Bộ GTVT: "Cơ sở, mục đích và mức thu phí đều hợp lý"

(Dân trí) - Xung quanh vấn đề thu phí và những phản ứng từ dư luận, trao đổi với báo giới Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông tiếp tục khẳng định cơ sở, mục đích và mức thu các loại phí là hợp lí.

Thưa Thứ trưởng, dư luận xã hội đang phản ứng về Đề án thu phí bảo trì đường bộ và phí Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân của Bộ GTVT, Thứ trưởng nhìn nhận như thế nào về việc này?

Bộ GTVT đã trình và tiếp tục giải thích, khi các cơ quan có yêu cầu sẽ tiếp tục cung cấp các thông tin và cơ sở thu phí.

Chúng tôi đã hoàn thành các dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ và đang lấy ý kiến các cục vụ liên quan của Bộ GTVT. Bộ GTVT chuẩn bị gửi sang bộ Tài chính để thống nhất và phấn đấu ban hành trước thời gian Nghị định có hiệu lực vào 1/6 tới đây.
 
Ngay từ trong Đề án đã dự thảo các Thông tư và khi Nghị định được phê duyệt đã hoàn thành các thông tư để gửi sang bộ Tài chính lấy ý kiến đồng thuận để ban hành, cũng như thành lập hội đồng quản lý quỹ.
 
Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh xăng dầu tăng giá, người dân và doanh nghiệp vận tải phải chịu nhiều sức ép nên phí bảo trì và phí hạn chế phương tiện đang đề xuất là tăng thêm gánh nặng, Thứ trưởng có suy nghĩ gì về việc này?

Phí bảo trì đường bộ là thực hiện theo Luật Giao thông Đường bộ năm 2008. Nghị định là văn bản dưới luật có thời gian chuẩn bị dài, lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành, ban hành vào thời điểm này cũng không phải là nhạy cảm lắm vì không ảnh hưởng lớn, không xáo trộn vì trong đề án xác định nó chiếm tỷ trọng rất thấp so với cước phí vận tải.
 
Bộ GTVT: Cơ sở, mục đích và mức thu phí đều hợp lý
"Khoản phí bảo trì sắp thu đã nằm trong Luật Giao thông Đường bộ từ năm 2008"

Với xe máy thu 100.000 đồng/năm, tương đương bằng 5 lít xăng hiện nay nên người sử dụng phương tiện chỉ cần tiết kiệm đi lại trong vòng hơn 100 km là đạt được. Mức phí cho các xe khác cũng không phải cao lắm nhưng chúng tôi cho rằng quan trọng là sử dụng nó thế nào, đưa lại hiệu quả thế nào. Trong Đề án xác định, sau khi thu phí này trong một thời gian, đường sá tốt lên thì chi phí cho vận tải sẽ giảm vì lưu thông thuận lợi hơn, tiêu hao nhiên liệu ít hơn.

Ngân sách Nhà nước vẫn phải cấp ra bảo trì đường hàng năm nhưng ngân sách có hạn chế. Chúng ta nên học tập kinh nghiệm các nước trên thế giới và khuyến cáo của các tổ chức quốc tế thu qua xăng dầu hoặc đầu phương tiện để có chi phí duy tu bảo dưỡng bên cạnh ngân sách Nhà nước. Còn phí hạn chế phương tiện có mục tiêu để hạn chế phương tiện và xây dựng phát triển hạ tầng có sự chia sẻ của người dân.

Các doanh nghiệp vận tải đồng ý đóng quỹ bảo trì để đường sá tốt hơn nhưng có nguyện vọng lùi thời hạn thực hiện và giảm mức phí xuống, điều này có thể thực hiện không thưa Thứ trưởng?

Việc lùi, giãn thời gian thu phí có rất nhiều đề nghị, điều này cũng giống với trước đây đề nghị lùi thời hạn thực hiện bằng lái FC, lắp thiết bị giám sát hành trình, mũ bảo hiểm thì phải xem vào điều kiện thực tế.

Còn mức phí trong đề án đã có dự kiến mức phí, Thông tư sẽ ban hành mức chính thức nhưng vẫn cơ bản dựa trên mức trong đề án quỹ bảo trì vì đã có sự so sánh đánh giá, phân tích giữa Việt Nam với mặt bằng khu vực và điều kiện, thu nhập của người Việt Nam nói chung.

So sánh giữa thu nhập và mức sống của Việt Nam với các nước để xét các mức phí, Thứ trưởng có nghĩ sự so sánh này là khập khiễng?

