Doanh nghiệp Việt "cô đơn" trong hội nhập
(Dân trí) - Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, điểm nghẽn của nền kinh tế Việt Nam hiện tại chính là sự yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Theo đó, lực lượng này vẫn “cô đơn”, không kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu trong khi Việt Nam ngày một hội nhập mạnh mẽ.
Theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua song nền kinh tế Việt Nam vẫn còn một “điểm nghẽn” là sự yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
“Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ, thế nhưng khu vực tư nhân trong nước vẫn cô đơn, không kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu” – ông Lộc nhận xét.
Theo ông Lộc, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chủ yếu dựa vào lực lượng lao động giá rẻ, tay nghề thấp. Và “đây có lẽ là hồi chuông cảnh báo lớn nhất” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch VCCI cho rằng, doanh nghiệp Việt đang yếu kém cả về công nghệ lẫn quản trị nguồn nhân lực. Công nghệ thì có thể mua còn vấn đề nhân lực thì phụ thuộc vào bản thân mỗi doanh nghiệp.
Theo ông, hội nhập tức là có chuẩn mực về thể chế và luật chơi, và người chơi cũng phải đạt được chuẩn mực đó. Do đó, điều quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm ở thời điểm hiện tại khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu là phải nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực.
Điều này liên quan đến việc đưa giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế, yếu tố này quyết định Việt Nam có tham gia được cuộc chơi toàn cầu hay không. Giải quyết được vấn đề này mới đi “gốc rễ”. Do vậy, không thể trông chờ vào Chính phủ mà tư nhân phải là nguồn lực đầu tư trong công tác dạy nghề.
Trao đổi về vấn đề này, bà Virginia Foote - Đồng Chủ tịch Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam nhận định, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam gia nhập tồn tại song song bên cạnh những quy tắc của WTO. Bên cạnh việc mang lại cơ hội thì hội nhập cũng tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, để tận dụng được cơ hội từ các biểu thuế thì các doanh nghiệp Việt phải nâng mình lên tầm cao hơn.
Bà Foote cũng cho biết, trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp nhiều vấn đề bất cập. Chẳng hạn như chuẩn mực hệ thống kế toán ở Việt Nam chưa tương thích với hệ thông chuẩn mực của quốc tế mới.
Và với mức độ tương thích mới chỉ khoảng 70-80%, nếu một doanh nghiệp Việt Nam muốn giao thương với một đối tác nước ngoài thì sẽ có hai hệ thống sổ sách kế toán khác nhau, một để phù hợp với chuẩn mực trong nước và hệ thống thứ hai nhằm phù hợp với đối tác nước ngoài.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức sáng 1/12 với hơn 600 đại biểu tham dự, bao gồm cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng đại diện bộ ngành, Chính phủ dự kiến sẽ đối thoại và thảo luận về việc tháo gỡ những vướng mắc đối với doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập hiện tại.
Các vấn đề được đưa ra khá rộng, từ đầu tư, tài chính, thuế, hải quan đến lao động, tiền lương, giáo dục…
Bích Diệp