Phê chuẩn Tờ trình 2 Hiệp định FTA của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

(Dân trí) - Phiên họp sáng 8/6, Quốc hội đã phê chuẩn Tờ trình của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, bấm nút thông qua Hiệp định thương mại tự do EVFTA và EVIPA-hai hiệp định có giá trị lớn nhất từ trước tới nay.

Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - đã có báo cáo về việc phê chuẩn, dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).

Đối với Hiệp định EVFTA, kết qủa biểu quyết cho thấy: Với 457 đại biểu Quốc hội tham gia bấm nút thì 94,62% đại biểu tán thành.

Với Hiệp định EVIPA, có 462 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, trong đó có 461 đại biểu tán thành thông qua Hiệp định đạt tỷ lệ 95,45%; có 1 đại biểu không biểu quốc chiếm tỷ lệ 0,21%.

Phê chuẩn Tờ trình 2 Hiệp định FTA của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - 1
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Hiệp định thương mại tự do EVFTA và EVIPA (ảnh minh họa: Việt Hưng)

Với những kết quả nói trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tuyên bố Quốc hội chính thức thông qua Tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVPIA theo đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với Nghị quyết riêng, chính thức thông qua Hai hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Theo Nghị quyết riêng của các Hiệp định thương mại tự do nói trên, Quốc hội quyết định phê chuẩn điều ước quốc tế, áp dụng điều ước quốc tế với toàn bộ nội dung của Hiệp định EVFTA và EVIPA.

Về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện có hiệu quả và theo đúng lộ trình các cam kết của Hiệp định.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hiệp định; phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định; chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế mà Hiệp định đem lại; xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định. 

Tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả và hiệu quả thực thi các cam kết đã ký trong Hiệp định, định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định.

Phê chuẩn Tờ trình 2 Hiệp định FTA của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - 2
Kết quả đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Hiệp định EVIPA

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định và thông báo thời điểm Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam.

Về giám sát thực hiện Nghị quyết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Châu Như Quỳnh