1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp vật vã lo thiếu lao động khi tái khởi động

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Ngoài chịu áp lực khi doanh thu và dòng tiền bị gián đoạn, giá cả đầu vào leo thang, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc duy trì nhân công, lực lượng lao động trong và sau dịch.

Thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt

Trong báo cáo vừa phát hành, chuyên gia HSBC chỉ rõ 3 thách thức lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong việc xây dựng kịch bản hoạt động và hoạch định chiến lược kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp.

Theo đó, ngoài chịu áp lực khi doanh thu và dòng tiền bị gián đoạn, giá cả đầu vào leo thang, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc duy trì nhân công, lực lượng lao động trong và sau dịch.

Doanh nghiệp vật vã lo thiếu lao động khi tái khởi động - 1

Đại diện 14 hiệp hội kiến nghị Chính phủ quán triệt các địa phương ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động, sau tuyến đầu chống dịch, người già và người có bệnh nền, ưu tiên tiêm cho các doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ (Ảnh minh họa).

"Người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề trong suốt thời gian dịch bệnh và sẽ gặp nhiều khó khăn khi quay trở lại làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát", ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho hay.

Ông Khoa nhấn mạnh, tương tự như vấn đề mà nhiều quốc gia khác đã gặp phải, doanh nghiệp Việt cũng sẽ đứng trước nhiều thách thức trong việc thu hút cũng như duy trì các nguồn lợi cho người lao động.

"Nếu các vấn đề này không được giải quyết, năng lực sản xuất khó có thể quay trở lại giai đoạn trước dịch", ông Khoa nói.

Thực tế, phục hồi sản xuất trở lại sau dịch Covid-19 ra sao luôn là bài toán "đau đầu" nhất của doanh nghiệp thời điểm hiện nay, đặc biệt với những lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày.

Có những doanh nghiệp lên tới hàng trăm nghìn lao động, việc huy động trở lại sau dịch thực tế không đơn giản. Đây cũng là vấn đề từng diễn ra ở những điểm "nóng" vùng dịch như Bắc Giang, Vĩnh Phúc... trước đây.

Chia sẻ với Dân trí thời điểm tái khởi động sau đợt cao điểm bùng dịch hồi tháng 6 năm nay, đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang từng cho biết tổng số người lao động thực tế đến doanh nghiệp chỉ đạt một nửa so với tổng số được phê duyệt.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, một số ít người lao động vẫn còn tâm lý e dè khi quay trở lại làm việc, một số thì về quê chưa lên kịp do bận việc cá nhân, một số ngoại tỉnh không quay trở lại được, số khác không liên hệ được thời điểm hiện nay...

"Duy trì đơn hàng đã khó, nay để có đủ nhân sự để khôi phục sản xuất cũng là vấn đề rất nan giải", lãnh đạo một doanh nghiệp khu vực phía Nam chia sẻ.

Ông Lê Quốc Việt - Chủ tịch Vieclamnhamay.vn - một đơn vị chuyên tuyển dụng cho biết, đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ để lại nhiều hệ lụy. Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh, số người chết hay người mất việc, mất thu nhập thì một tác động rất lớn và tệ hại khác là làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng. Do ảnh hưởng của dịch, lực lượng lao động đang bị phân tán tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phụ cận.

"Ngay lúc này, nếu không có giải pháp sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến việc khôi phục sản xuất, tác động xấu đến GDP cũng như sức cạnh tranh, sức hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Chúng tôi đã khởi động chiến dịch 3 sẵn sàng để giúp công nhân, lao động phổ thông đăng ký lực lượng lao động, sẵn sàng phục hồi sản xuất sau dịch", ông Việt cho hay.

Gỡ khó cách gì?

Trước sự khó khăn chồng chất do dịch bệnh, đại diện 14 hiệp hội doanh nghiệp đã gửi thư kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất chiến lược "Phòng chống dịch theo điểm" phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.

Đại diện 14 hiệp hội doanh nghiệp cho biết, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của TPHCM tháng 8 năm nay giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%.

"Khoảng 18% doanh nghiệp EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản", đại diện 14 hiệp hội doanh nghiệp cho hay.

Trong các kiến nghị được đưa ra, đại diện 14 hiệp hội doanh nghiệp nhấn mạnh đến việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến nguồn lao động cho doanh nghiệp. Cụ thể các đơn vị này kiến nghị Chính phủ quán triệt các địa phương ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động, sau tuyến đầu chống dịch, người già và người có bệnh nền, ưu tiên tiêm cho các doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ.

Đại diện các hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ thống nhất và quán triệt các địa phương việc tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh để thuận lợi việc đi lại của người lao động trong chuỗi sản xuất, cung ứng (nhất là các địa phương có sản xuất nông - thủy sản), áp dụng việc test Covid-19 âm tính thay vì cách ly 14 ngày.

"Người lao động đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc người đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng (có chứng nhận của bệnh viện, hoặc xét nghiệm có kháng thể chống virus SAR-COV 2 trong máu và virus âm tính, những người này sau 6 tháng cần tiêm vắc xin) được cấp mã QR Code xanh để được làm việc và đi lại ở tất cả các vùng. Nếu từ vùng có nguy cơ cao hơn đến vùng có nguy cơ thấp hơn cần xét nghiệm âm tính", đại diện các hiệp hội đề xuất.

Đồng thời các hiệp hội này cũng mong việc sẽ đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp phép cho chuyên gia và nhà quản lý nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Công nhận hộ chiếu vắc xin cho các chuyên gia, nhà quản lý nước ngoài vào Việt Nam để làm việc.