1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bầu Hiển:

Doanh nghiệp vẫn “xếp hàng” để đầu tư vào Ga Hà Nội

(Dân trí) - Chủ tịch T&T cho biết, đến nay doanh nghiệp này mới chỉ đang trình hồ sơ lên Bộ Giao thông Vận tải để xin đầu tư vào ga Hà Nội, còn quy hoạch như thế nào, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ ra sao vẫn chưa có thông tin cụ thể.

Bầu Hiển cho rằng ngành đường sắt hiện tại đang gặp hạn chế cả về hạ tầng và dịch vụ
Bầu Hiển cho rằng ngành đường sắt hiện tại đang gặp hạn chế cả về hạ tầng và dịch vụ

Thưa ông, được biết T&T mới đây có kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc đầu tư vào Ga Hà Nội. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về vấn đề này?

T&T cũng như các doanh nghiệp nói chung mới chỉ đăng ký thôi chứ chưa có gì cụ thể. Ai quan tâm đến chương trình xã hội hóa của Bộ thì làm công văn để đăng ký. Tôi không rõ số lượng bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào ga Hà Nội ở thời điểm này, nhưng tôi tin là có nhiều vì đây là một chủ trương công khai.

Chính phủ và Bộ GTVT đang kêu gọi xã hội hóa trong việc quy hoạch, cải tạo, nâng cấp dự án này, còn quy hoạch như thế nào, cải tạo nâng cấp ra sao thì phải chờ quyết định của Bộ GTVT. Thế nên, về bản thân mình, tôi cũng không biết là liệu có được mua hay không nữa! (cười).

Từ góc độ nhà đầu tư, ông có đánh giá như thế nào về triển vọng của ngành đường sắt nói chung và của Ga Hà Nội nói riêng?

Đường sắt là một lĩnh vực rất quan trọng trong giao thông đi lại của người dân cũng như vận tải hàng hóa. Việc phát triển đường sắt sẽ giảm tải đáng kể áp lực cho giao thông đường bộ. Cho nên giá trị và vai trò của đường sắt vẫn là quan trọng. Thế nhưng để lĩnh vực này tốt lên thì cần phải có những quy hoạch lại và đầu tư nâng cấp lại hệ thống đường sắt và các nhà ga. Vấn đề này cần phải có một chủ trương về mặt chiến lược lâu dài.

Theo ông, bất cập của ngành đường sắt hiện nay là hạ tầng hay dịch vụ?

Cả hai. Ngành đường sắt hiện tại đang gặp hạn chế cả về hạ tầng và dịch vụ nên cần phải quy hoạch lại và nâng cấp cả hai khâu này

Vậy T&T muốn tham gia vào hạ tầng hay dịch vụ?

Đã làm thì phải làm cả hai chứ! Song hiện tại Bộ GTVT vẫn chưa có một quyết định cụ thể nào liên quan tới vấn đề này.

Trước đó T&T cũng đã có đề xuất đầu tư vào sân bay, cảng biển. Có vẻ như lĩnh vực hạ tầng giao thông rất có sức hút đối với ông?

Sân bay là cửa ngõ giao lưu và thông thương quốc tế cả về đi lại, du lịch, dịch vụ, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước. Sắp tới đây, Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng hơn, nhu cầu đi lại sẽ phát triển mạnh, do vậy cần sự nâng cấp hạ tầng cũng như dịch vụ cho các sân bay.

Nhìn chung, hạ tầng giao thông là một lĩnh vực rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Hạ tầng đi đến đâu thì nơi đó phát triển.

Liên quan đến Cảng Hàng không Phú Quốc, được biết mới đây một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đã “nhảy” vào đề nghị được đầu tư. Với sự tham gia của ngày càng nhiều ứng viên như vậy liệu có làm khó cho T&T không thưa ông?

Cổ phần hóa là chủ trương lớn của Chính phủ nên việc có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia thì tôi rất hoan nghênh. Một dự án mà thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm đến, đó cũng là một điều tốt!

Còn về việc T&T đã được Bộ GTVT lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược cổ phần hóa Bệnh viện GTVT? Ông có thể chia sẻ thêm về thông tin này?

Đúng là như vậy. Hiện T&T đã được lựa chọn làm nhà đầu tư chiến lược của Bệnh viện Giao thông Vận tải khi bệnh viện này thực hiện cổ phần hóa.

Một doanh nghiệp nói chung khi đã quyết định đầu tư vào một dự án thì chắc chắn đã phải đánh giá được tiềm năng và triển vọng của dự án đó. Và chúng tôi cho rằng tiềm năng và triển vọng ở Bệnh viện GTVT là rất tốt.

Tuy nhiên, riêng với bệnh viện thì khi đầu tư vào đây, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải quan tâm đến yếu tố cống hiến nhiều hơn chứ không phải là đặt lợi nhuận lên trên hết. Lợi nhuận chỉ xếp sau, thứ yếu thôi! Nhìn chung đã đầu tư vào giáo dục và y tế thì phải tính như vậy. Phải nghĩ rằng mình sẽ mang lại được dịch vụ tốt hơn, cải thiện hơn về chất lượng rồi mới tính đến lợi nhuận, vì đây đều là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến yếu tố con người. 

Với hàng loạt các đề xuất trên liệu rằng có “quá sức” với T&T hay không?

Tôi cho rằng không có doanh nghiệp nào có thể đủ lực để làm tất cả. T&T là một đầu mối có tỉ lệ vốn nhất định để đảm bảo tính khả thi cho dự án. Thông qua T&T, nguồn lực sẽ được huy động từ xã hội chứ không phải chỉ có riêng nguồn lực của T&T hay của một doanh nghiệp nào. 

Doanh nghiệp đủ năng lực ở đây có nghĩa là doanh nghiệp đó có khả năng đứng ra chủ trì triển khai dự án được thành công.

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)