Là so với cái tương đồng như GDP - một cái mốc để mình so sánh chứ không phải chỉ so sánh một cách thuần tuý. Ví dụ phí đường cao tốc ở Trung Quốc họ thu 1 Nhân dân tệ/km nhưng GDP của họ gấp mấy lần ta. Bởi thế, khi so sánh ta đưa về tương đối 1 mặt bằng để thấy cao so với thu nhập trung bình của người dân hay thấp với cái gì. Nếu so sánh tuyệt đối thì chưa phản ánh hết tất cả.

Về cách thu thì sao thưa Thứ trưởng?

Với ô tô sẽ thu thông qua hệ thống kho bạc nhưng đầu mối là đăng kiểm. Về hình thức có thể nộp trực tiếp hoặc đến kỳ đăng kiểm sẽ nộp nhưng có điều kiện khi được cấp đăng kiểm của kỳ tiếp theo thì phải đóng phí bảo trì ở kỳ trước và đưa ra thời gian thu linh hoạt 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm để hợp với kỳ đăng kiểm.

Thu qua đầu phương tiện không công bằng khi xe đi nhiều đi ít phải đóng phí như nhau. Bộ GTVT có giải pháp gì không?

Trong đề án cũng đặt ra vấn đề đó và lấy ra mức trung bình. Đúng, nếu hiệp hội vận tải nói là người ta phải chi phí cao thì thông thường một xe vận tải đều lăn bánh một tháng phải trên 2.000 km thì mức phí có khi chịu thấp hơn với xe chỉ chạy vài trăm km. Mức phí này chúng tôi tính toán trên cơ sở trung bình một xe lưu hành thông thường có cả người đi nhiều và đi ít.

Nếu ta thu qua xăng dầu để công bằng thì có thể chỉ với phương tiện giao thông còn người đánh cá nông nghiệp mà ta có bất cập khi dùng xăng dầu. Tôi cho rằng có cái mình chưa thể giải quyết hết được phần đó. Hơn nữa, các nước hiện đại như Nhật Bản cũng thu theo đầu phương tiện và trọng lượng xe.

Bộ GTVT và Bộ Tài chính có thể phối hợp để hoàn phí cho thành phần sử dụng xăng dầu không tham gia giao thông đường bộ?

Vấn đề là có dãy số đâu để ta bù cho ngành đấy hoặc phương thức bù thế nào. Đó cũng là bài toán phức tạp. Như đánh cá đi đường thủy thì biết bù bao nhiêu. Lại câu chuyện người đi đường thủy nói tôi chỉ đi 100 km/tháng thôi nhưng có ông bảo tôi phải đi 5.000 km cơ. Cho nên lấy mức phí ở mức chấp nhận được ở mức trung bình 1 xe con đi khoảng 1.500km/ tháng. Cái này các chuyên gia nước ngoài đánh giá cũng khá phù hợp.
 
Bộ GTVT: Cơ sở, mục đích và mức thu phí đều hợp lý
Áp thu nhiều loại phí là tăng gánh nặng cho người dân

Các khoản thu phí bảo trì của người dân sẽ được minh bạch thế nào?

Đây là một nội dung chúng tôi đang bàn, trong thông tư hướng dẫn thì ngay khâu kế hoạch sẽ có hội đồng quản lý quỹ có thành phần có tính chất phi chính phủ như phòng thường mại công nghiệp Việt Nam, dưới địa phương cũng có những đơn vị trung gian đại diện cho người dân nói chung. Phải có công khai về kế hoạch sử dụng năm này bao nhiêu tiền dùng vào dự án nào.

Bộ GTVT có khẳng định chất lượng đường tốt hơn khi có phí người dân nộp?

Khi người dân đóng phí thì chất lượng đường dần dần được tốt hơn. Cái này không phải tức thời ngay vì đoạn đường dần dần được đầu tư thì sẽ tốt dần lên. Cũng phải xây dựng tiêu chí đánh giá công khai chuyện đó.

Đã thu phí của người sử dụng đường thì phải công khai. Sẽ đổi mới toàn diện trong quản lý duy tu đường bộ từ giao kế hoạch chuyển sang đặt hàng, đấu thầu, tiêu chí sẽ được thể hiện khi nghiệm thu như đường bằng phẳng, không có ổ gà… phải sửa xong các văn bản pháp lý và định mức. Dần dần sẽ có bước chuyển bằng km được sửa chữa bảo trì dài hơn trước kia.

Ngoài ra, việc kiểm soát xe quá tải để tiền đóng phí bảo trì đường bộ không vô ích thì chúng tôi sẽ làm đồng bộ. Đề án kiểm soát tải trọng xe được bộ GTVT gửi các địa phương và bộ ngành để lấy ý kiến trước khi trinh chính phủ.

Quỳnh Anh (ghi)