1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp Việt “chậm lớn”, yếu về mọi thứ!

(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận doanh nghiệp Việt Nam hiện yếu về mọi thứ, từ vốn, năng lực cạnh tranh, thị trường... Phá sản doanh nghiệp dẫn đến thế lực nước ngoài thâu tóm và thâu tóm giá rẻ.

Chiều nay (8/6), Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội. Đa số các đại biểu đều nêu lên khó khăn của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 “càn quét” và dự báo về một kịch bản tăng trưởng mới.

Lo doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: Dự báo tình hình quốc tế rất khó khăn. Ở Việt Nam, Chính phủ đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng chưa từng có tiền lệ với mong muốn vực dậy nền kinh tế, với mức tăng trưởng lần lượt dự báo cho từng kịch bản là từ 3,4 - 4,4% và từ 4,5-5,2%. Đạt được mức tăng trưởng nào tùy thuộc vào thời điểm thế giới kết thúc dịch.

“Cân nhắc mọi mặt Chính phủ thận trọng quyết định chọn mức 4,5% để báo cáo Quốc hội và Bộ chính trị. Đó cũng là mức rất là cao” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Doanh nghiệp Việt “chậm lớn”, yếu về mọi thứ! - 1
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng phải tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư và cần một chiến lược, quyết sách để thu hút đầu tư có chọn lọc nhằm mang lại hiệu quả thực sự.

“Muốn làm được thì trước hết phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp trong nước hiện nay yếu về năng lực cạnh tranh, mọi thứ, vốn, mặt bằng, thị trường… Doanh nghiệp Việt không lớn lên được thì doanh nghiệp nước ngoài tận dụng hết. Doanh nghiệp Việt mạnh lên thì chống được khả năng thâu tóm giá rẻ của nước ngoài. Phá sản doanh nghiệp dẫn đến thế lực nước ngoài thâu tóm và lại thâu tóm giá rẻ. Đây là vấn đề Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất lo ngại” - ông Dũng thông tin.

Chuỗi cung ứng bị “đứt, gãy”

Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM) cho biết, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, đầu tư có tăng 2,2%, xuất khẩu tăng trên 4%, nhưng chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm so với cùng kỳ do đại dịch Covid-19 trong đó có ngành du lịch, kho bãi, lưu trú… Tổng cầu tăng nên chỉ tiêu GDP của nước ta tăng hơn 3,8%.

Theo vị đại biểu này, Việt Nam đang cơ cấu nền kinh tế nên cần phải có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy hoạch lại các ngành hay khu công nghiệp công nghệ cao; miễn giảm thuế giãn dư nợ tín dụng đã làm thời gian qua nhưng cần đánh giá kỹ để các chính sách này thực thi và có hiệu quả, đặc biệt là sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Chuỗi cung ứng các nước bị đứt gãy, Việt Nam loay hoay tìm nguồn nguyên liệu để sản xuất hàng hóa rất khó khăn, 1-2 tháng gần đây không còn đủ nguyên liệu để phục vụ quá trình sản xuất 1 số mặt hàng. Do đó, nguồn cung để sản xuất hàng hóa còn thiếu và yếu” - ông Tuấn nêu khó khăn.

Doanh nghiệp Việt “chậm lớn”, yếu về mọi thứ! - 2
Dự báo quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam (ảnh: Nguyễn Mạnh)

Đại biểu đoàn TPHCM cũng cho rằng việc cung ứng các nguyên liệu được liên tục không chỉ với hàng y tế, chuỗi sản xuất nông nghiệp khá yếu từ khâu sản xuất vận chuyển bảo quá gắn kết với thị trường… đang bị cạnh tranh nên cần phải có hệ sinh thái hỗ trợ chuỗi cung ứng này đối với các nguồn nguyên liệu hàng hóa phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu thị hàng tiêu dùng.

Tại sao lại chậm thế?

Đại biểu Nguyễn Văn Chương (đoàn TPHCM) đánh giá, trong đại dịch Việt Nam đã thể hiện được sức chịu đựng của nền kinh tế tự chủ. Tuy nhiên, ông bày tỏ băn khoăn giải ngân vốn đầu tư vì việc này kích thích nền kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

“Đầu tư công thì phải có tiền và tiền chảy tới đâu cơ thể sống tới đó, tay bị đau yếu mà dòng máu không chảy tới thì làm sao có thể hoạt động. Đâu đó còn bóng dáng cơ chế xin cho tác động rất nặng nề dù Thủ tướng đã có gỡ nhưng vẫn chưa phá được việc này thì đất nước mới đi lên” - đại biểu Nguyễn Văn Chương cho biết.

Đại biểu đoàn TPHCM cũng đưa ra dẫn chứng về tình hình giải ngân của 3 Bộ và 6 địa phương mới được cao nhất khoảng 40%, còn nhiều Bộ, ngành và địa phương mới chỉ giải ngân được khoảng 15%. Đây là mức quá thấp. Do đó, các Bộ, ban, ngành phải quán triệt thúc đẩy đầu tư công trong đó nhấn mạnh đến vai trò của con người.

Cũng đề cập tới giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) cho hay: Hạn chế lớn mà hiện nay đang trở thành thách thức là giải ngân vốn đầu tư công. Một câu hỏi lớn đặt ra là: Tại sao lại chậm thế? Quý I được hơn 20% rất thấp. Có ý kiến nói rằng do hồ sơ, thủ tục, đại hội, rụt rè, chậm trễ… đó có phải là nguyên nhân không?

Doanh nghiệp Việt “chậm lớn”, yếu về mọi thứ! - 3
Việc giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra quá chậm

“Báo cáo của Chính phủ nói rõ để giải ngân cho hết, hiệu quả giải ngân đầu tư công năm nay là thách thức lớn, không hề đơn giản. Nói về kinh tế, nếu xử lý được đầu tư công là đã bù đắp được động lực cho tăng trưởng. Đây là vấn đề hạn chế” - đại biểu Hoàng Bình Quân nói.

Theo vị đại biểu này, hậu Covid-19 chắc chắn sẽ là một “bức tranh” khác. Khủng hoảng kinh tế thấy rõ rồi, nhưng nếu không thận trọng cuối năm 2020 sẽ là khủng hoảng nghiêm trọng còn lớn hơn khủng hoảng kinh tế 2008.

Covid-19 sẽ làm thay đổi về toàn cầu hóa, không đến nỗi đóng cái đinh cuối cùng vào toàn cầu hóa nhưng sẽ thay đổi có khi chỉ còn là trạng thái thôi. Các nước còn tranh nhau mua thiết bị y tế vì chủ nghĩa dân tộc lên ngôi. Chuỗi cung ứng thay đổi, ngắn hơn và trong bối cảnh đó chúng ta đi qua bão như thế  nào, ứng phó thế nào?

Châu Như Quỳnh