Doanh nghiệp Úc sợ căng thẳng với Trung Quốc hơn là nền kinh tế yếu kém
(Dân trí) - Đối với các doanh nghiệp Úc có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, căng thẳng giữa hai nước đang gây ra mối đe dọa đáng lo ngại hơn là sự chậm lại trong nền kinh tế nước này.
Một cuộc thăm dò được thực hiện bởi Phòng Thương mại AustCham với 87 doanh nghiệp ở Bắc Kinh, miền nam và phía tây Trung Quốc cho thấy, mặc dù Covid-19 tiếp tục làm giảm thu nhập của các công ty Úc làm việc cùng hoặc hoạt động ở Trung Quốc, rủi ro kinh doanh lớn nhất hiện tại với họ lại là mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước.
Hơn 70% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ lo ngại về mối quan hệ xấu đi, so với tỷ lệ 45% trong một cuộc khảo sát tương tự năm 2018. Chỉ hơn 50% coi sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc là rủi ro, trong khi 47% cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu mới là mối đe dọa.
Gần một nửa số công ty cho biết doanh thu hàng năm của họ sẽ giảm 20% so với năm 2019 - một viễn cảnh đã được nhìn thấy từ trước và ngày càng tồi tệ hơn kể từ tháng 2, thời điểm Trung Quốc đang ở đỉnh dịch. Tuy vậy, theo giám đốc điều hành AustCham tại Bắc Kinh - Nick Coyle, các doanh nghiệp vẫn đánh giá cao sự gắn kết chặt chẽ giữa hai nước.
“Căng thẳng hiện tại trong quan hệ Úc - Trung Quốc là mối lo với các doanh nghiệp. Điều đáng chú ý là sự chậm lại trong nền kinh tế nội địa Trung Quốc cũng đi kèm với sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất lạc quan về các cơ hội trung và dài hạn tại thị trường này. Những sự bổ sung mạnh mẽ nhằm củng cố mối quan hệ thương mại và đầu tư vẫn còn đó, và không có lý do gì để điều đó không thể tiếp tục, bất chấp những biến động ngắn hạn”, ông Coyle cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, cuộc điều tra cuối cùng của AustCham trước khi Covid-19 bùng phát cho thấy, hơn 2/3 thành viên của tổ chức đang đẩy mạnh việc đầu tư vào Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ABC hồi đầu tuần này, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Úc - Trung Quốc, David Olsson tiết lộ rằng, mặc dù Bộ trưởng Thương mại Úc, Simon Birmingham đã cắt đứt liên lạc với người đồng cấp Trung Quốc, Zhong Shan, kể từ khi Trung Quốc áp thuế 80,5% đối với lúa mạch nước này hồi tháng 5, các đối tác kinh doanh ở hai nước vẫn trao đổi qua lại bằng các kênh liên lạc kín và gián tiếp.
Thuế quan đối với lúa mạch, sự 'ăn miếng trả miếng' giữa Trung Quốc và Australia xoay quanh vấn đề nguy hiểm của việc đi du lịch đến cả hai nước, cũng như lệnh cấm của Trung Quốc đối với một số mặt hàng thịt bò Úc,... là một phần của cuộc xung đột nổ ra kể từ tháng 4 khi Úc kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona mà không hỏi ý kiến Trung Quốc.
Giao thương vẫn tiếp tục - bất chấp những rào cản ngày càng nhiều - đã thúc đẩy xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc. Tuy nhiên, rủi ro chính trị đối với việc kinh doanh tại Trung Quốc là điều Shaw Wines - một công ty gia đình chuyên sản xuất và xuất khẩu rượu vang Úc đang bắt đầu nghĩ đến.
Graeme Shaw, chủ sở hữu của Shaw Wines cho biết, hiện tại, công ty vẫn hoạt động bình thường và mối quan hệ với các đối tác Trung Quốc vẫn được duy trì tốt, khi cả hai bên đều gạt những cuộc cãi vã chính trị sang một bên. Nhưng Shaw vẫn có chút lo ngại về những “chướng ngại vật” mà chính phủ Trung Quốc có thể dựng lên trên con đường xuất khẩu của Úc.
Shaw và các công ty Úc khác giao dịch với Trung Quốc cho rằng, mặc dù rất khó có khả năng Bắc Kinh sẽ trực tiếp chặn đường thương mại khi cảm thấy “khó chịu”, nhưng nước này luôn có thói quen thể hiện sự bất mãn của mình thông qua những động thái tinh vi, điển hình là việc kéo dài thời gian làm thủ tục hải quan đối với than Úc tại các cảng biển lớn hồi năm ngoái, mà đỉnh điểm là lệnh cấm hoàn toàn tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.
Hồi tháng 5, xuất khẩu hàng hóa của Úc sang Trung Quốc đã tăng 8% so với tháng 4 lên 13,6 tỷ AUD (9,53 tỷ USD), theo dữ liệu thương mại quốc tế do Cục Thống kê Úc công bố đầu tháng này. Trung Quốc một lần nữa đóng vai trò là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Úc trong tháng 5, vượt xa Nhật Bản và Mỹ.
Tuy nhiên, một nhà nhập khẩu thực phẩm và đồ uống của Úc có trụ sở tại Trung Quốc kêu gọi cần thận trọng trong việc phân tích những con số khả quan này, bởi Trung Quốc tiếp tục mua hàng từ Úc có thể là do giao dịch chậm hơn với các đối tác lớn khác như Brazil, đất nước đang chứng kiến tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ.
Người này cho biết đã bắt đầu xem xét rủi ro rằng Trung Quốc có thể ngừng mua hàng từ Úc nếu quan hệ không được cải thiện, trong khi các đối tác khác của nước này phục hồi dần hậu Covid-19.
Dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, lượng hàng nhập khẩu từ Úc đã tăng trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5, so với một năm trước đó, trong khi nhập khẩu từ Brazil giảm 4% mỗi tháng, trừ tháng 3.
Hãng chuyên xuất khẩu sữa và hải sản xuyên biên giới của Úc, James Tyler nhận định, yếu tố ngăn Úc và Trung Quốc bước vào cuộc chiến thương mại là Trung Quốc không cạnh tranh với Úc như với Mỹ.
“Nếu nhìn vào danh mục xuất khẩu hàng đầu của Úc là khai thác mỏ, giáo dục, du lịch thì rõ ràng Úc và New Zealand đều có ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của Trung Quốc. Không có sản phẩm xuất khẩu nào của Úc cạnh tranh với Trung Quốc. Do đó, đây là một mối quan hệ đối tác cùng có lợi”, đồng sáng lập của James Tyler, Tyler He cho hay.