1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp TPHCM "đứt gãy" sản xuất, thiếu vốn... giải quyết cách nào?

Đại Việt

(Dân trí) - Tình trạng địa phương ban hành quy định khác nhau đã khiến việc lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp gặp khó. Không ít công ty tại TPHCM đang "đói" vốn trong giai đoạn mới.

Thiếu nguyên liệu và vốn

Ông Huỳnh Bảo Toàn - đại diện Công ty Zentado Việt Nam - cho biết, TPHCM đã nới lỏng nhiều hoạt động để người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những ngày qua. Tuy nhiên, sự đứt gãy nguồn cung nguyên liệu vẫn xảy ra do nhiều địa phương giữ chốt chặn, việc vận chuyển hàng hóa còn rất gian nan.

Doanh nghiệp TPHCM đứt gãy sản xuất, thiếu vốn... giải quyết cách nào? - 1

Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM bị thiếu nguyên liệu sản xuất do đứt gãy nguồn cung (Ảnh: Đ.V).

Theo ông Toàn, doanh nghiệp của ông sản xuất nhà lắp ghép, thế nhưng việc vận chuyển ván nhựa Picomat từ các tỉnh phía Bắc vào TPHCM, hay nhập khẩu gỗ từ nước ngoài về vất vả. Việc thiếu nguyên liệu khiến giá cả những mặt hàng này tăng mạnh, dẫn đến chi phí sản xuất "leo thang".

Quá trình đưa sản phẩm đi thi công, lắp ghép tại các địa phương cũng gặp nhiều trở ngại vì lưu thông khó. Hàng hóa phải nằm trong kho, dòng tiền kinh doanh bị ảnh hưởng. Trong khi đó, công ty vẫn phải trả tiền mặt bằng, lương nhân viên, bảo hiểm và tiền chi phí mua nguyên vật liệu hàng tháng.

"Hai năm qua là chuỗi ngày chật vật đối với chúng tôi, dịch bệnh đã vắt kiệt sức của doanh nghiệp" - ông Toàn cho hay.

Ông Toàn cho rằng, doanh nghiệp của ông vẫn còn may mắn khi đã chuẩn bị trước nhiều "kịch bản" để đối phó với khó khăn và có nguồn tài chính dự phòng tạm ổn. Ngoài chính sách đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, ông Toàn cho rằng các địa phương cần có quy định nhất quán, tránh việc "mỗi nơi, mỗi kiểu" gây khó cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, ông Tuấn kể sợ nhất việc "hôm nay ban hành cái này, ngày mai ban hành cái khác". Các địa phương muốn doanh nghiệp vực dậy, cần tạo điều kiện cho người dân, hàng hóa lưu thông, việc này sẽ kích cầu cho nền kinh tế.

Còn theo ông Dominic Vũ - đại diện Dom Capital, TPHCM đã bước sang giai đoạn mới, doanh nghiệp rất háo hức. Tuy nhiên các doanh nghiệp tại thành phố đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo như thiếu lao động, thiếu vốn.

Bên cạnh đó, chính sách mở cửa thiếu nhất quán giữa các tỉnh thành cũng gây trở ngại cho việc nhập nguyên liệu, lưu thông hàng hóa của các công ty.

Doanh nghiệp TPHCM đứt gãy sản xuất, thiếu vốn... giải quyết cách nào? - 2

Doanh nghiệp tại TPHCM đang rất cần vốn để vực dậy trong giai đoạn mới (Ảnh: Đ.V).

Ông Dominic Vũ nhận định, trong giai đoạn mới, các chính sách, quy định cần thông thoáng hơn, phải truyền thông để lấy lại niềm tin của người lao động, người tiêu dùng. Đây mới là chất xúc tác mạnh mẽ để doanh nghiệp "hồi sức", kinh tế vực dậy.

Khai thông "tắc nghẽn"

Tối 8/10, trong chương trình Dân hỏi thành phố trả lời, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, thành phố đang làm việc với nhiều tỉnh thành để thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa.

TPHCM đang phối hợp cùng các địa phương lên phương án cho người dân có thể di chuyển đến các tỉnh thành khác nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine và xét nghiệm âm tính.

Ngoài ra, Sở GTVT TPHCM đang chủ động làm việc với các tỉnh thành khác để có thể nối lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh từ 1/11.

Doanh nghiệp TPHCM đứt gãy sản xuất, thiếu vốn... giải quyết cách nào? - 3

TPHCM đang nỗ lực kết nối với các địa phương khác để người dân có thể đi lại thuận tiện hơn (Ảnh: Hải Long).

Về việc vay vốn, bà Thắng chia sẻ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng các Thông tư 01, 03 và 14.

Những thông tư này đều quy định rõ việc hoãn giãn, khoanh nợ, không nhảy nhóm nợ cho doanh nghiệp. Việc hỗ trợ do không nhảy nhóm nợ rất cần thiết cho các công ty, bởi việc này cũng quyết định mức lãi suất ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng.

"Doanh nghiệp có thể tra cứu những nội dung này để nắm rõ thông tin cụ thể, đây là các chính sách kịp thời từ ngành ngân hàng" - bà Thắng chia sẻ.

Cũng theo bà Thắng, người dân, doanh nghiệp cần tiếp cận nguồn vốn có thể gửi yêu cầu đến các hiệp hội, phường, xã hoặc quận, huyện để những đơn vị này trình lên NHNN Chi nhánh TPHCM.

Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp có thể vay vốn từ Quỹ trợ vốn C.E.P, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên.

Cụ thể, tại Ngân hàng Chính sách xã hội, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án. Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh phải có tài sản đảm bảo theo quy định, lãi suất là 7,92%/năm, thời hạn cho vay tối đa là 10 năm.

Các hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc mới thoát nghèo có thể vay nhiều lần hoặc vay một lần, với tổng số tiền vay không quá 100 triệu đồng, lãi suất 6%/năm. Thậm chí có nhiều trường hợp được hỗ trợ vốn với mức lãi suất 0%.

Về chính sách thuế, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, thành phố đã ký văn bản kiến nghị gửi Chính phủ để hỗ trợ giảm nhiều mức thuế cho doanh nghiệp.

Cụ thể, thành phố kiến nghị giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho những đơn vị có doanh thu dưới 200 tỷ đồng. Giảm 30% thuế giá trị gia tăng từ 1/10 - 31/12, miễn tiền chậm nộp thuế phát sinh trong 2 năm qua cho các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong năm 2020.

Ngoài ra, các hộ cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ cũng được miễn toàn bộ số thuế phải nộp trong Quý 3 và Quý 4 năm 2021.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm