DMagazine

Doanh nghiệp TPHCM và thế "đóng cửa còn khất được, mở ra là bị đòi nợ ngay"

(Dân trí) - Thời khắc khó khăn nhất của đại dịch đã qua nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TPHCM vẫn chưa lành vết thương nghiêm trọng. Họ mong được hoạt động lại hết công suất để bù lại nguồn thu đã mất.

Gian nan con đường vực dậy doanh nghiệp sau giấc ngủ đông dài vì Covid-19

Hơn 10 ngày sau khi TPHCM mở cửa trở lại, phố đi bộ Nguyễn Huệ bắt đầu lại đông đúc người, xe vào tối cuối tuần. Tuy nhiên, hai bên đường, nhiều hàng, quán vẫn đóng cửa. 

"Theo khảo sát của chúng tôi, khoảng 70-80% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) còn đang thận trọng. Không phải nói mở là mở được ngay. Doanh nghiệp thứ nhất là hết sức, thứ hai là mất niềm tin. Quán ăn mở ra được một tháng rồi sau đó không may phải đóng còn chết nữa", ông Dominic Vũ, Chủ tịch Liên minh Doanh nghiệp SME, nói. 

Ông cho rằng nếu đóng cửa hẳn, doanh nghiệp SME có thể tạm thời khất nợ. Nhưng nếu hoạt động lại, họ sẽ chịu áp lực ngay từ ngân hàng, nhà cung cấp, chủ mặt bằng. Trong khi đó, nếu không được mở hẳn mà chỉ mở hé, nhiều doanh nghiệp dịch vụ khó càng thêm khó.

Giấc ngủ đông dài nhất trong hơn 20 năm

Tuy nhiên, được mở cửa he hé đã là niềm mơ ước với nhiều ngành nghề. Các lĩnh vực như karaoke, quán bar vẫn đóng cửa ngủ đông, chưa biết bao giờ mới có thể quay lại.

Ông Lê Hoàng Việt, quản lý hệ thống karaoke Nnice, chia sẻ doanh nghiệp ông chưa từng trải qua cuộc khủng hoảng nào trầm trọng như "cơn bão" Covid-19 lần này sau gần 25 năm hoạt động. Có 8 cơ sở tại TPHCM trước dịch, hệ thống karaoke này đã phải đóng cửa một địa điểm tại quận 3. 

"Mặt bằng bên đó chi phí cao quá chịu không nổi. Còn lại may mắn, nhiều chủ nhà hợp tác lâu năm cũng hỗ trợ hết mình, có mặt bằng giảm 70-80% giá thuê nên vẫn duy trì được. Có mặt bằng bên mình thuê mười mấy, hai chục năm, lúc nào cũng trả đầy đủ, đàng hoàng, nên khi đụng chuyện chủ nhà hỗ trợ nhiều", ông Việt chia sẻ. 

Trước dịch, hệ thống có hơn 400 lao động, nhưng hiện tại, ông Việt chia sẻ công ty vẫn nuôi một số nhân viên cốt cán, làm việc lâu năm, hỗ trợ một phần chi phí để họ duy trì cuộc sống. Những người còn lại dù cố gắng, công ty cũng không còn đủ khả năng để hỗ trợ. Nếu mở cửa lại, công ty sẽ liên hệ tất cả nhân viên, ai muốn quay lại làm việc đều được đón nhận, ai đã có công việc tốt hơn thì đành chịu. 

Doanh nghiệp TPHCM và thế đóng cửa còn khất được, mở ra là bị đòi nợ ngay - 1

Karaoke, quán bar nằm trong những dịch vụ đóng cửa đầu tiên và mở lại cuối cùng khi dịch bệnh xuất hiện (Ảnh: Hải Long).

Với ông Việt, mong muốn duy nhất lúc này là được mở cửa lại chừng nào tốt chừng đó. Đóng cửa "ngủ đông" nhưng gánh nặng chi phí thuê mặt bằng các địa điểm đắc địa ở những con đường sầm uất ở trung tâm các quận, tiền hỗ trợ nhân sự còn lại, chi phí bảo trì máy móc hàng tuần ngày càng lớn.

Dù có mở cửa trở lại, nhiều khó khăn vẫn đang chờ đợi các doanh nghiệp kinh doanh karaoke như Nnice. Ông Việt bộc bạch ngay từ năm ngoái, sau mỗi lần đóng rồi mở cửa, thói quen của khách hàng đã thay đổi. Trước dịch, nếu hóa đơn khoảng 10 đồng thì sau mỗi đợt dịch, khách vẫn đến nhưng giá trị hóa đơn chỉ còn 7 đồng, rồi 5 đồng. 

"Người ta không chi tiêu cho giải trí nhiều như hồi xưa. Lần này nếu được mở cửa, chắc chắn sẽ giảm cả số lượng và tiêu dùng của khách. Chúng tôi buộc phải làm bài toán cân đối doanh thu dự tính với chi phí, phải thắt lưng buộc bụng. Cũng phải mất 2-3 năm mới hy vọng trở về được mức cơ bản trước khi có dịch", ông Việt tâm sự.

Hệ thống karaoke này từng tính đến phương án bán đồ ăn mang đi để có nguồn thu trong lúc phải dừng hoạt động nhưng sau khi tính toán về chi phí thấy làm lại lỗ thêm nên không triển khai. Tuy nhiên, ông Việt và những người trong công ty quyết tâm cầm cự để giữ bằng được thương hiệu mất hơn 20 năm gây dựng nên.

Mở cửa... rồi tiếp tục chờ 

Như nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành khác, Công ty Images Travel của ông Nguyễn Ngọc Toản cũng khởi động lại từ ngày 1/10, sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách. Tuy nhiên, những ngày sắp tới vẫn mông lung với những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp không khói. 

Từ quy mô hơn 30 nhân sự văn phòng trước dịch, ông Toản cho biết công ty của mình chỉ còn chưa đến 10 người. Gọi lại nhân sự thì không có nguồn thu để trả lương, nhưng tiếp tục đợi thêm gần cả năm đến khi cả nước mở cửa đón khách quốc tế cũng không được là tình cảnh của công ty.  

Doanh nghiệp TPHCM và thế đóng cửa còn khất được, mở ra là bị đòi nợ ngay - 2

TPHCM mở cửa nhưng việc đi lại đến các địa phương khác không thông suốt khiến ngành du lịch tiếp tục gần như "đóng băng" (Ảnh: Nguyễn Quang).

Hơn 10 năm chuyên tổ chức tour cho khách châu Âu đến Việt Nam, ông Toản nay buộc phải chuyển sang bán các tour nội địa cho khách trong nước để cầm cự thời gian tới. "Cũng phải làm để lấy tinh thần, giữ thói quen làm việc chứ về mặt tài chính không cứu được. Thị trường khách nội địa biên lợi nhuận thấp, miếng bánh đã nhỏ, bây giờ ông nào cũng phải lao vào tranh", Giám đốc Images Travel tâm sự. 

Tuy nhiên, ngay cả dự định này cũng đang gặp nhiều thử thách. Hàng ngày, ông Toản lại phải theo dõi các tin tức cập nhật về quy định đi lại giữa các địa phương, có phải cách ly tập trung sau khi đi bằng máy bay hay không. Theo ông, nếu phải cách ly, xét nghiệm quá nhiều, cũng chẳng còn mấy ai muốn đi du lịch.

Năm trước, công ty bị mất một khoản công nợ lớn không thể thu hồi, đã phải vay ngân hàng một đợt để có dòng tiền. Để có thể tính chuyện phục hồi, ông cho biết đành phải vay ngân hàng tiếp để có tiền trả cho nhân sự trong khi lãi suất cũng không hề thấp. 

Dù vậy, giám đốc công ty du lịch này cho rằng doanh nghiệp có thể không cần nhưng người lao động phải được Nhà nước hỗ trợ. Ngành du lịch thiệt hại nặng nề, đóng cửa với khách quốc tế suốt hai năm trời, nếu không có sự hỗ trợ đặc biệt nào, phần lớn nhân sự du lịch sẽ tìm công việc khác để kiếm sống và không dễ dàng gì quay lại sau này.

Ông Toản cũng mong mỏi Việt Nam có thể mở cửa với khách quốc tế vào tháng 3/2022, sau Tết Nguyên đán. Theo ông, mở cửa đón khách quốc tế chưa thể giúp các doanh nghiệp lữ hành hồi sinh ngay nhưng sẽ cứu ngành hàng không, các khách sạn sáng đèn trở lại, dần dần kéo cả ngành du lịch trở lại guồng quay. 

Doanh nghiệp TPHCM và thế đóng cửa còn khất được, mở ra là bị đòi nợ ngay - 3

Ngành du lịch vẫn mòn mỏi chờ ngày mở cửa đón khách quốc tế trở lại (Ảnh: Nguyễn Quang).

Xoay xở trong dè chừng

Bắt tay tái khởi động lại từ ngày 1/10, CEO chuỗi Vua Cua Đoàn Thị Anh Thư cho biết cũng chỉ mở lại 3/5 nhà hàng, 4/7 điểm bán hàng lưu động tại TPHCM. Bà Thư cho rằng sau thời gian giãn cách quá dài, thói quen, giờ giấc ăn uống của người tiêu dùng đã thay đổi nhiều. Khi khởi động lại, các chuỗi cửa hàng kinh doanh ăn uống (F&B) cũng lúng túng.

