Độc, lạ quả na tím có bao nhiêu thương lái gom sạch
(Dân trí) - Quả na vốn không còn xa lạ với người Việt Nam, bởi vị ngọt thơm và màu xanh quen thuộc. Thế nhưng, ngoài những loại na truyền thống ấy ra vẫn còn một loại khác, đó là na tím.
Để tìm hiểu về loại na đặc biệt này, PV đã tìm đến nhà anh Bùi Văn Cần là người trồng na tím ở thôn Đìa Sen, xã An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh).
Bước vào nhà, anh Cần niềm nở chia sẻ: “Tôi cũng đã trồng loại quả đặc biệt này 10 năm nay. Trong một cơ duyên hiếm có, tôi đến Tràng An (Đông Triều, Quảng Ninh) để chơi thì thấy được cây na tím”.
“Thấy người trồng bảo rằng đó là loại “na thuốc” nên tôi xin giống về trồng thử, nhưng người trồng lúc đó cũng không biết được là có thể chữa được bệnh gì mà chỉ nghe kể lại”, anh Cần kể.
Giống khá hiếm nên lúc đó ở Tràng An cũng chỉ có vài cây. Nhưng sau một thời gian gieo giống, cả vườn nhà anh Cần đã có khoảng 50 cây.
Tuy nhiên, thời gian đầu trồng, anh Cần gặp khá nhiều khó khăn vì cây ra ít hoa, không những vậy hoa còn mỏng, nên ảnh hưởng nhiều tới việc đậu quả.
Anh Cần đang đi tìm những quả na tím còn sót lại
Phải mất nhiều năm anh Cần mới biết cách cắt tỉa cành, ép cho hoa nở ra ở thân. Vì giống na tím này nếu hoa đậu ở đầu cành, sau này ra quả chỉ bằng ngón tay cái là sẽ rụng. “Không những vậy hoa mỏng và ít hơn na dai rất nhiều”, anh Cần cho biết thêm.
Thế nhưng, anh Cần cho biết: “Thời gian đầu khi cây cho quả, do na có màu sắc kì lạ nên bán không ai dám mua. Thậm chí, nhiều người còn bảo là na hỏng hoặc na ngâm phẩm màu để có màu tím lạ mắt”.
“Lúc đầu trồng cũng mong tìm được hướng đi mới, nhưng vì miếng cơm manh áo nên cũng đành chặt bỏ và trồng na dai. Tuy nhiên, tôi vẫn cố giữ lại vài cây để duy trì giống”, anh Cần kể.
Nhưng may mắn thay, anh Cần chia sẻ: “Mấy năm gần đây, mạng internet phổ biến hơn, người dân cũng biết đến cây na tím nhiều hơn. Khách, thương lái vào hỏi mua rất nhiều, nên tôi đang có định gây dựng lại vườn na tím”.
“Hiện giờ, tôi đang có 20 cây cho quả đều mỗi năm, nhưng dự kiến 1 – 2 năm tới, tôi sẽ dần dần thay thế hết bằng na tím, tùy theo tình hình thị trường. Với đầu ra hiện nay, nhiều thương lái luôn sẵn sàng bao tiêu cả vườn với giá tốt, chỉ tiếc là chưa đủ hàng”, anh Cần khoe.
Ông Hành là bố anh Cần cũng một phần góp công sức vào vườn na cho hay: “Na tím chăm tốt, cả mùa, mỗi cây cũng chỉ ra được độ chục kg, bằng một phần ba cây na dai, nhưng giá bán lại tốt hơn rất nhiều. Tuy chưa biết nên bán bao nhiêu nhưng thương lái đang thu mua một cân na tím dao động từ 50.000 – 60.000 đồng, có thời điểm có thể lên tới hơn 100.000 đồng/kg”.
“Giá là thế, nhưng cũng không có để bán lẻ hay bán ngoài chợ vì thương lái đã bao tiêu cả vườn, ra bao nhiêu cũng mua. Khi nào cần quá, mới thương lượng với lái buôn mới lấy được một vài cân”, ông Hành cho biết thêm.
Cũng theo ông Hành: “Việc buôn bán gặp thuận lợi cũng mới từ 2 năm nay, nên gia đình cũng đang mở rộng thêm diện tích trồng na tím. Thương lái còn đi xe máy từ tận Vĩnh Phúc sang để xem hàng nhưng cũng phải về tay không, vì không còn na”.
“Đợt vào mùa, thương lái nhận bao tiêu cả vườn thường xuyên vào kiểm tra xem đã có na gối thu hoạch chưa. Có ngày, 20 cây na tím cho thu hoạch tận gần 50 kg thương lái mừng rơi nước mắt, gia đình cũng thu được một khoản kha khá”, ông Hành chia sẻ.
Được ăn thử một quả na tím ngay tại vườn, anh Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ: “Na có hình dáng giống với những quả na bình thường, chỉ khác, nhưng vỏ và cuống đều có màu tím lạ mắt. Khi ăn thử thấy cũng ngọt và dai không thua kém gì những loại na ngon nổi tiếng bây giờ”.
“Nếu để làm quà biếu thì khá thích hợp vì màu sắc đẹp, độc đáo, ăn cũng khá ngon, đem đến cảm giác mới lạ”, anh Nghĩa chia sẻ thêm.
Thế Hưng