Đã đến lúc... cảm ơn Petrolimex?
Thái độ không “mặn mà thống trị” của Petrolimex không biết có thật hay không? Nhưng người tiêu dùng bắt đầu mơ một giấc mơ như câu chuyện của VNPT năm nào.
Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84. Theo đó, DN kinh doanh xăng dầu vẫn được tự ý tăng giá 0 - 5%. Một lần nữa câu chuyện về độc quyền lại được đặt ra khi chính đại diện Petrolimex (DN đang chiếm 55% thị phần thị trường xăng dầu) tỏ ý muốn rút vốn.
Mặc dù, tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, vị trí thống lĩnh của Petrolimex là có yếu tổ lịch sử. Trong quá trình xây dựng đất nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có Petrolimex đã hoạt động vì quyền lợi đất nước, nhân dân và cần ghi nhận.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi sứ mệnh lịch sử của Petrolimex đã được làm tròn thì cũng là lúc cần chuyển giao vị thế thống lĩnh trở lại cho nền kinh tế thị trường.
Từ thống lĩnh đến lũng đoạn thị trường?
Theo Luật Canh tranh năm 2005, DN được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường khi có trên 30% thị phần. Tuy nhiên, Petrolimex hiện vẫn đang chiếm khoảng 55% thị phần kinh doanh xăng dầu. Với 45% thị phần còn lại được chia cho 13 DN thì ai quyết định tiếng nói của thị trường là điều dễ dàng có thể nhìn thấy.
Mặc dù thường xuyên than lỗ, vậy mà trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm Petrolimex cho thấy, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 898,32 tỉ đồng. Trong đó, riêng kinh doanh xăng dầu lãi 388,22 tỉ đồng. Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, mức lợi nhuận như trên là không lớn, vì tính ra, trung bình mỗi lít xăng dầu, Petrolimex chỉ lãi 94 đồng/lít.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền, trong 6 tháng đầu năm, Petrolimex đã nhập 4,1 triệu tấn xăng dầu. Như vậy, chỉ với lợi nhuận 94 đồng/lít, Petrolimex đã thu về 388,22 tỉ đồng tiền lãi. Vậy, nếu tiếp tục để khoản lợi nhuận định mức (300 đồng/lít) như hiện nay, chắc chắn tiền thu về của DN còn lớn hơn nhiều.
Từ cách tính giá của ông lớn thì những DN ăn theo cũng được lợi. Thử nhìn con số lợi nhuận của hai DN xăng dầu đang niêm yết trên sàn cũng có thể thấy kết quả kinh doanh rất lạc quan. Cty CP nhiên liệu Sài Gòn (SFC) trong quý II có lợi nhuận gộp (chủ yếu từ xăng dầu) đạt 22,2 tỉ đồng, tăng tới 44% so với cùng kỳ. Cty CP Vật tư xăng dầu (COM) cũng có lợi nhuận gộp tăng tới 54% trong quý II, đạt 45,7 tỉ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu của SFC và COM lần lượt tăng 11% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu nhìn ở góc độ lợi nhuận của các DN xăng dầu mà soi lại những lần tăng giá xăng trong nửa đầu năm thì lại thấy một sự trái ngược đến vô lý. Riêng từ ngày 14/6 đến 17/7, giá bán lẻ các mặt hàng này đã tăng 3 lần, đẩy giá xăng vượt mức 24.500 đồng/lít. Không những thế, khi giá bán tăng thì trong báo cáo của Petrolimex là giá vốn hàng bán được ghi nhận thấp hơn cùng kỳ.
Dù giải thích cách nào đi nữa thì đang có một sự phi lý lớn giữa số lãi của DN và điệp khúc kêu lỗ để tăng giá xăng dầu. Trong mọi giải thích của mình, DN thường lờ đi con số lãi ngàn tỉ mà luôn tận dụng tối đa quy định để lấy mức giá cao nhất của bình quân 30 ngày để báo cáo lên cơ quan quản lý để tránh phải giảm giá và tiếp tục thu lợi.
Mới đây, mặc dù lãi lớn, chiết khấu cho đại lý cao, song nhiều DN xăng dầu vẫn đề nghị xin được nộp thuế từng phần bởi không có đủ tiền để nộp ngay, hoặc xin được nợ thuế, không bị phạt chậm nộp thuế.
Theo Cục Hải quan Cần Thơ, nhiều DN xăng dầu đang đề nghị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cần Thơ cho phép nộp thuế từng phần với lý do: số tiền thuế mà DN nộp cho các lô hàng nhập khẩu là rất lớn. Trong điều kiện nền kinh tế đang khó khăn, DN tập trung một lần nguồn lực tài chính để được thông quan toàn bộ lô hàng cũng sẽ gặp nhiều bất lợi. Cùng với đó, Petrolimex đã chính thức phản ánh tới Bộ Tài chính xin không bị phạt chậm nộp thuế và được nợ thuế hoặc được tạm kê khai, tạm nộp thuế cho lô hàng trước kỳ nghỉ Tết.
Petrolimex có thực sự muốn rút vốn?
Mặc dù lợi nhuận là vậy, thống lĩnh là vậy, tuy nhiên trả lời báo chí mới đây của ông Trần Ngọc Năm - Phó TGĐ Petrolimex lại tỏ thái độ mệt mỏi với chuyện kinh doanh xăng dầu. Khi được hỏi về mức lãi của Petrolimex ông Năm bày tỏ, “thực sự tôi không muốn nói về vấn đề này. Bởi như thế nào là lãi cao, lãi thấp? DN cũng chỉ làm theo quy định vì lợi nhuận định mức DN được hưởng là như thế. Tôi thấy rất thất vọng về cách một số tờ báo nhìn nhận vấn đề này. Còn nếu mọi người muốn xăng dầu không có lãi thì có thể kiến nghị với Chính phủ để nhà đầu tư họ thoái vốn chứ đừng để Petrolimex suốt ngày rơi vào tình trạng phải đi giải thích”.
Nếu đúng như bày tỏ của ông Năm cũng đồng nghĩa với việc, Petrolimex không còn thiết tha với kinh doanh xăng dầu. Nhiều người dân nghe tin này thấp thỏm không biết đây có phải là chuyện thật hay không? Nhiều người đã lại nhớ đến câu chuyện của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) năm nào. Vào những năm đầu của thế kỷ XXI, VNPT sừng sững chiếm một vị trí độc quyền về công nghệ viễn thông ở VN. Với hệ thống hạ tầng hùng hậu nguồn vốn dồi dào.
VNPT thời đó cũng đã hô phong, hoán vũ với khách hàng. VNPT coi khách hàng của mình chỉ là một số thuê bao và thích đòi tiền trước, đòi tiền sau thì tùy thích. Nếu không VNPT cũng dọa đóng cửa thuê bao. Lúc đó người tiêu dùng phải chiều theo VNPT. Họ đòi tiền trước trả trước, họ thích thu cước bao nhiêu thì người dân phải trả bấy nhiêu. Không có tiền nộp thì cắt dùng. Số phận người tiêu dùng chẳng khác nào người đi mua xăng bây giờ.
Vậy mà khi thế độc quyền viễn thông được xóa bỏ. Biết bao nhà mạng mới ra đời như Viettel, EVN, Sphone. Dù hai mạng EVN và Sphone đã bị loại khỏi thị trường nhưng thế độc quyền viễn thông cũng không còn. Sự ra đời của nhiều nhà mạng, đã khiến người tiêu dùng thực sự trở thành khách hàng với giá cước viễn thông đã giảm hơn trước, nhiều gói dịch vụ, nhiều ưu đãi và nhiều lựa chọn. Người tiêu dùng thoải mái sử dụng dịch vụ của mình.
