Doanh nghiệp ô tô "kêu cứu": Đã có câu trả lời đầu tiên
(Dân trí) - Việc thay đổi phương án giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt có thể xem như câu trả lời đầu tiên của bộ ngành dành cho khối doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt
Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất phương án thay đổi về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng ô tô chở người nhập khẩu từ 24 chỗ trở xuống và máy điều hoà nhiệt độ dưới 90.000 BTU.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, giá tính thuế mới của 2 sản phẩm trên sẽ dựa trên giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng được xác định theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Trong trường hợp cơ sở sản xuất mặt hàng trên bán hàng qua cơ sở trực thuộc thì giá làm căn cứ là giá do cơ sở trực thuộc hạch toán phụ thuộc bán ra; bán hàng thông qua đại lý bán đúng giá và chỉ hưởng hoa hồng thì giá làm căn cứ là giá bán do cơ sở đại lý quy định chưa trừ hoa hồng bán hàng đại lý.
Trường hợp bán qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ, công ty liên kết thì giá cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do các đơn vị này bán ra thị trường nhưng không thấp hơn 5% so với giá bán cao nhất của cơ sở kinh doanh thương mại. Trong trường hợp bán qua các cơ sở kinh doanh thương mại, giá tính bằng giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không thấp hơn 5% so với giá bán cao nhất của các cơ sở kinh doanh thương mại.
Cách tính này thay đổi đáng kể so với phương án hiện đang áp dụng, trong đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đang được tính trên giá tính thuế nhập khẩu (giá CIF) cộng với thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho từng dòng xe khác nhau.
Theo phương án mới theo đề xuất của Bộ Tài chính, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được hiểu nôm na chính là giá bán ở các đơn vị nhập khẩu chính hãng, đã bao gồm cả các loại chi phí như vận chuyển, bán hàng, thậm chí cả quảng cáo, marketing, hoa hồng đại lý… Cách tính này tương tự như cách tính hiện hành áp dụng với xe lắp ráp, sản xuất trong nước.
Gián tiếp giải cứu doanh nghiệp sản xuất ô tô
Theo lộ trình cắt giảm thuế quan, tới năm 2018, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ về 0% được cho là sẽ góp phần giảm giá bán của dòng xe nhập khẩu làm dấy lên lo ngại xe sản xuất trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh. Tuy nhiên, đáp lại những lo ngại của doanh nghiệp sản xuất trong nước, lãnh đạo bộ ngành từng không chỉ một lần nhắc tới các phương án hỗ trợ khác giành cho nhóm doanh nghiệp này.
Việc thay đổi phương án giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt có thể xem như câu trả lời đầu tiên của bộ ngành dành cho khối doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Cách tính thuế mới được Bộ Tài chính với mức thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên cả các chi phí khác sẽ khiến xe nhập khẩu tăng giá lên phần nào. Điều này cũng được Bộ Tài chính kỳ vọng sẽ tạo sự công bằng giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe sản xuất, lắp ráp trong nước và qua đó hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển.
Về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt này, trước đó cũng có nhiều doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài Chính, Công Thương cần có cơ chế đánh thuế có chọn lọc và khoa học theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Trao đổi tại một hội nghị do Bộ Công thương tổ chức cách đây không lâu, ông Nguyễn Ngọc Huyên - Tổng Giám đốc công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) nhấn mạnh: hiện thuế tiêu thụ đặc biệt được đánh vo tròn theo giá xe nhập và theo dung tích. Tuy nhiên, một kẽ hở đó là, Việt Nam chỉ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt mức giá xe xuất xưởng chứ không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt xe diện bán buôn. Nhà nước vừa thất thu thuế, doanh nghiệp nhập khẩu lại lách kẽ hở để trục lợi.
“Xe bán buôn được tính cả chi phí quảng cáo, phân phối, marketing, còn xe xuất xưởng chỉ tính giá nhập khẩu. Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt xe khi bán buôn sẽ tăng thu thuế và còn giảm áp lực đối với xe trong nước”, ông Huyên nói.
Còn theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch công ty ô tô Trường Hải, cách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt theo dung tích xe, đánh theo xe nguyên chiếc của Việt Nam hiện chưa khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nội địa hóa. Thậm chí ông Dương còn đề xuất, trong nước sản xuất được các linh kiện xe dung tích thấp hơn, dòng xe phổ thông thì bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt để cơ hội cho doanh nghiệp trong nước, sản phẩm trong nước phát triển.
Đại diện của Công ty ô tô Honda thì cho rằng, trong các cam kết WTO, họ cho phép sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp và điều tiết thị trường. Sử dụng các công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt không vi phạm các cam kết của WTO, đồng thời hiện các nước ASEAN đang áp dụng các phương thức này. “Họ nói mở cửa thị trường nhưng không phải vậy, họ đặt rất nhiều hàng rào phi thuế quan để gia nhập thị trường. Các hàng rào kỹ thuật môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ hiệu quả bảo vệ nền sản xuất ô tô trong nước của họ”.