dù có lúc biển nổi sóng gió, thì ngư dân vẫn có thể sống, dựa vào nguồn lợi mà biển mang lại.
Đi dọc các làng biển Triệu Vân, Triệu An (huyện Triệu Phong), Cửa Việt, Trung Giang (huyện Gio Linh), Cửa Tùng, Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh)… bà con ngư dân đã bắt đầu chuyển hướng sản xuất để đảm bảo cuộc sống. Bước chuyển đổi hướng sản xuất này có thể nói là cách ứng phó trước thực trạng biển gần bờ không thể khai thác được, trong khi chưa có điều kiện để đầu tư phương tiện đánh bắt xa bờ.
Trước tình hình không thể ra khơi đánh bắt hải sản, hộ bà Trần Thị Khưởng (58 tuổi, ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong) đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất sang trồng trọt, chăn nuôi theo hướng thâm canh trên phần diện tích đất nông nghiệp của gia đình. Trước đây, gia đình bà Khưởng sống dựa vào tàu đánh bắt cá gần bờ, công suất khoảng 15 mã lực. Nhưng khi xảy ra hiện tượng cá chết, tàu của gia đình không thể ra biển đánh bắt như trước nên đời sống rơi vào cảnh khó khăn.
Bà Khưởng cho biết: “Vụ hè – thu năm nay, gia đình tui canh tác khoảng 6 sào đậu đen xanh lòng, hiện số đậu trên đang sinh trưởng rất tốt. Nếu thời tiết thuận lợi thì khoảng chừng 2 tháng sẽ cho thu hoạch. Như mọi năm, trung bình mỗi sào đậu ước đạt sẽ cho sản lượng khoảng 40 kg/sào, với 6 sào sẽ đưa lại khoảng 240 kg. Như vậy, với giá thị trường hiện nay, mỗi kg đậu mang lại khoảng 30-32 ngàn đồng. Ngoài trồng trọt, gia đình tui cũng gia cố thêm chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà”.
Được biết, xã Triệu Vân là địa phương đi đầu trong việc định hướng, chuyển đổi phương thức sản xuất cho bà con ngư dân. Theo ông Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân, toàn xã có khoảng 138 hộ làm nghề khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần biển.
Ông Đức nói: “Trước tình hình cá chết, ngư dân không thể hoạt động đánh bắt gần bờ được như trước, chính quyền địa phương đã định hướng cho người dân chuyển đổi sang trồng trọt, chăn nuôi để ổn định cuộc sống trước mắt cho ngư dân. Hiện nay, toàn xã đã canh tác khoảng 70 ha đậu xanh lòng. Ngoài ra, xã còn định hướng cho người dân chuyển sang chăn nuôi lợn, gà, hiện đã có khoảng 15 hộ xây dựng gia trại để chăn nuôi. Cùng với việc tìm ra phương thức sản xuất mới, xã đã hướng dẫn cho người dân địa phương trồng xen canh các loại cây trồng khác như: mướp đắng, nén, gấc… Về lâu dài, do còn gặp khó khăn về vốn nên người dân cần được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng để cải hoán, nâng cấp tàu theo chủ trương Nghị định 67, nhằm chuyển hướng đánh bắt từ gần bờ sang xa bờ. Toàn xã có 35 thuyền máy, 11 thuyền thúng chủ yếu khai thác hải sản vùng gần bờ nhưng hiện không thể hoạt động được”.
Chuyển đổi phương thức sản xuất là vấn đề cấp thiết!
Để ổn định cuộc sống cho bà con ngư dân các địa phương, quan trọng nhất là đảm bảo sinh kế cho họ, định hướng, chuyển đổi nghề phù hợp, tạo việc làm mới cho lao động vùng biển. Việc tìm ra phương thức sản xuất mới, ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con ngư dân các xã bãi ngang tại tỉnh Quảng Trị là vấn đề mang tính cấp thiết nhất hiện nay.