"Trước đây, khi thu nhập ổn định, họ có thể không suy nghĩ nhiều khi ăn uống. Giờ ai cũng thắt chặt chi tiêu. Người lao động cũng đã về quê rất nhiều, cũng có người còn sợ Covid nên tuyển dụng rất khó", nữ CEO chia sẻ số nhân viên hiện tại chỉ còn khoảng 30% so với trước dịch. Việc tuyển dụng mới kèm theo mất thời gian đào tạo nhân viên. Do đó, để vực dậy chuỗi sẽ mất thời gian.

"Năm nay coi như bỏ", bà Thư nói đùa. Dù khó có thể tính chuyện kiếm lãi trong năm nay khi nhưng công ty cũng cố gắng để không bị lỗ, không để chi phí ăn vào vốn. Với việc được các chủ mặt bằng miễn giảm 30-50% chi phí thuê đến cuối năm, tinh gọn số lượng nhân viên phù hợp với mô hình chỉ bán hàng mang đi, bà Thư tin tưởng vẫn sẽ đạt mục tiêu. 

Xác định đến 2023 mới có thể quay lại bình thường, nữ CEO này nhanh chóng đưa ra chiến lược thích nghi. Hệ thống của bà bắt đầu triển khai nhượng quyền với mô hình xe bán hàng lưu động Vua Cua Bike, chỉ tập trung vào việc vận hành các nhà hàng. Miễn phí thuê thương hiệu trong 3 năm đầu, hệ thống này tự tin sẽ nhanh chóng thu hút đối tác tham gia nhượng quyền, qua đó mở rộng hệ thống nhanh chóng nhưng không cần tiêu tốn chi phí đầu tư ban đầu lớn.

Doanh nghiệp TPHCM và thế đóng cửa còn khất được, mở ra là bị đòi nợ ngay - 4

TPHCM vẫn chưa ấn định mốc thời gian cụ thể cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ (Ảnh: Hữu Khoa).

Chuỗi nhà hàng hải sản này cũng bắt đầu nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm thực phẩm đóng gói, cà phê, đưa hàng vào các kênh cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử để có thêm doanh số trong thời gian ngành dịch vụ bị nhà hàng bị đóng băng. "Thật sự có rất nhiều khó khăn nhưng mình là CEO mà còn ảm đạm thì nhân viên làm sao? Thay vì để thời gian ngồi than thở thì tôi tìm giải pháp", bà Thư chia sẻ.

Dù cho rằng từ nay đến cuối năm 2022, tất cả mọi doanh nghiệp kinh doanh ăn uống đều phải hoạt động trong chế độ dè chừng, nữ CEO vẫn tự tin ngành nhà hàng sẽ vụt sáng trở lại khi Covid-19 có thuốc đặc trị. Bà Thư cho rằng dè chừng là chắc chắn không mở thêm nhà hàng, và không để hết trứng vào một rổ, nhưng vẫn phải giữ đúng sản phẩm lõi của công ty.

Khi tiếng nói cần được lắng nghe

Với ông Dominic Vũ, cách duy nhất để cứu các doanh nghiệp SME hiện nay tại TPHCM là thành phố sớm mở cửa tất cả hoạt động, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động hết công suất, bù lại nguồn thu đã mất trong những tháng giãn cách. "Doanh nghiệp SME đâu có tiếng nói", ông than thở, cho rằng các chính sách vẫn thiếu sự khảo sát với doanh nghiệp trong khi chủ trương coi doanh nghiệp là trung tâm để phục hồi kinh tế. 

Vấn đề này cũng đã được Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM Phạm Phú Trường nhắc đến trong buổi gặp gỡ của Chủ tịch nước với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ngày 12/10. Ông Trường ví von doanh nghiệp đang phải ngồi dự bị hay làm khán giả trong trận đấu phục hồi, phát triển kinh tế. Đây là một sự lãng phí rất lớn khi các chính sách thiếu đi sự đóng góp của chính các doanh nghiệp, doanh nhân.

Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung, một doanh nhân kỳ cựu, cũng cho rằng Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ vì đây là nhóm chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp. Khối SME phát triển tự do, thiếu định hướng tầm vĩ mô nên trải qua khủng hoảng nhanh chóng đứt gãy, đổ vỡ, lại thiếu điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Do đó, cần thành lập một cơ quan thuộc Chính phủ để vực dậy các doanh nghiệp SME.

Trong lúc chờ đợi những chính sách hay gói hỗ trợ riêng vươn đến khối SME, những người chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gồng gánh từng ngày, xoay xở lo cho công ty, nhân viên, người lao động. Với họ, ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 cũng chỉ là một trong những ngày khó khăn như bao ngày giông bão trước kia và sắp tới phải vượt qua.