1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

“Doanh nghiệp Việt Nam quá tham lam trong xây dựng hình ảnh”

(Dân trí) - Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam quá tham lam trong việc chọn và xây dựng hình ảnh, chưa tạo ra điểm nhấn hay gây ấn tượng mạnh đối với khách hàng.

Đó là nhận định của ông Richard Moore, Giám đốc Công ty Richard Moore Associates, chuyên gia 40 năm trong lĩnh vực Marketing, quảng bá thương hiệu - người đã từng phát triển nhiều thương hiệu như AT&T, IBM, CitiBank, Sở giao dịch chứng khoán New York….

Ông Richard Moore cho rằng, để thành công, kế hoạch truyền thông phát triển dựa trên kế hoạch tiếp thị công ty và những người làm công tác sáng tạo đóng một vai trò hết sức quan trọng. Sau khi đã đi tìm hiểu thị trường, thị hiếu, văn hóa… của địa phương hoặc nước sở tại, nơi đặt địa điểm kinh doanh, bộ phận nghiên cứu thị trường sẽ phối kết hợp với người sáng tạo để lập ra một chiến lược marketing đúng và hiệu quả.

 “Đã có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới bỏ ra cả triệu USD mỗi năm để làm công việc marketing và truyền thông. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp đã quan tâm đến việc này, nhất là những doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam quá tham lam trong việc chọn và xây dựng hình ảnh nên chưa tạo ra điểm nhấn, cũng như gây ấn tượng mạnh đối với khách hàng”, ông Richard Moore chia sẻ.
“Doanh nghiệp Việt Nam quá tham lam trong xây dựng hình ảnh” - 1
Ông Richard Moore trong một buổi thuyết trình về xây dựng thương hiệu tại Việt Nam (ảnh: Internet).

Nhiều doanh nghiệp đang làm marketing chưa hiệu quả trong thời điểm thị trường bùng nổ thông tin, quảng cáo gây phản cảm tới chính khách hàng của mình.

Theo ông Richard Moore, doanh nghiệp nên xác định cho mình một nhóm “khách hàng mục tiêu”. Việc làm này đã có nhiều thương hiệu lớn trên thế giới thành công. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết còn “ôm đồm”, muốn phục vụ tất cả mọi đối tượng khách hàng. Điều này dẫn đến việc kém hiệu quả trong kinh doanh, vô hình làm thiệt hại tới lợi ích của chính mình.

Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ khách hàng của mình muốn gì ở sản phẩm, dịch vụ; phản ứng của họ như thế nào với công cụ truyền thông. Sau đó cần nhân cách hóa, cụ thể hóa nhóm khách hàng mục tiêu này thành một con người cụ thể để biết “con người” này cần gì ở doanh nghiệp.

“Chúng ta cần phải hy sinh những đối tượng khách hàng không cần thiết để tập trung phục vụ tốt nhóm khách hàng mục tiêu; nhấn mạnh đặc tính sản phẩm, chú ý tới cảm giác và lợi ích của khách hàng… Làm tốt những việc này không những đem lại hiệu quả doanh thu mà thương hiệu sản phẩm và hình ảnh doanh nghiệp sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thương trường”, ông nói.

Thanh Xuân - Lương Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm