Doanh nghiệp vận tải "kêu trời" về phí bảo trì đường bộ

(Dân trí) - Mặc dù thời gian thi hành thu phí Quỹ bảo trì đường bộ đã được Chính phủ cho lùi lại 6 tháng nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn lo ngại loại phí này sẽ khiến các doanh nghiệp thêm khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Doanh nghiệp vận tải kêu trời về phí bảo trì đường bộ
Các doanh nghiệp vận tải không phản đối việc thu phí đường bộ nhưng yêu cầu xem xét lại mức phí, thời điểm thu phí cho phù hợp với tình hình kinh tế và công bằng đối với mọi đối tượng

Theo đề nghị của Bộ Tài chính, Quỹ bảo trì đường bộ sẽ được thu từ ngày 1/6/2012. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu liên bộ Tài chính và Giao thông Vận tải nghiên cứu, hoàn chỉnh lại phương án thu phí, lùi thời gian bắt đầu thu phí lại 6 tháng, tức là bắt đầu từ ngày 1/1/2013.

Tuy vậy, tại hội thảo “Phí giao thông đường bộ - thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp” vừa diễn ra tại TPHCM ngày 9/5, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, kho vận đều lo lắng thời hạn đã được lùi này vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp khi kinh tế vẫn còn đang rất khó khăn, phương án thu phí cũng chưa được hợp lý, hợp tình và minh bạch.

Theo các doanh nghiệp vận tải thì từ đầu năm 2012 đến nay giá xăng dầu đã tăng 2 lần nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa dám tăng giá, phải giảm mọi chi phí có thể để giữ giá ổn định vì trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, việc tăng giá vận tải là rất khó. Nó ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của khách hàng. Trong tình hình này mà doanh nghiệp vận tải phải chịu thêm Quỹ bảo trì đường bộ thì sẽ quá sức chịu đựng.

Ông Lê Thành Thao, Công ty vận tải Quang Châu bày tỏ sự bất bình vì nếu thu thêm phí Quỹ bảo trì đường bộ thì hóa ra doanh nghiệp phải đóng phí nhiều lần khi đi trên 1 tuyến đường. Bởi đi qua bất cứ đoạn đường mới nào doanh nghiệp cũng đều phải đóng phí tại các trạm thu phí đường bộ với mật độ dày đặc. Chỉ trên đoạn đường từ Bình Dương đến Bình Phước dài 100km đã có 3 trạm. Đoạn từ TPHCM về Cần Thơ dài 190km cũng có 5 trạm thu phí.

Theo ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam thì dự báo tình hình khó khăn của nền kinh tế nước ta vẫn sẽ kéo dài sang năm sau, nếu thực hiện việc thu Quỹ bảo trì đường bộ sẽ càng làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1.000 doanh nghiệp kinh doanh ngành kho vận.

Còn tiến sĩ Trần Du Lịch, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM thì phân vân về tính pháp lý của việc thu phí Quỹ bảo trì đường bộ. Vì theo Luật Giao thông đường bộ thì nguồn Quỹ bảo trì đường bộ được hình thành từ ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm và các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Nhưng theo nghị định 18 quy định thu Quỹ bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện.

Ông cho rằng: “Như vậy Nghị định 18 đã đẻ ra một khoản mà Luật Giao thông đường bộ không quy định. Vì vậy việc thu phí cần phải xem xét lại”. 

Các doanh nghiệp vận tải không phản đối việc thu phí nhưng yêu cầu phải đánh giá đúng nguyên nhân, đối tượng làm hư hỏng hạ tầng giao thông và phân rõ trách nhiệm từng đối tượng để từ đó có cách tính phí công bằng, xem xét lại mức phí sao cho phù hợp với từng đối tượng; đồng thời phải xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng nguồn quỹ này một cách minh bạch, công khai…

Tùng Nguyên