Doanh nghiệp Việt Nam dần “tăng điểm” trong mắt người lao động

Người lao động đã “bớt đòi hỏi” về lương hay thưởng mà thay vào đó là cân bằng với một số tiêu chí bền vững và dài hạn khác. Họ cũng quan tâm nhiều hơn tới đào tạo phát triển và cơ hội thăng tiến trên nấc thang sự nghiệp. Những thay đổi này sẽ tạo áp lực cho các doanh nghiệp trong tuyển dụng và giữ chân lao động hay không tùy thuộc vào chiến lược nhân sự của mỗi doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2015, do Anphabe và Nielsen Việt Nam vừa công bố vào đầu tháng 3 vừa qua cho thấy sự dịch chuyển ngày càng rõ nét trong tiêu chí chọn nơi làm việc của người lao động. Cụ thể, kết quả năm 2013 đã ghi nhận đánh giá của người lao động về Lương, Thưởng, Phúc lợi là quan trọng nhưng chưa đủ.

Cơ hội phát triển trở nên quan trọng không kém khi tỷ lệ bình chọn xấp xỉ với tiêu chí về Lương, thưởng. Xét ở cấp độ nghề nghiệp, tiêu chí này càng được nhóm người mới đi làm đặc biệt quan tâm, thậm chí họ còn xem trọng Cơ Hội Phát Triển hơn cả Lương, Thưởng, Phúc lợi. Ngoài ra, Văn Hóa Giá Trị, Đội Ngũ Lãnh Đạo và Chất Lượng Công Việc /Cuộc Sống gộp lại cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong quyết định chọn Nơi làm việc của người đi làm. Năm 2015, trong số 12 mục tiêu nghề nghiệp điển hình do Anphabe đưa ra, thì có 5 mục tiêu được chọn nhiều nhất theo thứ tự ưu tiên là: Cân bằng công việc và cuộc sống, công việc ổn định và đảm bảo, thăng tiến trên nấc thang sự nghiệp, thu nhập tốt và tiết kiệm tương lai, được đào tạo và tạo nền tảng phát triển.

Những sự thay đổi này có thể sẽ tạo áp lực lên các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam khi các chương trình về phát triển nhân lực, lộ trình phát triển cá nhân, xây dựng văn hóa doanh nghiệp chưa được đầu tư thích đáng. “Các doanh nghiệp sẽ ngày càng khó đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người đi làm”, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường Công ty Nielsen Việt Nam nhận xét và chia sẻ thêm, năm nay, với việc có 22.688 đáp viên là người đi làm có kinh nghiệm ở hàng trăm công ty đầu ngành tham gia khảo sát đã giúp Niesel và Anphabe đo lường được một cách chuẩn xác các xu hướng mới để hỗ trợ tốt cho chiến lược nhân tài ở các doanh nghiệp.

Trên thực tế, xu hướng này đã bắt đầu từ 3 năm nay. Và điều đó cũng có nghĩa là doanh nghiệp nào kịp thời bắt nhịp với xu hướng mới và đáp ứng với kỳ vọng của người lao động, họ sẽ có tên trong danh sách những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong năm 2015.


(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Ngoài những tên tuổi lớn nước ngoài đã nhiều năm dẫn đầu như Unilever, Prudential, Abbott..., điểm đáng mừng là trong mắt người đi làm, vị thế của các DN nội lớn đang ngày càng tăng lên, thể hiện qua thứ hạng của họ được cải thiện đáng kể so với năm trước. Năm 2014, Viettel từ vị trí 25 năm trước lên 14, Techcombank từ 74 lên 24,...Số lượng DN Việt nam nằm trong danh sách này cũng tăng lên, từ 17 DN năm 2014 lên 22 DN trong năm 2015, với nhiều tên tuổi của DN lớn trong nước như Vinamilk, Techcombank, FPT, Novaland, Hòa Bình Corp, Viettel... Điều này đã ghi nhận nỗ lực được ghi nhận của các doanh nghiệp cỡ lớn của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường làm việc, nhằm tăng cường sự hài lòng của nhân viên và tăng sức hấp dẫn của thương hiệu nhà tuyển dụng.

Theo bà Phạm Vũ Minh Đan, Giám đốc Khối Quản trị Nguồn nhân lực của Techcombank - ngân hàng 3 năm liên tiếp vào top 100 nơi làm việc tốt nhất tại Việt Nam và top 3 nhóm ngành tài chính ngân hàng - một đội ngũ nhân sự tốt sẽ quyết định sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp, và điều này đặc biệt quan trọng với lĩnh vực dịch vụ như ngành ngân hàng. Vì vậy, đầu tư phát triển nguồn nhân lực luôn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Techcombank.

Cũng theo bà Đan, năm 2015 vừa qua đã được Techcombank lựa chọn là Năm phát triển nhân lực. Theo đó, Ngân hàng đẩy mạnh toàn diện các hoạt động phát triển nguồn nhân lực như: tăng quỹ lương và phúc lợi lên đáng kể dựa trên những tiêu chí phát triển nhân lực, tiếp tục dự án JOBCAT nhằm phân loại và phát triển lộ trình nghề nghiệp cho cán bộ công nhân viên, chương trình WeGrow tôn vinh lãnh đạo xuất sắc trong phát triển đội ngũ nhân viên… Trong đó, JOBCAT là dự án rất lớn và nhiều tham vọng, được Techcombank thực hiện từ cuối năm 2014. Thực hiện dự án này, sau khi đánh giá lại hơn 7.000 vị trí công việc trong toàn bộ Ngân hàng thông qua việc tổ chức kiểm tra năng lực nhân viên từng vị trí, Techcombank sẽ lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng riêng biệt cho từng vị trí công việc với những tiêu chí và những nhóm kỹ năng riêng với từng thời hạn cụ thể, gồm 3 tháng, 6 tháng, hay một năm.

Chiến lược đầu tư phát triển nhân sự của Techcombank đã chứng tỏ đi đúng hướng, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người lao động, đưa Techcombank trở thành thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn trong top 3 nhóm ngành tài chính ngân hàng theo xếp hạng của Nielsen. Đây cũng là một gợi ý cho các DN Việt Nam trong cuộc đua thu hút lao động có chất lượng trên thị trường.

Theo ý kiến của một chuyên gia nhân sự: “Trong thời gian tới, mong muốn của người lao động về nơi làm việc sẽ không chỉ dừng ở nhu cầu cơ bản ổn định cuộc sống mà sẽ ngày càng coi trọng hơn cơ hội phát triển cho tương lai”. Một chính sách nhân sự xem xét toàn diện các kỳ vọng của người lao động là cần thiết cho sự phát triển ổn định của doanh nghiệp trong hiện tại và cả tương lai.

PV