Doanh nghiệp Việt thiệt hại thế nào khi Ấn Độ áp giá sàn đối với tiêu nhập khẩu
(Dân trí) - Chưa đưa ra con số cụ thể song Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam cho rằng nếu không có biện pháp đối phó và tháo gỡ, Việt Nam có nguy cơ “mất” thị trường xuất khẩu béo bở này.
Theo tin từ Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam, vừa qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ có thông báo số 42/2015-2020 về việc thay đổi chính sách nhập khẩu đối với hồ tiêu. Đồng thời, nước này áp đặt mức giá 500 rupee (khoảng 7,57 USD trên mỗi kg hồ tiêu vào Ấn Độ), trên cơ sở giá CIP. Quyết định này được đưa ra sau khi Hiệp hội Thương mại Tiêu và Gia vị Ấn Độ (IPSTA) gửi đơn kiến nghị lên chính phủ đề nghị nước này áp giá sàn nhập khẩu đối với mặt hàng tiêu đen của Việt Nam.
Theo IPSTA, người trồng tiêu và giới thương lái Ấn Độ đang rất lo ngại về khả năng tiêu đen Việt Nam khi nhập khẩu vào nước này có thể bị khai man hoặc không có hóa đơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng mà giá trong nước vẫn ở mức cao. Việc nhập khống và nhập lậu có thể ảnh hưởng rất lớn đến người trồng tiêu Ấn Độ vốn đang thất thu trong vụ mùa trước vì thời tiết bất lợi.
Trước thông báo từ phía Ấn Độ, lập tức Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã khẩn trương tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội. Theo Hiệp hội, Ấn Độ hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau Mỹ.
Trong những năm qua, nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam vào Ấn Độ không ngừng tăng nhanh và đã lên tới con số gần 14.700 tấn các loại vào tháng 11/2017, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc ẤN Độ áp dụng giá sàn để đánh thuế nhập khẩu với hồ tiêu sẽ gây thiệt hại lớn cho các nhà xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Hiệp hội cũng nhận định rằng, nếu chính sách mới của Ấn Độ không được bãi bỏ thì nguy cơ cao, Việt Nam sẽ mất hẳn thị trường Ấn Độ - thị trường lớn thứ 2 sau Mỹ. Do đó, Hiệp hội đề nghị các bộ ngành, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phối hợp với các bộ ngành khác xem xét tháo gỡ.
Giá hạt tiêu nội địa Ấn Độ đã tăng 75 Rs/kg trong 2 tuần qua lên 450 Rs/kg khi chính phủ Ấn Độ quyết định áp giá sàn nhập khẩu đối với hạt tiêu. Tuy nhiên, các nhà chế biến và xuất khẩu hạt tiêu Ấn Độ cho rằng động thái này sẽ có tác động xấu tới thương mại và dẫn đến các luồng thương mại hạt tiêu tiếp tục đổ qua ngả Sri Lanka. Các thương nhân lo ngại rằng nhập khẩu hạt tiêu sẽ tăng thông qua các luồng thương mại theo FTA, qua đó gây thiệt hại về giá trong thương mại quốc tế.
Tổ chức Hạt tiêu Quốc tế (IPC) có trụ sở tại Jakarta dự báo sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2018 đạt 445.150 tấn, so với sản lượng hạt tiêu năm 2017 đạt 460.499 tấn. Sản xuất hạt tiêu Ấn Độ năm 2018 được dự báo cải thiện nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, và IPC dự báo sản lượng hạt tiêu Ấn Độ năm 2018 sẽ đạt 64.000 tấn.
H.Anh