Ngồi nhậu nhẹt thì được, bàn công chuyện thì anh nào biết anh nấy!
(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn không có sự liên kết với nhau. Bản thân các hiệp hội, đoàn thể cũng không có hoạt động gì đáng kể để gắn kết các doanh nghiệp lại với nhau.
Làm giàu bằng mọi giá
Lâu nay, thiếu đoàn kết, nương tựa lẫn nhau cùng tiến trong cạnh tranh với các đối thủ ngoài vẫn được coi là nhược điểm cố hữu có cộng đồng doanh nghiệp Việt. Thậm chí còn có nhận xét khá “nặng nề” khi cho rằng: "Cái dở tệ của người Việt Nam là thiếu đoàn kết trong hùn hạp làm ăn, lúc nào cũng muốn mình có cái gì, không nghĩ đến người khác cần cái gì, muốn cái gì”.
Dưới góc độ một chủ doanh nghiệp, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Tổng giám đốc công ty Trung Nguyên từng cho rằng, các doanh nghiệp Việt thường cạnh tranh nhau ngay trên sân nhà mà không nghĩ rằng chính sự cạnh tranh đó làm mất khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
“Cạnh tranh như vậy sẽ được gì? Tại sao chúng ta không cùng nhau xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia, với các doanh nghiệp trên thế giới? Để khi chiếm lĩnh được thị trường thế giới rồi, đó mới là chiến thắng?”, ông Vũ đặt câu hỏi.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, nhiều chuyên gia kinh tế - xã hội đều cho rằng, đây là vấn đề mà mỗi người Việt đều biết rất rõ nhưng không thể hoặc rất khó sửa. Tâm lý này sinh ra từ tính ích kỷ cá nhân, từ cuộc sống khó khăn nên ai cũng muốn làm giàu bằng mọi giá và muốn giữ “bí quyết” cho riêng mình. Trong cộng đồng doanh nghiệp cũng “luẩn quẩn” với cái “ao làng”, tồn tại nhờ mối quan hệ, hoàn toàn không có sự gắn kết, liên kết với nhau để tăng sức cạnh tranh...
Phát biểu tại một hội thảo diễn ra mới đây, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị TP. Hà Nội cho rằng, trong điều kiện kinh tế Việt Nam mới, một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp so với các nước trên thế giới, do vậy cả sản xuất và phân phối nói chung và siêu thị nói riêng còn nhiều việc phải làm.
Tuy nhiên, sản xuất, nhất là sản xuất nông sản thực phẩm của Việt Nam còn hết sức lạc hậu và manh mún. Một tình hình đáng báo động, sự gắn kết thành chuỗi giữa sản xuất và tiêu thụ lỏng lẻo, gắn kết chưa được hiệu quả, rời rạc. Điển hình nhất là nông sản thực phẩm, dẫn đến hậu quả người nông dân khi trồng, khi chặt, nay nuôi con này, mai nuôi con khác.
"Sản xuất hàng hóa tiêu dùng ở Việt Nam cũng vậy. Công tác kế hoạch liên ngành giữa sản xuất và tiêu thụ chưa làm tốt do thị trường có lúc sụt giảm về sức mua, cũng như sản xuất ít quan tâm đến kế hoạch hóa tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến tồn kho ứ đọng xảy ra thường xuyên”, ông Phú nói thêm.
Vì sao mạnh ai người đó... sống?
Trên thực tế, sự thiếu gắn kết trong cộng đồng doanh nghiệp thật sự sẽ trở thành một mối nguy lớn khi Việt Nam mở cửa, đón một làn sóng hội nhập lớn. Một doanh nhân từng có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Pháp cũng cho rằng, cần phải có một bộ phận luật để hỗ trợ các doanh nghiệp khi các doanh nghiệp còn rất nhỏ, vụn vặt và manh mún.
“Chúng ta không bao giờ có thể trở thành một cường quốc được nếu không đoàn kết lại. Các doanh nghiệp nước ngoài họ không giống Việt Nam đâu. Chúng ta cần phải có được các tập đoàn mạnh, vài công ty ngồi lại với nhau xây dựng thành một tập đoàn mạnh để đương đầu với nước ngoài và không cạnh tranh lẫn nhau thì mới mong thắng được”, vị doanh nhân này nói.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhìn nhận, rõ ràng là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn không có sự liên kết với nhau. Bản thân các hiệp hội, đoàn thể cũng không có hoạt động gì đáng kể để gắn kết các doanh nghiệp lại với nhau.
"Các doanh nghiệp tìm cách để sống sót, mạnh người nào người đó sống thôi chứ có cơ chế nào để gắn kết với nhau đâu. Ngay cả việc chia sẻ thông tin với nhau cũng không có. Nhiều tổ chức thành lập lên trung tâm này trung tâm nọ nhưng có ai đến đâu, mà đến nhưng cũng không tìm được thông tin gì hữu ích”, ông Thành nói.
Theo vị chuyên gia này: “Trước xu thế hội nhập, nếu mình là một bó đũa, rút từng cây một bẻ sẽ gẫy nhưng để bó đũa 100 cây gộp lại thì không gẫy được. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự trao đổi thông tin để biết cần gì thiếu gì mà hỗ trợ cho nhau. Còn nếu không có hợp tác thì tự dưng mình yếu thôi, đối thủ cạnh tranh sẽ tiêu diệt mình, còn người muốn tìm đối tác hợp tác thì chả biết đâu mà tìm”.
Trả lời câu hỏi vì sao người Việt, doanh nghiệp Việt không thể bắt tay, ông Thành cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp Việt không đoàn kết, ích kỉ, không chia sẻ với nhau, ngồi nhậu nhẹt thì được nhưng bàn công chuyện thì anh nào biết anh đấy. Nếu các doanh nghiệp không thay đổi tầm nhìn, không gắn kết với nhau thì không thể đấu lại bên ngoài được, sức cạnh tranh không thể lớn được”, ông Thành nói thêm.
Phương Dung