Trong số 22 xã, thị trấn huyện Vĩnh Linh, có 4 xã, thị trấn có đời sống của người dân dựa vào nghề khai thác hải sản. Trong đó, xã Vĩnh Thái và thị trấn Cửa Tùng gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nghề biển. Tình trạng cá chết bất thường đã khiến hàng ngàn lao động biển của huyện Vĩnh Linh gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục một phần khó khăn, chính quyền xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh đã xây dựng 2 phương án để tạo nguồn thu nhập và việc làm cho ngư dân, gồm: trồng cây dược liệu và xây dựng vùng chuyên canh rau sạch trên cát. Khuyến khích ngư dân mua sắm các loại tàu thuyền có công suất lớn, chuẩn bị cho phương án đánh bắt xa bờ và xây dựng, phát triển một lực lượng chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá làm phương tiện trung chuyển hải sản từ tàu thuyền lớn ngoài khơi, khai thác hải sản ở những vùng an toàn, đưa vào bờ tiêu thụ.
Tuy nhiên, để thực hiện được các phương án này, người dân đang cần sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp liên quan trong việc đào tạo kỹ thuật khai thác hải sản, đầu tư xây dựng mô hình khai thác mới có hiệu quả để hỗ trợ ngư dân một cách thiết thực.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Linh, vừa qua huyện đã tổ chức đoàn đi tham quan, học hỏi mô hình kinh tế ở các tỉnh bạn để áp dụng tại địa phương. Với điều kiện sống của người dân các vùng Cửa Tùng, Vịnh Mốc sống chủ yếu dựa vào khai thác biển và đánh bắt hải sản, thì hướng phát triển trong thời gian tới là đánh bắt trung bờ và xa bờ. Còn các địa phương khác như Vĩnh Thái, Vĩnh Giang thì phù hợp với việc chuyển đổi sang trồng rau, củ, cây dược liệu…
“Huyện đang tích cực phối hợp với trung tâm khuyến nông- khuyến ngư để có kế hoạch đào tạo nghề cho ngư dân... Tuy nhiên, việc tìm hướng đi mới không phải ngày một, ngày hai mà còn cả quá trình gian nan”, ông Dũng nói.
Đối với ngư dân huyện Gio Linh, vừa qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động định hướng, chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân. Đây là bước khởi động nằm trong kế hoạch dài hạn tạo sinh kế làm ăn cho ngư dân vùng biển.
Theo ngành LĐ-TBXH tỉnh Quảng Trị, ngành đang tập trung mở lớp đào tạo nghề, ưu tiên giải quyết việc làm cho người lao động vùng biển. Thời gian qua, do ảnh hưởng cá chết, hầu hết ngư dân phải ngừng đánh bắt, làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Một số bà con chuyển sang làm trang trại chăn nuôi bước đầu ổn định cuộc sống.
Về vấn đề chuyển đổi hướng sản xuất cho bà con vùng bãi ngang, ông Võ Văn Hưng-Giám đốc sở NN và PTNT tỉnh Quảng Trị, cho hay: “Ngành nông nghiệp chủ trương khuyến khích bà con tập trung trồng và chăn nuôi các loại cây, con có hiệu quả cao. Hỗ trợ cho bà con về giống, khâu làm đất, công tác kỹ thuật cũng như công tác khuyến nông”.
Tính đến ngày 31/5/2016, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã ký hợp đồng tín dụng cho vay đối với 47 chủ tàu nằm trong danh sách vay vốn Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Trong đó, có 18 tàu đóng mới và 29 tàu nâng cấp với tổng số vốn các ngân hàng cam kết cho vay là 262,21 tỷ đồng. Tổng số tiền đã giải ngân đến thời điểm này là 154,79 tỷ đồng. Sau gần 2 năm triển khai Nghị định 67, đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị đã bàn giao đưa vào sử dụng 6 tàu vay vốn đóng mới, trong đó có 4 vỏ thép, 2 vỏ gỗ và 7 tàu khác cũng đã được hạ thủy.
Đăng Đức