Cùng với đó, người ta bắt đầu thấy sự đi xuống của người “thống trị” VNPT thay vào đó là sự phát triển vượt bậc của “đàn em sinh sau đẻ muộn” Viettel. Sáu tháng đầu năm 2013, doanh thu của Viettel đạt 72.638 tỉ đồng, trong khi đó doanh thu của VNPT chỉ đạt 54.255 tỉ đồng.
Trở lại thái độ không “mặn mà thống trị” của Petrolimex không biết có thật hay không? Nhưng người tiêu dùng bắt đầu mơ một giấc mơ như câu chuyện của VNPT năm nào. Phải chăng sứ mệnh lịch sử của Petrolimex đã làm tròn thì người tiêu dùng cần ghi nhận và cảm ơn họ. Một cơ chế công khai, minh bạch và cạnh tranh bình đẳng mới sẽ được ra đời đảm nhận trách nhiệm của người đi sau.
Vẫn cho doanh nghiệp đặc quyền
Theo quy định hiện hành, trong cơ cấu tính giá xăng dầu, DN được hưởng lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, về bản chất, nghị định mới không có gì thay đổi lớn so với hiện hành khi để biên độ định giá của DN là từ 0-5%. Theo ông Long, việc bỏ khoản lợi nhuận định mức hoặc giảm lợi nhuận định mức xuống là cần thiết, vì nếu để như hiện nay, vô tình Nhà nước đã giúp DN xăng dầu thu một khoản lợi nhuận quá lớn. Với định mức lợi nhuận 300 đồng/lít, rõ ràng khoản lợi nhuận thu về sẽ rất khủng. Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm riêng Petrolimex đã nhập về 4,1 triệu tấn xăng dầu.
Khi có định mức lợi nhuận đồng nghĩa với tâm lý ỷ lại vì kinh doanh kiểu gì cũng có thể có lãi. Bên cạnh đó, rất nhiều chuyên gia phản đối việc để cho DN tự định giá, bởi giá xăng dầu cho đến thời điểm này vẫn gây nghi ngờ, thiếu minh bạch cho người tiêu dùng. Các DN xăng dầu tính toán giá đều bị dư luận cho là mù mờ, nửa vời, không sát với diễn biến của thị trường mà chỉ chạy theo lợi ích của DN.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cách điều hành giá xăng dầu của liên bộ Tài chính - Công Thương đối với DN cũng chưa tạo niềm tin cho xã hội, vẫn theo kiểu lưỡng tính. Nếu tiếp tục để cho DN xăng dầu tự định giá sẽ là sai lầm lớn vì trái với quy luật quản lý giá (khi còn có DN chiếm vị trí thống lĩnh, độc quyền) trong kinh tế thị trường với một ngành như xăng dầu. Không thể ra một nghị định mà thuận lợi chỉ thuộc về DN và cơ quan nhà nước, còn thiệt hại (về giá) thì người dân phải chịu.
Thời gian gần đây, một số DN kinh doanh xăng dầu đã công bố mức lãi rất lớn trong năm. Cùng với đó, thông tin từ nhiều đại lý xăng dầu cũng cho thấy mức chiết khấu họ được hưởng là rất cao, từ 500 – 700 đồng/lít, thậm chí có chỗ lên đến 800 – 900 đồng/lít.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, hiện Nhà nước vẫn chưa đủ năng lực để kiểm soát nguyên tắc tính giá xăng dầu của DN. Do vậy, nếu Nhà nước tiếp tục để cho DN xăng dầu tự định giá dù biên độ hẹp cũng sẽ rất nguy hại. DN xăng dầu đang thống lĩnh thị trường họ sẽ làm mọi cách để tính giá có lợi cho DN và đưa lại lợi nhuận mà Nhà nước khó "cầm cương" được. |
Theo Bá Tú
DĐDN