Doanh nghiệp phải bỏ từ "lon" trong slogan quảng cáo

(Dân trí) - Theo thông tin từ Công ty Coca -Cola Việt Nam, tối 29/6, doanh nghiệp này cho biết đã bỏ không chỉ từ "lon" mà cả cụm từ "mở lon Việt Nam" trong chương trình quảng cáo của hãng này đang chạy trên một số chương trình truyền hình và quảng cáo ngoài trời.

Doanh nghiệp phải bỏ từ  lon trong slogan quảng cáo - 1

Mẫu quảng cáo trước khi sửa đổi của Coca-Cola Việt Nam 

Cụ thể, Cục Văn hóa cơ sở đã có công văn gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa-Thông tin các tỉnh, thành yêu cầu việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola.

Theo công văn này, hiện nay, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam”.

"Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam; đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo", Cục này nêu.

Sau khi có ý kiến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bằng văn bản, Coca Cola Việt Nam cho biết đã nhanh chóng làm việc cùng các bộ phận liên quan để có sự điều chỉnh phù hợp, nhanh chóng, đảm bảo tính tuân thủ cao trong các nội dung quảng cáo của mình có sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam".

"Ngay sau khi nhận được công văn từ Cục, hãng đã nhanh chóng thay đổi cụm từ "Mở lon Việt Nam" thành "Cơ hội trúng vàng mỗi ngày" cho chương trình khuyến mãi của sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác", nguồn tin trên cho biết.

Trong ngày 29/6, trao đổi với báo chí, hãng này cho biết, có thể slogan của chiến dịch quảng cáo được sửa thành "Mở lon trúng vàng". Theo Coca- Cola, do sản phẩm của chương trình khuyến mãi là các lon nước ngọt nên công ty này không thể dùng từ thay thế nào khác như "chai" hay "hộp"...

Theo Coca -Cola Việt Nam, chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp này ban đầu cũng chỉ nhằm đưa ra thông điệp với chỉ nhằm đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách thức xem mã khuyến mãi dưới nắp sản phẩm Coca-Cola chứ không tính đến các yếu tố ngôn ngữ khác trong cụm từ.

Hãng này cũng cho biết, toàn bộ nội dung quảng cáo trên tất cả các kênh truyền hình, kỹ thuật số và 70% bảng hiệu quảng cáo ngoài trời đã được cập nhật nội dung mới. Hãng này vẫn tiến hành các hoạt động có thể hoàn tất việc thay đổi nội dung quảng cáo trong tuần đầu tháng 7- 2019.

Trước đó, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khi trả lời báo chí đã cho biết, Cục ra văn bản yêu cầu Coca-Cola Việt Nam sửa đổi là thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục này. Theo bà Hương, từ "lon" đứng một mình, không gắn với từ Coca - Cola hay bia... có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa.

Bà Hương nói: "Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... Từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề " . Cũng theo bà Hương, từ lon ở Việt Nam có rất nhiều nghĩa nếu như không gắn với các từ chỉ đồ uống khác như "Coca - Cola", "bia"...

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nói rõ, việc gắn chữ “lon” như cách của Coca- Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như “ở Việt Nam”, “tại Việt Nam”… là phản cảm, thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội ngày 29/6, đã có hàng chục ngàn chia sẻ, bình luận về những ý kiến của bà Ninh Thị Thu Hương và cả văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhiều người cho rằng, đó là suy diễn không cần thiết, không có trong Luật Doanh nghiệp và gây khó cho doanh nghiệp.

Trong văn bản gửi đi các địa phương, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở Văn hóa-Thông tin địa phương kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca-Cola đã tiếp nhận và yêu cầu chỉnh sửa cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Đồng thời, yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo… đối với quảng cáo trên phương tiện bảng, băng-rôn.

Đối với phương tiện giao thông, màn hình và các phương tiện quảng cáo khác trên địa bàn, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề nghị kiểm tra, yêu cầu chỉnh sửa hoặc tháo dỡ sản phẩm quảng cáo có sử dụng cụm từ trên, tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).

Hà Nguyễn