Doanh nghiệp rộng cửa vay vốn
(Dân trí) - Lãi suất cho vay thấp nhất trong năm đang tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt nhằm tăng tính thanh khoản cho các ngân hàng và theo hướng lãi suất giảm dần.
Lãi suất xuống thấp nhất trong năm
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Ngay sau khi NHNN công bố giảm lãi suất cơ bản xuống 10% và tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng thương mại (NHTM), các NHTM đã công bố điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay.
Nhìn chung, khối NHTM ban hành các quyết định lãi suất cho vay bằng VND áp dụng từ ngày 5/12 với mức lãi suất cho vay thấp nhất là 0,83%/tháng (10%/năm) và mức lãi suất cho vay phổ biến là 1,08%/tháng - 1,17%/tháng (13% - 14%/năm), lãi suất cho vay cao nhất là 1,25%/tháng (15%/năm).
Mức lãi suất này tương đương với mức lãi suất cuối năm 2007 và thấp nhất trong năm 2008 (giảm 6 - 11%/năm so với thời điểm cao nhất cuối tháng 6/2008).
Bên cạnh việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, các NHTM Nhà nước và NHTM cổ phần điều chỉnh giảm lãi suất huy động bằng VND, với mức giảm khoảng 1-2%/năm.
Cụ thể: Mức lãi suất huy động dưới 3 tháng giảm từ 10%/năm xuống 8 - 9%/năm, kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng giảm từ 11%/năm xuống 9 - 10%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm từ 12%/năm xuống 10 -10,5%/năm và trên 12 tháng từ 10%/năm xuống 8 - 9%/năm.
Phản ứng bước đầu của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng là khá tích cực đối với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Ngày 5/12, lãi suất thị trường liên ngân hàng qua đêm và kỳ hạn dưới 1 tháng từ 9,5 - 10,5%/năm, giảm khoảng 1 - 1,5%/năm so với ngày trước đó; thị trường tiền tệ tiếp tục dư cung vốn khả dụng, NHNN điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở để hỗ trợ cho các NHTM quản trị tốt vốn khả dụng.
Dư nợ cho vay tại Hà Nội tăng hơn 32%
Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc với Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hà Nội cho biết: Trên địa bàn Hà Nội có 357 tổ chức tín dụng (TCTD) với tổng nguồn vốn huy động đạt 425.317 tỷ đồng, tăng 18,5% so cùng kỳ và tăng 9,8% so với cuối năm 2007.
Dư nợ cho vay nền kinh tế của các TCTD trên địa bàn đạt trên 246 tỷ đồng, tăng 32,2% so với cùng kỳ và tăng 20,9% so với cuối năm 2007. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng trong 10 tháng đầu năm cao hơn tốc độ tăng vốn huy động.
Theo ông Kỳ, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn đều đảm bảo, hầu hết kinh doanh có lãi. Tổng vốn tự có của 10 ngân hàng TMCP có hội sở chính đặt tại Hà Nội hiện đã đạt trên 24 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là trên 20 nghìn tỷ (tăng 25% so với cuối năm 2007).
Tổng huy động vốn của 10 ngân hàng này đạt trên 148.895 tỷ đồng (tăng 30%), dư nợ cho vay đối với nền kinh tế là trên 109.756 tỷ đồng (tăng 17,1%). Tỷ lệ sử dụng vốn huy động để cho vay đạt 73,7%.
Đối với cho vay lĩnh vực bất động sản, các NHTM tiếp tục giải ngân cho các dự án xây dựng văn phòng cho thuê, xây dựng khu đô thị...
Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này tính đến cuối tháng 10/2008 là 24.839 tỷ đồng, tăng 23,5% so với tháng 12/2007, chiếm 10% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn. Tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực cho vay bất động sản của các NHTM trên địa bàn Hà Nội chiếm 0,9% tổng dư nợ cho vay bất động sản.
Trao đổi về tình hình hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho hay, phần lớn các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiện nay, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đã chính thức đi vào hoạt động nhằm bảo lãnh cho các DNNVV vay vốn để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến cuối tháng 10/2008, dư nợ cho vay của các TCTD đối với DNNVV đạt 75.452 tỷ đồng, tăng 25% so với cuối năm 2007 và chiếm tỷ trọng 30,6% tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn. Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết cho vay đối với loại hình doanh nghiệp này khoảng 70% tổng số hồ sơ nhận được từ doanh nghiệp.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, thời gian khó khăn về vay vốn của các doanh nghiệp đã qua, hiện nay cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng của các DNNVV trên địa bàn là rất lớn.
Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cần có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các Bộ, ngành, các địa phương và của chính bản thân các doanh nghiệp.
Thời gian tới, thực hiện mục tiêu tiếp tục kiềm chế lạm phát, chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt nhằm tăng tính thanh khoản cho các ngân hàng và theo hướng lãi suất giảm dần.
Thống đốc NHNN cũng sẽ thành lập 2 tổ công tác chuyên trách đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM để phối hợp với các hiệp hội ngành nghề trên địa bàn nhằm xử lý những khó khăn, vướng mắc của các DNNVV trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.
An Hạ