Doanh nghiệp sẽ không cần đăng ký ngành nghề kinh doanh?
(Dân trí) - Đại biểu Lịch cho rằng: Cấp giấy phép kinh doanh cũng như việc cấp giấy khai sinh cho đứa bé ra đời, còn trong quá trình lớn lên, nó có trở thành kẻ cướp hay không thì không thể quy kết cho đơn vị đã cấp phép.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), Luật phải được ban hành kèm danh mục những gì Nhà nước cấm và kinh doanh có điều kiện, để khi doanh nghiệp đối chiếu vào, ngoài hai cái này doanh nghiệp có thể kinh doanh được hết.
“Tôi được nghe phán ảnh là các Bộ đưa ra danh mục những cái có điều kiện nhiều lắm, vậy cứ đưa ra hết cho Quốc hội xem xét. Từ đó, chúng ta có thể tính tới việc có cần đăng ký ngành nghề kinh doanh như hiện nay không?”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Nói về việc đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp, đại biểu Lịch cho rằng: Cấp giấy phép kinh doanh cũng như việc cấp giấy khai sinh cho đứa bé ra đời, còn trong quá trình lớn lên, nó có trở thành kẻ cướp hay không thì không thể quy kết cho đơn vị đã cấp phép. Do đó, khi doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh nhưng không còn hoạt động thì các cơ quan liên quan, điển hình như cơ quan thuế có thể kiểm soát được.
Bày tỏ thái độ đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) cho hay, Luật Doanh nghiệp sửa đổi theo hướng thông thoáng, không yêu cầu đưa vào đăng ký kinh doanh lĩnh vực ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận rất phấn khởi. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp bỏ không kê khai đầu vào (tức đăng ký ngành nghề kinh doanh) thì phải tính toán tới đầu ra khai báo cơ quan thuế sẽ kiểm soát thế nào để phục vụ công tác thống kê, hoạch định hướng đi của cơ quan thống kê.
Ngoài ra, theo một số đại biểu, Luật không nên quy định chương mới về doanh nghiệp Nhà nước để tránh việc hiểu phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trước pháp luật về kinh doanh.
Bởi theo chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thì phải cổ phần hóa tất cả các doanh nghiệp Nhà nước dẫn đến tỉ trọng doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm dần. Hơn nữa trong dự thảo Luật có quy định 4 loại hình doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty cổ phần; công ty hợp danh và doanh nghiệp cá thể). Việc bổ sung chương quy định về doanh nghiệp nhà nước xen giữa kết cấu các chương dễ hiểu lầm đây là một loại hình khác của doanh nghiệp.
Một số đại biểu tán thành với dự thảo luật khi bổ sung quy định về doanh nghiệp xã hội, phản ánh đúng thực tế về sự tồn tại của các doanh nghiệp ở nước ta; khuyến khích các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu xã hội, môi trường. Tuy nhiên, theo đóng góp của các đại biểu, dự thảo luật cần làm rõ cơ chế bảo đảm “51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký” cũng như chế tài đối với các doanh nghiệp xã hội khi không bảo đảm bảo việc thực hiện quy định này.
Cũng theo dự thảo luật, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có từ 51% trở lên vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Luật Đầu tư chỉ định nghĩa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, với các nhà đầu tư nước ngoài có vốn 51% tức là họ có quyền chi phối.
Tuy nhiên, theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), điều này không đáng lo ngại vì tỉ lệ đầu tư bao nhiêu thì đã có cơ cấu, đánh giá và phân tích. Ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả cổ đông nước ngoài hiện hữu) và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ, trong một “thế giới phẳng”, một thế giới toàn cầu hóa, chúng ta không nên e ngại các doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh thị trường.
“Chúng ta hãy nghĩ tới thái độ hân hoan khi xuất khẩu chiếm tới 60-70% của một nước nào đó. Rồi hân hoan khi thấy hàng của Việt Nam chiếm 12-15% thị phần của Mỹ như cá tra, cá basa. Anh chiếm được thị phần ở thị trường này thì người khác lại phải chiếm ở lĩnh vực khác của thị trường khác”. Theo ông Kiên, vấn đề quan trọng là quyền lợi của người Việt Nam phải được đảm bảo, quyền lợi quốc gia cũng phải được đảm bảo.