Bộ Nông nghiệp lên phương án hỗ trợ người dân vùng cá chết
(Dân trí) - Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao đề xuất chính sách hỗ trợ người dân khu vực bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung sau sự cố Formosa xả thải độc làm hải sản chết hàng loạt.
Nghị quyết nêu một loạt nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp như đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung nâng cao năng lực sản xuất, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên; chỉ đạo mở rộng sản xuất thâm canh tăng vụ trong vụ hè thu và thu đông; hỗ trợ khôi phục sản xuất; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... bảo đảm tăng trưởng nông nghiệp.
Không phải là cơ quan chủ trì trong việc xây dựng kế hoạch sử dụng 500 triệu USD tiền đền bù thiệt hại của Formosa vì xả thải “đầu độc” biển nhưng Bộ Nông nghiệp cũng phải đảm nhận phần việc quan trọng, trực tiếp trong việc xử lý sự cố này là đề xuất chính sách hỗ trợ người dân khu vực bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung.
Cũng sau sự cố này, Chính phủ thống nhất chủ trương kiên quyết không cấp phép cho dự án không bảo đảm môi trường.
Nghị quyết phiên họp nhấn mạnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra việc khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, nhất là đất đai, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật. Khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai. Kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án không bảo đảm môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ yếu tố môi trường. Chỉ đạo rà soát trên phạm vi cả nước các cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để có giải pháp kịp thời.
Trong Nghị quyết, rất nhiều nhiệm vụ khác cũng được giao cụ thể cho từng bộ ngành.
Thí điểm đấu thầu tập trung thuốc bảo hiểm
Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính về việc thí điểm giao Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (không thuộc danh mục 5 hoạt chất đấu thầu tập trung quốc gia do Bộ Y tế tổ chức đấu thầu) theo quy định.
Chính phủ giao Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Y tế thống nhất danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức đấu thầu. Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức đấu thầu theo quy định.
Về việc thành lập đơn vị mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế, Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng và trình đề án thành lập đơn vị mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế theo quy định. Trước mắt, đồng ý Bộ Y tế thành lập Ban mua sắm tập trung để triển khai nhiệm vụ đấu thầu thuốc của Bộ Y tế ngay trong năm 2016 theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, bảo đảm không tăng biên chế hành chính - sự nghiệp, quản lý chặt chẽ, minh bạch, không để tiêu cực, tham nhũng xảy ra.
Chủ động ứng phó với Brexit
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, vàng trong nước và quốc tế để chủ động điều hành chính sách tiền tệ, hạn chế tác động tiêu cực đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng theo mục tiêu của Quốc hội. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Bộ Tài chính được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là việc Anh rời Liên minh Châu Âu liên quan đến nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam để đánh giá tác động, kịp thời đề xuất các giải pháp ứng phó. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 3/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2016. Rà soát, quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài sản công của các cơ quan, đơn vị.
Bộ Công Thương nhận nhiệm vụ theo dõi tình hình quan hệ thương mại của nước ta với các đối tác lớn, đánh giá tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu. Theo dõi giá dầu thô thế giới, điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô. Tổ chức hội nghị chuyên đề tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Chính phủ điều hành bằng những việc làm cụ thể, đột phá
Về kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2016, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức trách, nhiệm vụ của mình, tổ chức rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế để công tác chỉ đạo, điều hành chuyển biến tích cực hơn, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2016.
Bên cạnh đó, Chính phủ đòi hỏi các bộ ngành, địa phương đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, đột phá, mang lại hiệu quả thực chất. Đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Gắn việc chỉ đạo, triển khai với công tác đôn đốc, kiểm tra, xử lý nghiêm việc chậm trễ thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Chính phủ yêu cầu các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, khắc phục ngay tình trạng chậm triển khai hoặc để quá hạn các nhiệm vụ. Tập trung kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chủ trương, chính sách và các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là đối với một số lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm.
P.T