Dốc tiền đầu tư nhưng “ăn quả đắng” vì dính chữ ký giả, dấu “củ khoai”

(Dân trí) - Hàng vạn con dấu doanh nghiệp bị làm giả được ví von là “dấu củ khoai”. Nhiều người thấy bất công vì “dốc tiền” làm ăn nhưng nhận “quả đắng”, phải đi kiểm định chữ ký và con dấu. Bởi vậy, việc trao toàn quyền cho doanh nghiệp giữ hoặc “xóa sổ” con dấu vừa được Chính phủ đề xuất với Quốc hội.

Chiều qua (20/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Trong đó, nội dung đáng chú ý của Luật này là Điều 44 đề cập tới con dấu của doanh nghiệp.

Trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Chính phủ đề xuất: Doanh nghiệp có quyền quyết định có hoặc không có con dấu; quyết định số lượng, hình thức và và nội dung con dấu của doanh nghiệp, dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do công ty, đơn vị khác của doanh nghiệp ban hành. 

Dốc tiền đầu tư nhưng “ăn quả đắng” vì dính chữ ký giả, dấu “củ khoai” - 1
Chính phủ đề xuất trao cho doanh nghiệp toàn quyền giữ hoặc "xóa sổ" con dấu (ảnh minh họa: PLVN)

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) nêu ý kiến: Việc quy định doanh nghiệp có quyền quyết định có hoặc không có con dấu là quy định mới của dự thảo Luật giúp giảm một số thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới quy định về văn bản hợp đồng chỉ có chữ ký mà không cần có con dấu là chính thức hợp pháp.

Theo xu thế phát triển và cùng với sự phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì nhiều phương tiện điện tử mới như chữ ký điện tử, công nghệ đã và đang thay thế phương tiện truyền thống như con dấu, chữ ký truyền thống. Điều này sẽ đơn giản hóa, hành chính hóa thủ tục. 

Tuy nhiên, nữ đại biểu đoàn An Giang cũng bày tỏ: “Việc bỏ con dấu sẽ phát sinh những thủ tục khác phức tạp khi có tranh chấp xảy ra. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải chứng minh tính pháp lý của chữ ký và có những tranh chấp.”.

Dốc tiền đầu tư nhưng “ăn quả đắng” vì dính chữ ký giả, dấu “củ khoai” - 2
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang)

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đưa ra phân tích từ thực tế cho thấy con dấu là một yếu tố bảo đảm độ tin cậy để khẳng định địa vị pháp lý, pháp nhân của doanh nghiệp, khẳng định niềm tin đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thuận lợi cho cơ quan quản lý, nhất là một số Luật hiện nay như Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Cạnh tranh… đang quy định về sử dụng con dấu. 

“Trong điều kiện phương tiện điện tử nước ta mới phát triển, bước đầu cần phải thận trọng, đánh giá tác động một cách đầy đủ, có lộ trình đồng bộ giữa các điều kiện để thực hiện tiếp cận từng bước vấn đề này. Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ các điều kiện rõ ràng về tính pháp lý, về an toàn cho các hoạt động của doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan.” - đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho hay. 

Nêu quan điểm về quy định của điều luật này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng: “Con dấu bản chất của nó là biểu tượng”. 

Theo đại biểu đoàn Bến Tre, trước đây chúng ta lo lắng về vấn đề an ninh, trật tự, chúng ta sợ có chuyện giả mạo nên vấn đề con dấu được xem là quan trọng. Nhưng nay, khái niệm người đại diện theo pháp luật là quan trọng nhất và bây giờ có thể sử dụng con dấu điện tử, chữ ký điện tử. 

Dốc tiền đầu tư nhưng “ăn quả đắng” vì dính chữ ký giả, dấu “củ khoai” - 3
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng: “Con dấu bản chất của nó là biểu tượng”.

“Chúng ta thấy bây giờ làm giả dấu củ khoai rất nhiều. Có hàng nghìn, hàng vạn con dấu bị làm giả và lại mất công giám định. Không chỉ giám định chữ ký mà còn giám định cả các con dấu giả nữa, có phải bất công không?” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ sự bất bình.

Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh vấn đề là cần quản lý sao cho chặt chẽ, tránh rườm rà. “Đã là biểu tượng thì để cho doanh nghiệp tự quyết định việc giữ hay bỏ con dấu” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm